Sắc đỏ đón mùa Xuân

Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, người Cao Lan sẽ cắt dán, tạo hình trên những tờ giấy đỏ, sau đó dán lên các vật dụng trong nhà. Những hình thù, họa tiết... cầu kỳ, đẹp mắt không chỉ là vật trang trí đơn thuần mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần, tượng trưng cho ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng. Đây là phong tục đẹp, thể hiện bản sắc độc đáo của người Cao Lan từ ngàn đời nay...

Ông Âu Đức Hợi dán giấy đỏ lên bàn thờ tổ tiên của gia đình với ước mong một năm mới bình an, no ấm và may mắn.

Ông Âu Đức Hợi dán giấy đỏ lên bàn thờ tổ tiên của gia đình với ước mong một năm mới bình an, no ấm và may mắn.

Men theo con đường dẫn vào làng Ngọc Tân (khu 13), xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, nơi có trên 98% cư dân là người dân tộc Cao Lan sinh sống, dưới làn khói bếp nhẹ nhàng cùng tiết trời se lạnh của những ngày đầu Xuân, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy những nếp nhà sàn đặc trưng của người Cao Lan dần hiện ra đầy ấm áp, thân thương. Cùng đồng chí cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Âu Đức Hợi - người có uy tín ở làng Ngọc Tân. Lúc này, những người phụ nữ trong gia đình ông đang tất bật làm các món bánh truyền thống để dâng lên tổ tiên và thết đãi khách đến chơi nhà, còn những người đàn ông thì nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh, gia cố nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Sở dĩ ai nấy đều hối hả bởi người Cao Lan có một quan niệm rằng, ngày Tết là phải đủ đầy, mâm lễ càng nhiều bánh trái thì càng thể hiện sự sung túc, ấm no.

Thời gian ăn Tết của người Cao Lan kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Từ 25 tháng Chạp trở đi, người Cao Lan bắt đầu tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên là làm các loại bánh truyền thống ngày Tết, trong đó bánh chưng không thể thiếu được của mỗi gia đình, không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu để đi lễ Tết họ hàng nội, ngoại. Cùng với bánh chưng, bánh chim gâu làm bằng gạo nếp, bánh gai làm bằng gạo nếp trộn với đỗ xanh và mật mía, bánh ngũ sắc, chè lam... cũng là những loại bánh không thể thiếu trong mâm lễ ngày Tết của người Cao Lan.

Trong khi những người phụ nữ vừa dẻo tay làm các loại bánh truyền thống, vừa ngân nga điệu Sình ca ngọt ngào, say đắm thì những người đàn ông trong gia đình cũng hối hả chuẩn bị cho lễ dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan gọi là Chí Dịt) lên các vật dụng trong nhà để chúng được “nghỉ Tết”.

Giấy đỏ được dán lên cây cối với mong ước xua đuổi sâu bệnh, tà ma.

Giấy đỏ được dán lên cây cối với mong ước xua đuổi sâu bệnh, tà ma.

Những tấm giấy đỏ được cắt dán với những hình thù, họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt.

Những tấm giấy đỏ được cắt dán với những hình thù, họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt.

Vừa tìm kiếm và sắp xếp những tờ giấy đỏ, kéo, hồ, ông Hợi vừa kể cho chúng tôi nghe những “đặc sản” đón Tết mà chỉ người Cao Lan mới có. Ông tâm sự: Mỗi dân tộc đều có những phong tục đón Tết độc đáo khác nhau, tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc muôn màu và người Cao Lan cũng góp một màu đỏ rực rỡ vào bức tranh Tết ấy. Ngay từ thưở ấu thơ, ông đã được dạy cách cắt giấy dán và khấn cầu trong lễ Chí Dịt. Nghi lễ truyền thống thiêng liêng này là cầu nối giữa con người và thần linh, ngày nay vẫn được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Cao Lan ở Ngọc Quan. Mỗi tấm giấy tượng trưng cho lời nguyện ước một năm mới ấm no, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh, giúp xua đuổi tà ma, mang lại nhiều niềm vui, may mắn. Chính vì thế, vào những ngày cuối năm và sang năm mới, khắp các bản làng người Cao Lan được điểm tô những sắc đỏ rực rỡ.

Sau khi thực hiện xong Lễ Chí Dịt, người Cao Lan cùng nhau hát Sình ca, Vèo ca để vui Xuân, đón Tết.

Sau khi thực hiện xong Lễ Chí Dịt, người Cao Lan cùng nhau hát Sình ca, Vèo ca để vui Xuân, đón Tết.

Giấy đỏ thường được cắt thành hình chữ nhật với các hình dáng hoa văn truyền thống. Giấy đỏ để dán lên bàn thờ tổ tiên sẽ có kích thước to cỡ 30x50cm, còn giấy đỏ để dán lên đồ vật sẽ có kích thước khoảng 5x10cm. Giấy đỏ được dán ở khắp mọi nơi trong nhà. Nếu dán giấy đỏ lên bàn thờ tổ tiên có nghĩa là lời cầu nguyện ông bà, tổ tiên phù hộ cho cả gia đình được mạnh khỏe, bình an, may mắn, dán lên đồ vật, dụng cụ trong nhà như cái cuốc, cái xẻng, con dao... thì những đồ vật đó sẽ được nghỉ ngơi, đón chào năm mới cùng con người sau một năm làm việc vất vả. Với những gốc cây trong vườn nhà, nếu được dán giấy đỏ thì trong năm mới, những cây ấy sẽ tốt tươi, sai quả, không có sâu bọ tới xâm lấn.

Vào những ngày 28, 29 tháng Chạp, khi các đồ vật trong nhà, những gốc cây trong vườn đều đã được điểm tô bằng những tờ giấy đỏ, cộng thêm mùi hương thơm nồng từ những nồi bánh tỏa ra từ góc nhà cũng là lúc Tết đã đến với người Cao Lan. Từ thời khắc này, họ bắt đầu gác lại những lo toan, bộn bề trong một năm qua, cùng nhau hát Sình ca, Vèo ca, múa chim gâu, xúc tép... để cùng nhau đón Xuân mới về trong niềm hân hoan, tươi vui, phấn khởi.

Lễ Chí Dịt của người Cao Lan không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, phản ánh niềm tin và khát vọng của con người vào một tương lai tươi sáng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của phong tục này giúp lưu giữ bản sắc dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa sắc màu của đất nước.

Thành An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/sac-do-don-mua-xuan-226939.htm