Sắc áo mới ở Chơ Chun
Ở miền biên viễn xa xôi này, đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng với khát vọng vươn lên đã cố gắng phát huy những hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ xã biên giới '5 không', bây giờ, Chơ Chun đã có nhiều đổi thay đáng kể.
Khát vọng vùng biên
Khoảng 10 năm trước, xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là vùng đất “5 không” khi không có điện, không đường, không trường, không trạm và không sóng điện thoại. Chơ Chun là vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn nhất trong 6 xã biên giới của huyện. Cả xã có 3 thôn, gồm Axòo, Blăng và Côn Zốt, với hơn 260 hộ dân, trong đó, người Cơ Tu chiếm 98%, còn lại là bà con người Tà Riềng. Trước đây, cuộc sống của bà con chủ yếu tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 65% dân số.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, người dân và các đoàn thể, lực lượng chức năng huyện Nam Giang đã triển khai nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực, giúp người dân Chơ Chun nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nổi bật là các công trình lắp đặt đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng trên các tuyến đường trên địa bàn xã, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên giới nơi đây. Đầu năm 2022 đến nay, Đoàn xã Chơ Chun triển khai công trình "Thắp sáng đường quê" và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên và sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, đoàn thể, lực lượng chức năng. Đến nay, Đoàn xã đã phối hợp với các đơn vị lắp đặt gần 70 công trình đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng các tuyến đường, điểm sinh hoạt cộng đồng tại 3 thôn.
Từ ngày có đèn đường chiếu sáng, cuộc sống của người dân trong làng vui vẻ, nhộn nhịp hơn. Tối đến, mọi người quây quần trò chuyện, trẻ con thỏa sức vui đùa, thanh niên thì tập luyện thể thao. Các trục đường ở các thôn được chiếu sáng xuyên đêm, an ninh trật tự được đảm bảo, người dân không còn lo sợ khi đi lại lúc đêm xuống, nhất là những ngày mưa gió. “Cuộc sống bà con vốn nhiều khó khăn, vất vả nên khi các tuyến đường vùng biên được thắp sáng, người dân phấn khởi lắm. Bà con không chỉ được dùng điện lưới quốc gia soi sáng trong nhà, mà tất cả các tuyến đường, thôn xóm đều bừng sáng, góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo quê hương nơi đây” - chị Bríu Thịnh Chung, Bí thư Đoàn xã Chơ Chun cho biết.
Không chỉ có đường, có điện, mà các công trình hạ tầng như trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế, các cửa hàng tạp hóa... cũng đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nguồn vốn từ Chương trình 134, 135 hay Chương trình 30a của Chính phủ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trên địa bàn đã có hàng chục tuyến đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới bằng bê tông. Các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được xây dựng mới.
Kỳ vọng đổi thay
Cùng với các loại nông sản, thì cây dược liệu cũng đang là hướng đi mà người dân địa phương đang tập trung đẩy mạnh. Loại sâm 7 lá một hoa (theo tiếng gọi của người dân địa phương) hay còn có tên gọi “Thất diệp nhất chi hoa” đang được kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng. Sâm 7 lá vốn là loại cây mọc trong rừng sâu được dân địa phương sử dụng làm thuốc trị tiêu chảy, dần dà phát hiện thêm các công dụng tăng cường sinh lực, chữa bệnh cao huyết áp..., một số người dân đem về nhà trồng, nhân giống để bảo tồn loài cây dược liệu quý này.
Loại cây này được xếp nhóm II A trong Nghị định của Chính phủ về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Khi cây ra lá thứ 7 có nghĩa là nó đã được 7 tuổi và đó cũng là lúc thu hoạch sâm tốt nhất. Mỗi cây có một củ, từ khoảng 5 lạng đến hơn 1kg với giá 2 - 3 triệu đồng/kg tùy theo số năm tuổi và củ sâm đẹp. Anh A Viết Mia, thôn Blăng (xã Chơ Chun) là người đang sở hữu vườn sâm 7 lá với số lượng hơn 300 cây.
Hiện nay, người dân trên địa bàn xã Chơ Chun trồng rải rác sâm 7 lá với diện tích khoảng 2ha, một số hộ dân đã cho thu nhập từ thu hoạch sâm bán ra thị trường. Cuối năm 2023, UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây cho bà con. Hiện tại, loài sâm 7 lá đã có 10 hộ gia đình ở xã Chơ Chun đăng ký trồng thử nghiệm với diện tích hơn 1ha, tổng số 11.000 cây giống trong thời gian 3 năm. Hy vọng loại sâm này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong xã, thậm chí là làm giàu cho bà con xã Chơ Chun.
Trong quý I/2024, bên cạnh chỉ đạo thực hiện chăm sóc, bảo vệ các loại cây ăn quả từ các chương trình, dự án, chính quyền xã Chơ Chun còn chủ động phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai xây dựng phương án bảo tồn, nhân giống sâm 7 lá, gồm 2 ha/2hộ, phát triển loại măng A Hum với diện tích 6ha/3 thôn, mỗi thôn có 2 hộ thực hiện trồng và chăm sóc cây cam bản địa với diện tích 5ha tại 3 thôn. Xã cũng đã triển khai xây dựng phương án “Sản phẩm rượu nếp tăm” thành sản phẩm OCOP của địa phương trong năm 2024. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tập trung xây dựng 75 nhà ở cho các hộ, giải quyết nhà tạm theo Nghị quyết 13-NQ/HĐND của HĐND tỉnh, phấn đấu giảm 35 hộ nghèo trở lên trong năm 2024.
Đứng chân trên địa bàn hai xã biên giới La Êê và Chơ Chun, nhiều năm trở lại đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai các chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng nơi đây từng ngày vượt khó vươn lên. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê đã thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trao kinh phí hỗ trợ 10 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chơ Chun trị giá 50 triệu đồng để nuôi heo bản địa. Các cán bộ, chiến sĩ còn hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo trên địa bàn. Không ít gia đình học tập theo mô hình phát triển kinh tế - xã hội do BĐBP hướng dẫn đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mỗi khi trong xã có người ốm đau, bệnh tật, đều được thầy thuốc Trạm xá quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng La Êê nhiệt tình cứu chữa, chăm sóc.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-ao-moi-o-cho-chun-post476824.html