Sắc mới Nậm Xây

Chúng tôi về Nậm Xây (Văn Bàn) một ngày đầu xuân mới ấm áp. 1 năm qua, bức tranh nông thôn Nậm Xây đã thêm những gam màu mới bởi sự góp mặt của các tuyến đường nông thôn được kiên cố, mở rộng; sản phẩm nông sản đặc hữu (nếp dẻo thơm, măng sặt...) đã trở thành hàng hóa đem lại thêm thu nhập cho người dân nơi đây.

Vừa nhanh tay thêu thổ cẩm, chị Triệu Mùi Phấy ở thôn Nậm Van vừa trò chuyện: Vụ lúa vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được khoảng chục bao thóc nếp (45 - 50 kg/bao) và 30 - 40 bao thóc tẻ, đủ gạo ăn quanh năm cho cả gia đình. Tôi để lại một phần thóc nếp để gói bánh tết, làm xôi cúng lễ, còn lại bán cho thương lái và người dân quanh vùng.

Người dân Nậm Xây có thêm thu nhập từ canh tác lúa nếp đặc sản.

Người dân Nậm Xây có thêm thu nhập từ canh tác lúa nếp đặc sản.

Không chỉ có cấy lúa, nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình chị Triệu Mùi Phấy và các hộ ở Nậm Xây còn tham gia dự án trồng sặt lấy măng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg măng sặt tươi, thời điểm đầu mùa có khi bán được 35.000 - 50.000 đồng/kg, người trồng măng sặt ở Nậm Xây có khoản thu nhập thêm khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha.

Ông Bàn Phúc Tiến, Trưởng thôn Nậm Van cho biết: Thôn có hơn 100 hộ người Dao đỏ, ngoài cấy thóc tẻ để ăn hằng ngày, nhà nào cũng cấy thêm thóc nếp để dành ăn tết và các dịp lễ hội của dân tộc mình trong năm. Nhà cấy ít thì được chục bao, nhà cấy nhiều thì vài chục bao. Gia đình nào cũng để lại đủ sinh hoạt trong năm, còn lại bán ra thị trường. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trồng lúa nếp đem lại nguồn thu nhập thêm cho nhiều gia đình, đặc biệt là từ khi gạo nếp của người Dao đỏ trở thành sản phẩm OCOP.

Theo ông La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây, để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể ở thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Chỉ tính riêng năm 2022, xã đã tổ chức 3 buổi ra quân, vệ sinh 4,2 km đường giao thông nông thôn, vận động các gia đình lắp 9 công trình biogas và làm 378 nhà tiêu hợp vệ sinh, 14 hố rác, 3 lò đốt rác; 183 hộ đã có chuồng nuôi nhốt gia súc; vận động 8 gia đình xóa được nhà tạm, trong đó huy động được 182 triệu đồng từ xã hội hóa để hỗ trợ các gia đình làm nhà ở.

Người dân Nậm Xây trồng sặt lấy măng cho thu nhập khá.

Người dân Nậm Xây trồng sặt lấy măng cho thu nhập khá.

Năm 2022, xã Nậm Xây được giao làm chủ đầu tư 3 tuyến đường nội thôn tại các thôn Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài, Mà Sa Phìn với tổng chiều dài 2,7 km, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 950 triệu đồng. Cùng với đó, người dân đã đổ bê tông đường ngõ xóm được 670 m (tại các thôn: Giàng Dúa Chải, Mà Sa Phìn, Phù Lá Ngài, Phiêng Đoóng), mở mới 1 km đường nội đồng tại thôn Phiêng Đoóng.

Đến nay, xã Nậm Xây đã có 1 sản phẩm OCOP là nếp dẻo Nậm Xây, 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động quy mô nhỏ, 1 hộ nấu rượu men lá và chăn nuôi tổng hợp, 15 hộ kinh doanh buôn bán lẻ. Năm 2022, người dân trong xã gieo cấy được 432 ha lúa và ngô; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.436 tấn, đạt 104,9% kế hoạch giao; tỷ lệ giảm nghèo của xã năm 2022 theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 giảm 5,23%, còn 39,56%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Nậm Xây được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân trong xã đoàn kết, cần cù lao động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó kinh tế - xã hội phát triển ổn định, an ninh, trật tự đảm bảo.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2025, xã Nậm Xây tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đồng thời tập trung thực hiện các tiêu chí đăng ký thực hiện năm 2023 (gồm các tiêu chí về nhà ở dân cư; y tế; văn hóa; quốc phòng - an ninh). Cùng với đó, hoàn thành đúng tiến độ các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364626-sac-moi-nam-xay