Sắc màu Lễ hội mùa hoa gạo bên sông

Lễ hội mùa hoa gạo bên sông huyện Quỳnh Nhai lần đầu tiên được tổ chức đã mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm ý nghĩa. Lễ hội đã tái hiện không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai cùng những màn trình diễn dân ca, dân vũ độc đáo và ấn tượng.

Không gian Lễ hội mùa hoa gạo bên sông.

Không gian Lễ hội mùa hoa gạo bên sông.

Khi hoa gạo trên các triền đồi, bến sông bắt đầu chúm chím nụ đến lúc hoa bung nở đỏ thắm cũng là lúc đồng bào các dân tộc nơi đây khởi đầu một năm mới bằng những lễ hội, nghi lễ truyền thống đặc sắc, cầu cho năm mới sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu. Đây cũng là thời điểm tiết trời mùa xuân ấm áp, nắng vàng rực rỡ, lòng hồ Quỳnh Nhai mùa nước dâng xanh thăm thẳm, soi bóng những dãy núi đá vôi cao sừng sững, mời gọi du khách về thăm, tận hưởng không gian kỳ vĩ, thơ mộng của biển hồ.

Các đại biểu và đông đảo nhân dân, du khách tham gia Lễ hội mùa hoa gạo bên sông.

Các đại biểu và đông đảo nhân dân, du khách tham gia Lễ hội mùa hoa gạo bên sông.

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đại biểu tham gia Nghi lễ buộc chỉ cổ tay.

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đại biểu tham gia Nghi lễ buộc chỉ cổ tay.

Tham gia lễ hội có hơn 150 nghệ nhân, diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng của các câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc, các đội văn nghệ, câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc văn hóa” từ các bản, tiểu khu của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điểm nhấn của lễ hội là phần trình diễn tái hiện trích đoạn Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng Quỳnh Nhai. Đây là lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời và được người Thái trắng nơi đây gìn giữ. Năm 2020, Lễ hội Kin Pang Then được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Kin Pang Then hay còn gọi là “Lễ mừng con nuôi” được duy trì từ rất lâu đời, với ý nghĩa chính là để các “con nuôi” bày tỏ lòng biết ơn với người chữa khỏi bệnh và cầu mong sức khỏe, may mắn, cầu mùa màng bội thu trong năm mới. Lễ hội còn có phần hội đặc sắc với các phần trình diễn múa quả nhạc, múa chọi gà, múa nón, múa đàn tính, múa xòe… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.

Tái hiện trích đoạn Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai.

Tái hiện trích đoạn Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai.

Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, thị trấn Mường Giàng, là thầy “mo then” điều hành tái hiện lễ hội Kin Pang Then, chia sẻ: Nhiều năm nay, thị trấn Mường Giàng duy trì đội văn nghệ của những người cao tuổi, là các nghệ nhân, những người yêu văn hóa truyền thống và mong muốn được lưu truyền, phát huy văn hóa của dân tộc. Được biểu diễn, phục dựng lễ hội để phục vụ công chúng như thế này, chúng tôi rất vui, cảm thấy vinh dự và tự hào, thấy mình càng phải có trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghi lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái đen.

Nghi lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái đen.

Trong không gian của Lễ hội hoa gạo bên sông, nhân dân và du khách còn được chứng kiến Nghi lễ buộc chỉ cổ tay (Lễ cầu an) của người Thái đen ở Quỳnh Nhai, được tổ chức vào dịp năm với ý nghĩa cầu mong sức khỏe dồi dào, gia đình hòa thuận, hạnh phúc trong năm mới. Phần trình diễn do các nghệ nhân dân gian và đội văn nghệ truyền thống bản Bo Xanh, xã Mường Giôn thể hiện. Đây là đội văn nghệ được thành lập lâu năm, các thành viên thuộc nhiều thế hệ. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân cao tuổi, đội văn nghệ đã mang đến cho người xem một nghi lễ cổ truyền mang nhiều ý nghĩa.

Biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Hòa mình trong không gian lễ hội, chị Nguyễn Bảo Trang, du khách đến từ Thành phố Hà Nội, hào hứng chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với những màn trình diễn trích đoạn lễ hội truyền thống. Các nghi thức cổ truyền hiện vẫn được bà con gìn giữ, bảo tồn, đó là điều rất đáng quý. Bên cạnh đó, phần phục dựng lễ hội còn có những màn biểu diễn mang tính nghệ thuật, giải trí, giúp cho không khí ngày hội thêm sôi động, hào hứng, thu hút mọi người cùng tham gia.

Tham gia Lễ hội hoa gạo bên sông, nhân dân và du khách còn được thưởng thức những màn biểu diễn ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Trình diễn múa xòe, múa sạp truyền thống của dân tộc Thái; hòa tấu nhạc cụ dân tộc Thái, độc tấu đàn nhị, đàn tính; biểu diễn các điệu múa đặc sắc dân tộc Mông, nhảy dân vũ hiện đại…

Tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Trình diễn thổi khèn Mông.

Trình diễn thổi khèn Mông.

Bà Lường Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Lễ hội hoa gạo bên sông là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025. Với hoạt động này, Quỳnh Nhai mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, những di sản văn hóa mang nhiều giá trị của đồng bào các dân tộc đến với bạn bè và du khách gần xa. Huyện Quỳnh Nhai cũng xác định sẽ tiếp tục duy trì thường niên sự kiện Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới các về cách thức tổ chức nhằm tạo sự kiện điểm nhấn cho du lịch Quỳnh Nhai, thu hút ngày càng đông du khách và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.

Trải nghiệm nhảy sạp.

Trải nghiệm nhảy sạp.

Lễ hội hoa gạo bên sông mang đến không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ Quỳnh Nhai. Các phần trình diễn được phục dựng vừa giữ được bản sắc, giá trị nguyên bản, vừa mang yếu tố biểu diễn đáp ứng thị hiếu người xem. Đây cũng là hoạt động mang lại không khí sôi động, tạo sự hấp dẫn cho Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người miền đất bên sông Đà đến đông đảo du khách gần xa.

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/du-lich/sac-mau-le-hoi-mua-hoa-gao-ben-song-3jQ6kYKNR.html