Sa Pa khẳng định vai trò người có uy tín trong phòng, chống tảo hôn

Những năm qua, thị xã Sa Pa rất tích cực phát huy vai trò của người có uy tín trong việc đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn.

Ông Lý Phù Vàng, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải (bên phải ảnh) tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến người dân.

Ông Lý Phù Vàng, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải (bên phải ảnh) tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến người dân.

Một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sa Pa thường có tục xem tuổi lấy vợ. Gia đình có con trai tầm 16 - 17 tuổi sẽ được bố mẹ đến nhà thầy cúng xem hợp với con gái nhà ai thì đến hỏi làm vợ, kể cả vợ kém 1 - 2 tuổi hoặc hơn 2 - 3 tuổi cũng được. Quan niệm này là “nút thắt” khó gỡ trong công tác phòng, chống tảo hôn ở Sa Pa, trong đó có cộng đồng người Dao.

Tuy nhiên, cũng theo phong tục của người Dao, đám cưới tổ chức không thể thiếu thầy cúng, người có uy tín của bản. Nếu không có sự chứng kiến, đồng ý của họ, đôi lứa dù có yêu thương nhau, về chung sống với nhau thì vẫn không được cộng đồng công nhận nên vợ, nên chồng. Nét văn hóa đó đã mở ra một “giải pháp mềm” cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phát huy vai trò của thầy mo, thầy cúng vào việc ngăn chặn tảo hôn.

Ông Lý Phù Vàng, dân tộc Dao ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) năm nay gần 70 tuổi. Mọi công việc ở địa phương ông đều tham gia nhiệt tình và trách nhiệm. Là người uy tín trong thôn (là thầy cúng trong cộng đồng người Dao), ông và gia đình luôn thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là hạt nhân tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.

Ông Vàng không nhớ bản thân đã trực tiếp tham gia bao nhiêu đợt tuyên truyền phòng, chống tảo hôn của thôn, xã và trực tiếp vận động gia đình có con dự định lấy vợ, lấy chồng nhưng chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, chỉ biết rằng thôn Vù Lùng Sung chia làm 4 đội với các khu dân cư tách biệt, chia nhiều ngả đường khác nhau, ông vẫn cần mẫn đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân. Bằng uy tín, cách nói thuyết phục, ông đã vận động thành công nhiều hộ bỏ ý định cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Gần đây nhất là năm 2021, gia đình ông Lò Diếu Chuẩn có con gái thứ 2 là Lò Lở M., 17 tuổi đã được nhà trai ở xã khác đi xem tuổi và đem vòng bạc đến hỏi. Để có lễ ăn hỏi chu đáo, ông Chuẩn nhờ ông Vàng là thầy cúng và cũng là người có uy tín của thôn đến làm chứng. Tuy nhiên, ông Vàng không đồng ý và còn phối hợp với Bí thư Chi bộ thôn đến vận động. Nghe già làng và cán bộ nói phải, gia đình ông Chuẩn không nhận bạc của nhà trai nữa.

Ông Lý Phù Vàng cho biết: Lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi không chỉ vi phạm quy định của pháp luật, mà thực tế cho thấy cuộc sống của những đôi vợ chồng “trẻ con” cũng không mấy hạnh phúc. Những đứa trẻ khi sinh ra còi cọc, chậm phát triển. Thêm vào đó, phải gánh vác trọng trách nặng nề trong gia đình khi ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến chất lượng cuộc sống không cao…

Sa Pa hiện có gần 100 người có uy tín cư trú tại 94 thôn thuộc 17 xã của thị xã. Thực tế cho thấy, những người có uy tín không chỉ là những công dân gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, cải tạo tập tục lạc hậu… Ở khắp các thôn, bản của thị xã Sa Pa, đâu cũng có những cá nhân uy tín tiêu biểu, được người dân và cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao bởi có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Nhờ sự tham gia tích cực của người có uy tín, nhiều vụ việc phức tạp tại các địa phương liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đã được giải quyết, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Theo thống kê của Phòng Dân tộc thị xã Sa Pa, qua các năm, số trường hợp tảo hôn đã giảm dần, trước là gần 40 trường hợp/năm, 3 năm gần đây chưa đến 30 trường hợp/năm.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Dân tộc thị xã Sa Pa cho biết: Tảo hôn với những luật lệ là tập tục của một số dân tộc thiểu số tại địa phương, do đó, xóa bỏ tập tục này không thể một sớm một chiều. Thị xã Sa Pa xác định đây là hành trình lâu dài, cần sự tham gia của các cấp, các ngành, các thành phần, đặc biệt là những người dân trong cộng đồng đó. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn, thị xã đã tăng cường sự lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín, nhất là những người ở vùng sâu, vùng cao. Đồng thời, kịp thời biểu dương những đóng góp và tạo thuận lợi nhất để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hành trình phòng, chống tảo hôn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357321-sa-pa-khang-dinh-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-phong-chong-tao-hon