Sắc màu văn hóa dân tộc Lô Lô

Dân tộc Lô Lô là một trong số 16 dân tộc thiểu số (DTTS) có dân số dưới 10.000 người và một trong 6 dân tộc có số dân dưới 5.000 người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Dân tộc Lô Lô hiện nay cư trú chủ yếu ở tỉnh Cao Bằng và Hà Giang.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học và dân tộc học, người Lô Lô có ngồn gốc từ người Di vùng Vân Nam, Trưng Quốc di cư vào nước ta từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ 2, cách đây khoảng 500 năm, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, trong hệ ngữ Hán - Tạng. Căn cứ vào trang phục, ngôn ngữ và đặc trưng văn hóa, dân tộc Lô Lô được chia thành hai nhóm: Lô Lô hoa và Lô Lô đen. Nhóm Lô Lô hoa có khoảng 400 người, chỉ cư trú duy nhất ở Hà Giang, còn nhóm Lô Lô đen có hơn 4.000 người, phân bố ở cả tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.

Trang phục phụ nữ Lô Lô đen thường do phụ nữ Lô Lô đen tự dệt vải chàm may, thêu.

Trang phục phụ nữ Lô Lô đen thường do phụ nữ Lô Lô đen tự dệt vải chàm may, thêu.

Tại Cao Bằng, người Lô Lô đen quần cư sinh sống tại các xã: Hồng Trị, Kim Cúc, Cô Ba, huyện Bảo Lạc và xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm là hai huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh với khoảng 3.172 người, chiếm 0,47% dân số toàn tỉnh.

Người Lô Lô đen có thế giới quan, nhân sinh quan nhân văn sâu sắc với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc,phong phú được phản ánh qua dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội truyền thống, nghi thức, nghi lễ trong cuộc sống hàng ngày, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công... Đặc biệt, người Lô Lô đen còn lưu giữ và sử dụng trống đồng trong tang ma do tổ tiên truyền lại. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có, khác biệt với các dân tộc khác.

Đặc điểm quần cư của dân tộc Lô Lô đen sống tập trung thành từng làng, bản nhỏ từ 10 - 30 hộ tại thung lũng treo trên lưng núi cao, không có dân tộc nào sống xen kẽ là điểm khác so với dân tộc khác. Bản làng người Lô Lô đen tuy có nhiều dòng họ cùng sinh sống nhưng tính cộng đồng rất cao. Họ không phân biệt các dòng họ mà quây quần sống bên nhau và được quy định theo hình thể đất. Trung tâm của làng thường được đặt ở nơi có dòng họ được cả làng quý trọng hoặc có đông thanh niên. Mỗi dòng họ thường có một khu đất, một nghĩa địa chia cho từng dòng họ. Khu đất nghĩa địa thường thường được đặt ở nơi đất trũng của quả đồi hay chân núi, đảm bảo sự yên tĩnh, trang nghiêm và thoáng mát.

Không gian kiến trúc nhà ở người Lô Lô đen chủ yếu là nhà sàn, giống nhà sàn của người Tày, Nùng chỉ khác về cách bài trí trong nhà. Bàn thờ được đặt gian giữa nhà đối diện với cửa chính đón. Khách, con trai chưa vợ và các ông già được ngủ ở gian giữa nhưng kiêng không được nằm ở chính giữa bàn thờ, không quay chân vào bàn thờ. Người có vợ, chồng thì quây buồng ở hai gian bên cạnh.

Ẩm thực người Lô Lô đen do đặc thù sống trên núi cao nên trồng gạo tẻ, gạo nếp, ngô trên ruộng, nương bậc thang nên thơm, dẻo có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Thực phẩm thức ăn mặn thường chế biến dự trữ để lâu ngày như thịt lạp, thịt khô, cá gắp nướng gác bếp thịt bò, thịt trâu chua, đỗ thối…

Trang phục người Lô Lô đen của phụ nữ được may, thêu cầu kỳ. Áo ngắn, màu đen chàm để hở bụng, hai ống tay áo hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh, đỏ, tím, vàng… thường là chín vòng màu khác nhau. Hai vạt áo phía trước được trang trí bằng diềm vải hoa đỏ, khuy áo làm bằng vải cài cúc đồng hình tròn, phía sau lưng được chắp bằng miếng vải màu hình tam giác tạo thành các ô vuông với các hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước… Quần ống rộng, phía ngoài quần được choàng một tấm vải (khăn) từ phía sau ra đằng trước và cuộn chặt trước bụng có tác dụng quấn chặt cạp quần, tạo được dáng của người phụ nữ đẹp hơn. Đồ trang sức thường làm bằng bạc. Trang phục nam giới đơn giản, dùng vải chàm đen may quần ống rộng, áo khuy ngang.

Du khách trải nghiệm văn nghệ đặc sắc người Lô Lô đen tại điểm du lịch cộng đồng Homestay Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).

Du khách trải nghiệm văn nghệ đặc sắc người Lô Lô đen tại điểm du lịch cộng đồng Homestay Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).

Người Lô Lô đen coi thiên nhiên là bà mẹ bao bọc che chở cho dân bản nên mỗi bản làng đều có khu rừng thiêng và cấm chặt phá rừng. Vì rừng là nơi trú ngụ của các vị thần linh, cung cấp nguồn nước cho bản làng. Thế giới tâm linh, con người dẫu có chết đi nhưng linh hồn vẫn luôn gắn bó với cộng đồng bản làng. Vì vậy, người Lô Lô đen là dân tộc duy nhất sử dụng trống đồng, trống “đực” và trống “cái” trong nghi lễ tang ma. Bởi tiếng trống đồng là thần linh kết nối linh hồn người chết với cộng đồng. Khi làm Ma khô dùng trống “đực” và trống “cái” đánh lên để mời người nhà, họ hàng, trong làng cùng múa dân vũ, mỗi một nhịp trống đánh lên là một điệu múa khác nhau, kết nối linh thiêng của thần linh với người sống và người chết.

Người Lô Lô đen có chữ viết riêng nhưng quá trình đổi thay của lịch sử, di cư nên mất chữ viết, chỉ còn ngôn ngữ truyền khẩu qua các thế hệ. Văn hóa tinh thần của người Lô Lô rất phong phú có nhiều truyền thuyết, thần thoại, dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc… Trong bài cúng các vị thần của thầy mo có bài trường ca dài hàng nghìn câu kể mối quan hệ giữa vũ trụ quan và con người, dù chỉ truyền khẩu nhưng thầy mo nhớ hết.

Dân ca, dân vũ, dân nhạc người Lô Lô đen rất phong phú có hát giao duyên nam nữ, hát ngày Tết, lễ, hát mừng thọ, hát mừng nhà mới, lễ cưới, hát cúng người chết… Trong năm có Tết nguyên đán, Tết mùng 6 tháng 6, Tết rằm tháng 7, lễ mừng cơm mới… Đầu năm có lễ cầu mưa “Mề pỉ” địa điểm tổ chức thường là ở khu rừng có mặt bằng tương đối bằng phẳng, dân bản thường chọn vào ngày Thìn tháng 3 Âm lịch. Bởi theo quan niệm người Lô Lô đen ngày Thìn là ngày rồng phun mưa tưới cho các loại cây trồng, vật nuôi có nước sinh sống ở trần gian. Thầy cúng sẽ cầu mưa thuận gió hòa để cho cây cối tươi tốt, trăm hoa đua nở, mùa màng bội thu, cầu bình an cho mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc, sống lâu, không bệnh tật…

Những năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô đen được UBND tỉnh, các cấp, ngành hữu quan, UBND huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc đã và đang triển khai đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc Lô Lô đen. Ban Dân tộc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm đã triển khai Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS ít người giai đoạn 2016 - 2025. Đến nay, các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, điện, đường, trường hoc, trạm y tế xã, hệ thống nước sạch được đầu xây dựng đồng bộ để người Lô Lô đen có điều kiện tiếp cận với hệ thống an sinh, y tế, giáo dục từng bước nâng cao đời sống, trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Lô Lô gắn với phát triển kinh tế- xã hội. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai triển khai Dự án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”; Đề tài khoa học “Thực trạng biến đổi và giải pháp phát huy các giá trị văn hóa của người Lô Lô đen, tỉnh Cao Bằng” đã triển khai 8 nhóm biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch cộng đồng Homestay. Hỗ trợ tiền cho bà con Lô Lô xóm Khuổi Khon sửa nhà sàn truyền thống, xây dựng Nhà sàn văn hóa cộng đồng để trưng bày không gian văn hóa người Lô Lô và là nơi để bà con hội họp, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dạy tiếng Lô Lô, dạy nghề truyền thống…

UBND huyện Bảo Lạc triển khai bảo tồn văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể dân tộc Lô Lô. Mời người già, nghệ nhân mở nhiều lớp truyền dạy tiếng Lô Lô theo hình thức truyền khẩu, hát các làn điệu dân ca, những bài cúng tế trong ghi lễ dân tộc Lô Lô; lập 16 hồ sơ di sản văn hóa dân tộc Lô Lô; phục dựng lại Lễ mừng cơm mới, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô tổ chức hát dân ca dân vũ, dân nhạc, thi ẩm thực, dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian…; mở các lớp dạy nghề truyền thống đan lát, thêu dệt thổ cẩm. Hiện nay, xóm Khuổi Khon đã có sản phẩm quần, áo, mũ, túi, vỏ gối, nón đội đầu… bán cho khách du lịch. Đặc biệt Dự án “Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc” gắn với phát triển du lịch cộng đồng Homestay đã thu hút trên 10.000 lượt khách nước ngoài đến trải nghiệm văn hóa người Lô Lô đen.

UBND huyện Bảo Lâm đầu tư hạ tầng cơ sở kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho dân tộc Lô Lô còn đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bà con dân tộc Lô Lô. Huyện mời các nghệ nhân tiếng Lô Lô, dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc, thêu, dệt, đan lát…Tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Lô Lô, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến trải nghiệm.

Với sự quan tâm vào cuộc của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô được quan tâm bảo tồn và phát huy, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người Lô Lô đen, góp phần làm đa dạng, phong phú văn hóa 54 dân tộc anh em Việt Nam.

Hồng Xiêm

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/sac-mau-van-hoa-dan-toc-lo-lo-3170971.html