Mario Heller đã thực hiện chuyến đi kéo dài gần ba tuần bằng tàu hỏa qua các vùng đất ở Kazakhstan. Trên cuộc hành trình dài 7.500 km, anh đã có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc của đất nước Trung Á với những đồng bằng rộng lớn, sa mạc với đầy cát, sỏi và nhiều vùng núi kỳ vĩ. Đặc biệt, Heller có thể quan sát khung cảnh của biển Aral, nơi từng là hồ lớn thứ tư thế giới, nhưng giờ đây đã khô cạn do việc trồng bông quy mô lớn khi Kazakhstan còn là một phần của Liên Xô.
Mạng lưới đường sắt ở Kazakhstan chỉ dài khoảng 16.000 km, thấp hơn nhiều so với Đức, mặc dù Kazakhstan có diện tích lớn gấp 7 lần quốc gia châu Âu. Hiện nay, các tuyến đường sắt tại quốc gia Trung Á do nhà nước quản lý. Trong đó, phần lớn đầu máy xe lửa được sản xuất từ thời Liên Xô.
Mỗi toa gồm 3 nhà vệ sinh, phòng bếp có lò vi sóng và bình đun nước được đặt ở hành lang để du khách pha trà hoặc ăn mì Hàn Quốc. Có ít nhất một nhân viên giám sát tại mỗi toa tàu.
Ngoài tiếng lạch cạch đơn điệu của con tàu, Mario Heller còn lắng nghe nhiều âm thanh từ khắp mọi ngóc ngách của toa xe như tiếng ngáy của người đàn ông, tiếng đứa trẻ khóc ầm ĩ, giai điệu âm nhạc dân gian hay giọng nói từ chiếc radio...
Mayra, người phụ nữ 52 tuổi, mời nhiếp ảnh gia ăn thịt luộc, hành động biểu hiện cho lòng hiếu khách và sự thân thiện của cư dân vùng thảo nguyên. "Người Kazakhstan ăn nhiều thịt vì được sinh ra để trở thành chiến binh", cô Mayra nói. Ở Kazakhstan, thực phẩm đóng một vai trò quan trọng, nên trong toa tàu đồ ăn liên tục được chia sẻ giữa các hành khách. Tuy vậy, cô Mayra cho biết truyền thống này giờ đây không còn thấy nhiều vì hầu hết du khách chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của họ.
Tất cả hành khách đều gấp gọn gàng ga trải giường và chăn khi đến ga thuộc vùng ngoại ô thành phố Atyrau. Vào buổi sáng sớm, một đám đông đã tụ tập quanh toa xe để chúc mừng cặp vợ chồng mới cưới vừa trở về từ tuần trăng mật. Bầu không khí trở nên náo nhiệt với những cái ôm chân thành và hàng trăm cánh hoa giấy tung bay trên bầu trời.
Mario Heller thường nghỉ ngơi khoảng 12 giờ trong các khách sạn cũ gần nhà ga, trước khi lên một chuyến tàu khác. Hầu hết thành phố tại Kazakhstan không có nhiều điều hấp dẫn, ngoại trừ Almaty, thủ đô trong quá khứ của quốc gia Trung Á có phong cảnh núi non xanh tươi ngoạn mục. Tại nhà ga Aralsk, nhiếp ảnh gia được 3 người đàn ông mời đến bàn để thưởng thức phô mai hun khói và salad, kèm theo uống rượu vodka.
Trên đường trở lại Almaty, Mario Heller gặp gỡ và trò chuyện cùng với hai người phụ nữ lớn tuổi trong toa tàu. Nubia và Reyma đều là người Kazakhstan, nhưng đã sống ở Afghanistan từ năm 11 tuổi. Xung đột chính trị khiến cả hai bà phải xa quê hương và lớn lên ở Baghlan, gần biên giới Tajik. Ngày nay, cộng đồng người Kazakhstan ở Afghanistan vẫn còn khoảng vài nghìn người. "Ở Kazakhstan có hòa bình, và đó là tất cả những gì bạn cần ở độ tuổi này", bà Reyma chia sẻ.
Hiểu Phong