Sắc màu văn hóa các dân tộc
Trong khuôn khổ ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên - Tuy Hòa 2023 vừa diễn ra tại quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), chương trình nghệ thuật Sắc màu âm nhạc đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc và dấu ấn về văn hóa các dân tộc.
Chương trình quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đến từ các thành phố: Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Kon Tum (Kon Tum), Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Tuy Hòa (Phú Yên) tham gia biểu diễn với 21 tiết mục ca múa nhạc mang bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương.
Âm thanh đại ngàn giữa lòng phố biển
Tham gia chương trình, các nghệ sĩ, diễn viên của các thành phố: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa đã khắc họa hình ảnh về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ qua những Vũ điệu Tây Nguyên, Kon Tum khúc hát tự hào, Sắc rừng, Men say Bu Noong... mang âm hưởng của đại ngàn.
Chị H Nỗn Knul, thành viên của Đoàn nghệ thuật TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: Các tiết mục tham gia chương trình của thành phố chúng tôi đều có sự gắn kết với nhau. Đó là sự kết hợp của những làn điệu dân ca dân tộc Ê Đê, Ja Rai... phong phú, đặc sắc và nhạc điệu của tre, nứa hòa cùng tiếng cồng chiêng tạo nên âm thanh nhiều sắc màu. Đó là tiếng trầm hùng của núi rừng, lúc thì róc rách của tiếng suối chảy, lúc âm vang như dòng thác, tạo nên những âm thanh nối liền giữa con người, trời đất và thần linh, giữa hiện tại và quá khứ từ ngàn xưa vọng về.
Trình diễn tiết mục Dăm thơi hết sức lôi cuốn, anh Bùi Minh Hùng, thành viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) cho hay: “Dăm thơi là một trong những bài hát dân ca của dân tộc Ja Rai, được người dân lưu truyền từ xưa đến nay. Bài hát nói về những chàng trai khỏe mạnh kêu gọi mọi người trong buôn làng cùng hát ca, nhảy múa để cảm ơn Yàng và cầu cho mùa màng bội thu, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, không đau ốm bệnh tật và mang đến những điều tốt, xua đuổi những điều xấu...
Du khách Nguyễn Tường Vy đến từ TP Hồ Chí Minh nói: “Nhân dịp nghỉ hè, gia đình tôi về xứ biển Tuy Hòa du lịch và may mắn được hòa mình vào các hoạt động của ngày hội này. Tôi thật sự bất ngờ trước một đời sống văn hóa tinh thần giàu sắc màu của bà con đồng bào các dân tộc. Độc đáo và đặc sắc là điều chúng tôi cảm nhận sau khi xem chương trình biểu diễn của các đoàn. Những sắc màu văn hóa, trang phục, phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên được các nghệ sĩ, diễn viên tái hiện và trình diễn tại thành phố biển hoa vàng cỏ xanh, làm cho chúng tôi đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác”.
Quảng bá hình ảnh quê hương
Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Sở VH-TT&DL Phú Yên) mang đến ngày hội 5 tiết mục, trong đó có Khúc biến tấu của đá do NSND Bùi Thanh Hải sáng tác và thể hiện. Ngoài những chất liệu sẵn có, các nghệ sĩ, diễn viên đã biến hóa các tiết mục thêm màu sắc. Các tiết mục không chỉ được đầu tư cho phần hòa âm, phối khí mà còn chăm chút cho phần nhìn từ trang phục, ánh sáng đến múa phụ họa..., từ đó nâng cao hiệu ứng tác phẩm.
“Âm nhạc không chỉ là nơi thể hiện cảm xúc qua những giai điệu, lời ca mà còn hội tụ tinh hoa bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền. Đó là cầu nối gắn kết các dân tộc, là phương tiện tốt nhất để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của địa phương mình đến với bạn bè bốn phương”, NSND Bùi Thanh Hải bày tỏ.
Đặc biệt, trong chương trình Sắc màu âm nhạc, nhiều tiết mục hòa tấu từ các nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của đồng bào Tây Nguyên kết hợp với âm thanh của đàn đá Tuy An đã tạo nên một bản giao hưởng tinh tế, đưa khán giả đến với bức tranh muôn màu, đậm bản sắc các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên.
Chị Nguyễn Thanh Thu Hằng, thành viên của Đoàn nghệ thuật TP Gia Nghĩa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Phú Yên và cảm thấy rất vui. Tôi và những người trong đoàn mang hình ảnh thành phố của mình đến đây, giới thiệu, chia sẻ với mọi người. Tôi hy vọng có thêm nhiều dịp để giới thiệu, giao lưu văn hóa, ẩm thực, chia sẻ phong tục, tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc”.
Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku Nguyễn Hữu Sung nhìn nhận: “Chương trình nghệ thuật được các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các thành phố Pleiku, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa thực hiện đã tôn lên nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, quê hương của những bộ sử thi, trường ca hùng tráng, không gian văn hóa cồng chiêng - di sản văn hóa đại diện của nhân loại, cùng những lễ hội đậm đà bản sắc.
Bên cạnh đó, các tiết mục nghệ thuật của đơn vị chủ nhà đã giới thiệu vẻ đẹp quyến rũ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thế mạnh du lịch của TP Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung. Hoạt động này góp phần kết nối không gian văn hóa, phát triển các hoạt động du lịch, thu hút du khách...”.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/300930/sac-mau-van-hoa-cac-dan-toc.html