Sabeco (SAB), cổ phiếu tăng gần 50%, dòng tiền khựng lại
Từ 25/3 đến 30/7, cổ phiếu SAB đã tăng 47,3%, trong khi chỉ số VN-Index và VN30 chỉ tăng lần lượt 16,1% và 14,4%. Vậy SAB trong tương lai sẽ ra sao?
Yếu tố hỗ trợ đà tăng giá mạnh của SAB
Từ đầu năm 2020 tới nay, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, Mã CK: SAB) đón nhận 2 cú sốc ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NÐ-CP về hạn chế rượu bia và việc giãn cách xã hội khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chính hai yếu tố này đã thay đổi hành vi người tiêu dùng và ảnh hưởng trọng yếu tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của Sabeco.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4/2020, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Sabeco sẽ khôi phục và sản lượng tiêu thụ có thể đã chạm đáy trong quý I/2020. Từ đó, dòng tiền đầu tư bắt đầu phản ứng một phần vào giá cổ phiếu và cổ phiếu hồi phục.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, cổ phiếu SAB tiếp tục được giới đầu tư kỳ vọng tăng điểm mạnh nhịp thứ hai sau khi có thông tin Sabeco sẽ thoái 36% vốn còn lại của Bộ Công thương trong thời gian tới.
Ðược biết, tính tới ngày 14/2/2020, trong cơ cấu cổ đông của Sabeco có hai cổ đông lớn là Công tuy TNHH Vietnam Beverage nắm giữ 53,59% vốn điều lệ và Bộ Công thương nắm giữ 36% vốn điều lệ.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất là 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Như vậy, quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 35% vốn điều lệ của một doanh nghiệp trở lên.
Khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, đại hội đồng cổ đông sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của đại hội.
Thông tin thoái 36% vốn tại Sabeco là yếu tố kích hoạt dòng tiền chảy vào mã SAB kể từ đầu tháng 7.
Thị giá SAB tăng không đến từ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà kỳ vọng từ việc nhóm cổ đông Vietnam Beverage sẽ tham gia mua nốt 36% cổ phiếu SAB tới đây.
Ðà tăng cũng được hỗ trợ trong bối cảnh thị trường thuận lợi, dòng tiền dễ dãi đi tìm những cổ phiếu có câu chuyện riêng để đầu tư.
Tuy nhiên, Covid-19 quay lại có thể sẽ đảo lộn mọi kỳ vọng khi chưa biết điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai.
Trước hết, hành vi tiêu dùng của người dân đang và sẽ thay đổi để thích thức với bối cảnh mới, khả năng tiêu thụ sản phẩm như của Sabeco đứng trước thách thức chững lại và suy giảm. Cổ phiếu SAB hầu như đỏ sàn kể từ giữa tháng 7/2020 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thách thức nhãn tiền
Quý II/2020, Sabeco ghi nhận doanh thu 7.135 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.215,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 20,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 12.043,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.932,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 34,6% và 31,5% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được 59,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Sau quý I/2020 giảm mạnh về kết quả kinh doanh, quý II vừa bớt giảm hơn, nhưng hoạt động kinh doanh phải đối diện với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trở lại.
Các kênh tiêu thụ như quán ăn, nhà hàng, khách sạn có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, sản phẩm của Sabeco đứng trước thách thức suy giảm mạnh về lượng hàng bán.
Bên cạnh thói quen tiêu dùng thay đổi do dịch bệnh, dịch Covid-19 trên thế giới đang làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các chuỗi bán lẻ lớn liên tục nộp đơn phá sản do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trong nước, nhiều công ty đã giảm lương, bỏ thưởng, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người dân.
Chính vì thu nhập suy giảm đang đẩy người tiêu dùng chọn những hàng hóa thiết yếu hàng ngày, thay vì hàng hóa không thực sự cần thiết. Ðiều này sẽ kéo dài cho tới khi nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng và hồi phục, thu nhập tăng lên.
Trước những thách thức về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dòng tiền khựng lại với mã SAB là dễ hiểu.
Thị trường khó khăn cũng khiến nhà đầu tư nhận ra rằng, yếu tố kỳ vọng tăng giá SAB nhờ thoái vốn nhà nước mà không kèm theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện, chỉ mang tính tâm lý theo thời điểm và rất dễ bị… lãng quên.