Sắc phục y ca sa trong Phật giáo Theravāda
Sắc phục y ca-sa chỉ đơn thuần là một màu không chính sắc, màu thô, không rực rỡ và hoàn toàn không phải là tên của y phục, nhưng vì y phục màu hoại sắc là một sự đặc trưng riêng biệt nên ca-sa trở thành một tên gọi chung cho những tấm y hoặc y phục của những vị xuất gia trong Phật giáo.
611
Mục lục bài viết
Dẫn nhập
Ý nghĩa của chữ “ca sa”
Quy định về màu sắc của y trong luật Pāli
Quy định về thuốc nhuộm y
Y vàng có phải là màu ca sa truyền thống Phật giáo?
Kết luận
Sắc phục y ca sa chỉ đơn thuần là một màu không chính sắc, màu thô, không rực rỡ và hoàn toàn không phải là tên của y phục, nhưng vì y phục màu hoại sắc là một sự đặc trưng riêng biệt nên ca-sa trở thành một tên gọi chung cho những tấm y hoặc y phục của những vị xuất gia trong Phật giáo.
Tác giả: Bhik.Samādhipuñnõ Định Phúc
Dẫn nhập
Theo quy định trong Quy chế của Ban Tăng sự Trung ương, lễ phục của chư tăng ni có y màu vàng, riêng chư tăng hệ phái Nam tông và Khất sĩ thì mặc theo truyền thống hệ phái. Trong khi đó, chư tăng hệ phái Nam tông hay chư tăng Phật giáo Theravāda cũng có nhiều màu sắc khác như như màu vàng lõi mít, màu cam, màu đỏ măng cụt, màu vàng nâu da bò… Như vậy, màu sắc y ca sa của chư tăng không có sự thống nhất và màu nào được xem là màu tiêu chuẩn của y ca sa? Bài viết này, người viết sẽ trinh bày về những màu sắc và thuốc nhuộm y ca sa được quy định trong luật tạng Pāli để người đọc có một khái niệm chính xác về sắc phục y ca sa trong Phật giáo Theravāda.
Ý nghĩa của chữ “ca sa”
Ca sa hay cà sa không phải là tên của tấm y mà nghĩa đen của chữ kāsāva/kāsāya là một loại màu hoại sắc, màu úa, màu bạc, không có một màu cụ thể nào để nói đến màu sắc này. Ca sa chỉ đơn thuần là một màu không chính sắc, màu thô, không rực rỡ và hoàn toàn không phải là tên của y phục, nhưng vì y phục màu hoại sắc là một sự đặc trưng riêng biệt nên ca sa trở thành một tên gọi chung cho những tấm y hoặc y phục của những vị xuất gia trong Phật giáo.
Theo Pāli – English Dictionary, kāsāya có từ Sanskrit tương đương là kāsạ̄ya, xuất phát từ chữ kā + syá̄ma / syá̄va. Ka = kad có nghĩa là một loại, còn syá̄ma / syá̄va có từ Pāli tương đồng là sāma nghĩa là màu nâu đỏ.[1] Kết hợp lại, kāsāya nghĩa là một loại màu sắc thuộc màu nâu, chẳng hạn như là màu nâu đỏ (Hán dịch là tử trực), màu nâu đen, màu vàng nghệ tây, màu vàng đồng…
Như vậy, nguyên ngữ ca sa không có nghĩa là y phục mà chỉ mang ý nghĩa là một màu không đẹp, màu hoại sắc, cũng không phải là một màu nhất định. Do quá trình du nhập, truyền thừa và phiên dịch, ca sa được hiểu là y ca sa, là pháp phục của tu sĩ Phật giáo. Vì lẽ đó, y ca sa trở thành biểu tượng của tu sĩ Phật giáo, trở thành ngọn cờ hay biểu trưng của tăng đoàn và là pháp phục của các vị xuất gia.
Quy định về màu sắc của y trong luật Pāli
Một lần nọ, các vị Tỳ kheo nhóm lục sư mặc y với các màu như là màu xanh, màu vàng, màu đỏ máu, màu tím, màu đen, màu đỏ tía và màu hồng. Những vị cư sĩ thấy vậy đã lên tiếng phàn nàn và chỉ trích các vị Tỳ kheo ấy chẳng khác nào kẻ thế tục. Vì nhân duyên này, đức Phật đã cấm chế không cho các vị Tỳ kheo sử dụng bảy màu sắc sau để làm y như là: toàn màu xanh (sabbanīlakāni), toàn màu vàng (sabbapītakāni), toàn màu đỏ tươi (sabbalohitakāni), toàn màu tím (sabbamañjiṭṭhakāni ), toàn màu đen (sabbakaṇhāni), toàn màu đỏ tía (sabbamahāraṅgarattāni), toàn màu hồng (sabbamahānāmarattāni).[2]
Những tấm y trên có màu sắc như vậy còn đi liền với chữ “toàn” (sabba) có nghĩa là thuần một màu, không bị pha với màu khác, như là thuần một màu xanh, thuần một màu vàng, thuần một màu đỏ… Trong số những màu sắc trên đã được đức Phật không cho sử dụng, vị Tỳ kheo nào sử dụng để nhuộm y mặc thì phạm dukkatạ.[3] Và để rõ ràng hơn về những loại màu sắc không được sử dụng này, phần giải thích thêm được mô tả trong Chú giải như sau:[4]
– Màu xanh giống như màu xanh của hoa lanh (Linum usitatissimum)[5] dùng để lấy sợi dệt vải.
– Màu vàng như màu vàng của hoa của cây lòng mang lá phong (Pterospermum acerifolium) [6] hay còn gọi là kanak champa.
– Màu đỏ tươi giống màu của hoa tí ngọ (Pentapetes phoenicea)[7] có màu đỏ.
– Màu tím giống màu đỏ do nấm gây ra bệnh thối đỏ (một loại nấm tên là Colletotrichum falcatum gây ra) trên thân cây mía, đây là màu đỏ sậm hay màu đỏ son môi.
– Màu đen như màu của một loại trái cùng loại với trái bồ hòn (Sapindus mukorossi), hạt bên trong trái có màu đen tuyền.
– Màu đỏ tía giống màu trên lưng của con rết, là một màu đỏ thẫm, đỏ đậm có pha chút màu nâu hoặc màu đen.
– Màu hồng là màu hồng của hoa sen hoặc có màu như những chiếc lá vàng nhạt héo úa.
Như vậy, ngoài bảy màu sắc này bị cấm sử dụng, các vị Tỳ kheo được phép sử dụng các màu khác để nhuộm thành tấm y màu hoại sắc.
Quy định về thuốc nhuộm y
Khi tăng đoàn được thành lập, các vị Tỳ kheo chưa được phép nhận y do thí chủ dâng cúng, các vị phải tự đi nhặt những mảnh vải được quăng bỏ nơi bãi rác, tha ma mộ địa hoặc lề đường và may thành y để mặc. Lúc bấy giờ, thuốc nhuộm chưa được đức Phật cho phép sử dụng, vì thế các vị Tỳ kheo thường dùng phân bò (chakanẹna) và đất sét đỏ (paṇdụmattikā) để nhuộm y, khiến cho y của các vị có màu sắc xấu, không đồng đều. Sự việc được trình bạch với đức Phật và Ngài cho phép các vị Tỳ kheo được sử dụng sáu loại thuốc nhuộm để nhuộm y như sau: thuốc nhuộm từ rễ cây (mūlarajanaṃ), từ thân cây (khandharajanaṃ), từ vỏ cây (tacarajanaṃ), từ lá cây (pattarajanaṃ), từ bông hoa (puppharajanaṃ), từ trái cây (phalarajanaṃ).[8]
Mặc dù sáu loại thuốc nhuộm y này được đức Phật cho phép nhưng Ngài không đề cập rõ ràng loại rễ, thân, vỏ, lá, hoa và trái cây của loại cây nào phù hợp hoặc không phù hợp dùng để nhuộm y. Tuy vậy, trong Chú giải và Sớ giải, các vị luận sư đã có những giải thích về vấn đề này. Trong Mahāvagga-aṭṭhakathā, Luận sư Buddhaghosa đã giải thích như sau:[9]
– Trong số các loại thuốc nhuộm từ rễ cây, thuốc nhuộm bằng củ nghệ (Curcuma domestica) không phù hợp để nhuộm y vì nó nhanh chóng dễ bị phai màu, các loại thuốc nhuộm khác thì phù hợp. Màu của củ nghệ rất sậm và đẹp nhưng nó rất dễ phai màu, vì thế, trong Bổn sanh (Jātaka) so sánh màu của củ nghệ giống như tâm của con người luôn chao đảo, mau thay đổi như con khỉ, con vượn chuyền từ cành này sang cành khác.[10]
– Trong số các loại thuốc nhuộm làm từ thân cây, thuốc nhuộm từ cây mañjiṭṭha (Rubia cordifolia)[11] vì loại cây này có màu đỏ thẫm và thuốc nhuộm từ cây tuṅgahāra[12] không phù hợp để nhuộm y, nhưng những loại khác thì phù hợp.
– Trong số các loại thuốc nhuộm từ vỏ cây, vỏ cây mu ếch (Symplocos racemosa)[13] và vỏ cây đậu mèo rừng (Mucuna pruritis)[14] không phù hợp để nhuộm y, nhưng những loại khác thì phù hợp.
– Trong số các thuốc nhuộm từ lá, thuốc nhuộm từ lá cây nīlī còn gọi là cây chàm quả cong (Indigofera tinctoria)[15] với chiết xuất từ lá sẽ tạo ra màu chàm (nīlīpatta) và lá cây allipatta là không phù hợp để nhuộm y vì những người tại gia cư sĩ sử dụng màu này để nhuộm y phục của họ, nhưng những loại khác thì phù hợp. Riêng theo Kenneth G. Zysk thì nīlipatta là loại lá tươi hoặc màu vàng nhạt và allipatta là loại lá màu xanh chàm thì không được sử dụng.[16]
– Trong số các loại thuốc nhuộm từ hoa, hoa gièng gièng (Butea monosperma / Butea Frondosa)[17] có màu đỏ như miếng thịt và to như cây bàng[18]; và hoa rum hay hồng hoa (Safflower, Carthamus tinctorius)[19] không phù hợp để nhuộm y vì màu của chúng quá đỏ, nhưng những loại khác thì phù hợp.
– Tất cả các loại thuốc nhuộm chiết xuất từ trái cây đều có thể dùng để làm thuốc nhuộm y.
Luận sư Buddhaghosa chỉ đưa ra những loại nào không phù hợp và những loại còn lại là phù hợp để làm thuốc nhuộm y, nhưng không đưa ra bất cứ lý do nào giải thích vì sao loại thuốc nhuộm đó không phù hợp. Có lẽ là do màu sắc quá rực rỡ nên không phù hợp, hoặc loại thuốc nhuộm đó làm cho tấm y trở nên có mùi khó chịu chẳng hạn. Thêm nữa, trong Vinayavinicchaya-tị̄kā[20] mô tả thêm lý do vì sao những loại thuốc nhuộm đó không phù hợp như sau:[21]
– Mañjeṭṭha là một loại cây có gai và cũng là một loại dây leo, màu hạt của cây mañjeṭṭha có màu đỏ. Cành của cây mañjeṭṭha có màu trắng nên không phù hợp để làm thuốc nhuộm.
– Tuṅgahāraka cũng là một loại cây có gai, chiết xuất từ cây này có màu đỏ hoặc vàng cam giống như loại đá hùng hoàng.
– Lá của cây alli có màu hồng nhạt, thuốc nhuộm từ lá này sẽ chóng bị phai màu và lá của cây nīli có màu xanh (màu chàm) cũng dễ bị phai màu.
– Thuốc nhuộm chiết xuất từ hoa kiṃsuka là màu đỏ.
Màu đỏ thẫm và màu vàng cam sẫm là không phù hợp, màu chàm thì lại giống người thế tục hưởng dục, màu của hoa thì quá đỏ sặc sỡ nên không phù hợp. Đức Phật không cho phép các vị Tỳ kheo sử dụng tấm y ca sa có màu sắc rực rỡ hay nổi bật và do đó tấm y không thể nhuộm bằng những màu sắc rực rỡ như đã nói ở trên.
Như vậy, đức Phật đã quy định về sáu loại thuốc nhuộm được chiết xuất từ thực vật và các bản Chú giải, Sớ giải cũng đã giải thích thêm những loại nào nên dùng làm thuốc nhuộm và những loại nào không nên làm thuốc nhuộm.
Y vàng có phải là màu ca sa truyền thống Phật giáo?
Thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, tăng đoàn sử dụng những chất liệu vải, những loại thuốc nhuộm từ thiên nhiên theo những gì đức Phật đã quy định trong Luật tạng, cho nên màu sắc y ca sa của tăng đoàn chắc chắn không phải là một màu thống nhất. Bởi vì tùy theo nguyên liệu làm thuốc nhuộm, cách thức nấu và cách nhuộm sẽ tạo ra những sắc thái khác nhau. Cho nên, không có một màu sắc nào tiêu biểu cho y phục của tăng đoàn thời kỳ đó. Về sau, khi Phật giáo bị phân chia bộ phái, do ảnh hưởng vùng miền hoằng pháp và phương thức hành trì nên mới có sự phân chia ra thành nhiều màu sắc y ca sa cho các bộ phái.
Ngày nay, y vàng trở thành biểu tượng của tăng đoàn, nhắc đến y ca sa là nhắc đến tấm y màu vàng. Có lẽ điều này chỉ ảnh hưởng thời gian sau khi đức Phật viên tịch, khi tăng đoàn bị phân chia thành nhiều bộ phái. Bởi vì kinh điển Pāli không đề cập đến một màu sắc cụ thể mà chỉ là y màu hoại sắc. Ca sa hay cà sa xuất phát từ Pāli là kāsāva hoặc kāsāya (Skt. kasạ̄ya, kāsạ̄ya). Rất nhiều đoạn kinh đề cập đến y ca sa hay vải màu hoại sắc nằm rải rác ở Kinh tạng và Luật tạng, nhưng hoàn toàn không khẳng định y ca sa màu vàng. Bởi lẽ, đức Phật không quy định một màu sắc cụ thể mà chỉ quy định màu sắc không nên sử dụng hoặc thuốc nhuộm nên sử dụng.
Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo của Sri Lanka khẳng định điều này: Những tấm y phấn tảo được may từ nhiều loại vải khác nhau, màu sắc khác nhau cho nên tấm y không được đẹp và thẩm mỹ trong cái nhìn của công chúng. Vì thế, đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo nhuộm thành một màu bằng cách nấu thuốc nhuộm từ các loại vật liệu thiên nhiên. Chính quá trình nhuộm này đã ấn định tên kāsāya cho y phục của tăng đoàn. Tấm y của các vị không bao giờ có màu vàng như thời nay.[22] “Kỹ thuật nhuộm thời nguyên thủy vừa thô sơ vừa mộc mạc, sử dụng những vật liệu như phân và đất sét vàng. Có lẽ, do thực hành nhuộm chất liệu bụi thô sơ khai này, y phục của tăng đoàn Phật giáo được gọi là y ca sa nghĩa là y màu ca sa. Ở đây, cần phải chỉ ra rằng kāsāya không có nghĩa từ nguyên là màu vàng.”[23] Vì vậy, không thể nói y vàng là truyền thống của tăng đoàn và cũng không thể khẳng định là tấm y vàng có từ thời nguyên thủy. Bởi lẽ, y ca sa không phải là y màu vàng mà chỉ là y màu hoại sắc.
Trong Trung bộ, có hai nhân vật dâng cúng y đến đức Phật là bà di mẫu Mahāpajāpati Gotamī và du sĩ Pukkusa. Theo kinh Cúng dường phân biệt (Dakkhinạ̄vibhaṅgasutta), di mẫu Mahāpajāpati Gotamī đã tự tay dệt may một cặp y mới (navaṃ dussayugaṃ) dâng cúng đến đức Phật.[24] Quá trình bà tự tay trồng cây, lấy sợi, dệt vải được kể lại trong Chú giải Papañcasūdanī[25] (Majjhimanikāya-aṭṭhakathā)[26] nhưng cũng chỉ là đề cập đến tấm vải mới chứ không phải là tấm y được dệt may bằng chỉ vàng ròng hoặc tấm y có màu vàng ròng. Trường hợp thứ hai, xảy ra trước khi đức Phật viên tịch, do du sĩ Pukkusa là đệ tử của đạo sư Ālāra Kālāma dâng cúng đến đức Phật “một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc.”[27] Chú giải Sumaṅgalavilāsinī giải thích rằng: siṅgīvaṇnạṃ là màu vàng ròng, yugamaṭṭhaṃ là loại vải sáng bóng, mềm mại.[28] Khi ấy, đức Phật nhận một tấm và bảo Pukkusa dâng cho Đại đức Ānanda một tấm. Đại đức Ānanda lấy tấm vải đắp lên cho đức Phật thì màu sắc tấm y dường như bị lu mờ bởi sắc da của đức Phật còn sáng ánh vàng hơn như thế. Đây có thể là tấm vải vàng duy nhất được đề cập đến trong kinh điển, nhưng tấm y này không phổ thông và cũng chỉ là tấm y đặc biệt mà Pukkusa muốn dâng cúng đến đức Phật chứ không phải tấm y được các vị Tỳ kheo sử dụng phổ thông.
Ngoài ra, ở Chú giải Bổn sanh (Jātaka-aṭṭhakathā) cũng có hai mẫu chuyện từng đề cập đến tấm y màu vàng. Thứ nhất là câu chuyện Đại đức Ānanda được các phi tần vua Kosala dâng cúng một ngàn tấm vải và đem chia sẻ, phân phát đến cho các vị Tỳ kheo trong tự viện. Các vị ấy nhận vải rồi về cắt may và nhuộm thành màu vàng giống như hoa kanịkāra (kanịkārapupphavaṇnạ).[29] Câu chuyện thứ hai đề cập đến Tỳ kheo Kokālika đã mặc y nội màu vàng như màu hoa của cây kaṇtạkuraṇdạka, đắp y thượng màu vàng như màu hoa (kanịkārapupphavaṇnạṃ) đến giữa tăng chúng.[30] Hoa kanịkāra là hoa của cây lòng mang lá phong và hoa của cây gai kim đều là những loại hoa có màu vàng. Tuy nhiên, những lời mô tả này cũng chỉ là bản chú giải ghi lại, nghĩa là xuất hiện sau thời đức Phật viên tịch, thời kỳ Phật giáo đã bị phân thành nhiều bộ phái nên cũng không thể hiện được tính truyền thống của tấm y ca sa nguyên thủy.
Với Phật giáo Bắc truyền cũng như thế, vì không có định nghĩa chính xác màu hoại sắc là màu như thế nào cho nên sắc phục y ca sa của chư tăng tùy vùng miền, tùy truyền thống mà có nhiều màu sắc khác nhau, trở thành đặc trưng của hệ phái hay nhóm phái đó. Theo Đại Tỳ-kheo tam thiên oai nghi (quyển hạ) ghi nhận rằng: Nhất thiết hữu bộ mặc y màu đỏ, Pháp tạng bộ mặc y màu đen, Ca-diếp bộ mặc y màu mộc lan, Hóa địa bộ mặc y màu xanh, Đại chúng bộ mặc y màu vàng.[31] Những sắc phục của các bộ phái đều có nét đặc trưng riêng để thể hiện tính phương tiện trong phương pháp tu tập và hoằng đạo giảng pháp của bộ phái đó. Màu ca sa theo phần Sớ bồ-tát giới bản (quyển hạ) phải là màu pha trộn của năm màu chính là xanh, đỏ, vàng, đen và trắng để tạo thành bất chính sắc mới hợp đạo, mới đúng là màu hoại sắc, không phải năm màu sắc chính.[32] Theo quan điểm của ngài Nghĩa Tịch, năm bộ phái trên, mỗi bộ dùng một màu y ca sa nhưng các vị bồ-tát của Phật giáo Đại thừa thì không chấp vào một màu nào riêng biệt mà sử dụng luôn cả năm màu như thế.[33]
Ngày nay, y ca sa của chư tăng, dù là Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều có sự hiện diện của sắc y vàng. Nếu như đức Phật đã cấm các vị đệ tử sử dụng y thuần màu vàng, vậy thì ngày nay, tấm y vàng của chư tăng đúng luật hay không? Đức Phật đã cấm chế không cho các vị Tỳ kheo sử dụng các màu thuần sắc như là thuần màu xanh, thuần màu vàng, thuần màu đỏ, thuần màu tím, thuần màu đen, thuần màu đỏ tía và thuần màu hồng để làm y.[34] Tuy vậy, màu vàng mà đức Phật cấm là màu vàng thuần túy, nghĩa là màu vàng đó không bị pha trộn với màu sắc khác. Nếu như màu vàng có pha trộn với màu khác nhưng sắc vàng vẫn là chính thì vẫn có thể sử dụng được, ví dụ như vàng đỏ, vàng đen, vàng nâu… Chúng ta cùng tham khảo bảng màu dưới đây:
Màu số (1) là màu vàng thuần túy, không bị pha trộn bởi màu khác cho nên không thể sử dụng để làm y ca sa. Còn những màu còn lại từ số (2) đến số (40), đây là những sắc thái khác nhau của màu vàng với sự pha trộn thêm nhiều màu khác để tạo nên những màu khác nhau. Những màu này gọi là những màu không thuần vàng, được phép sử dụng làm y ca sa. Có thể thấy sắc phục y ca sa của chư tăng Thái Lan, Campuchia, Lào là điển hình, màu vàng lõi mít, màu vàng nghệ, màu vàng cam, màu vàng đất… đều được sử dụng rộng rãi mà vẫn không vi phạm điều luật mà đức Phật quy định.
Kết luận
Như vậy, màu sắc y phục của chư Tăng Phật giáo Theravāda gọi là y ca sa thì không có một màu cụ thể, miễn sao tấm y đó không phạm vào những màu sắc mà đức Phật cấm sử dụng và được may nhuộm bằng những loại thuốc, màu mà được cho phép. Ngoài ra, từ quá trình nhuộm y theo truyền thống cho đến hiện đại cũng tạo nên nhiều sắc thái khác nhau về màu sắc. Chính vì lẽ đó, màu sắc y ca sa của chư Tăng không có sự thống nhất. Nếu nói y vàng là màu truyền thống của tăng đoàn là điều chưa chính xác. Bởi vì màu y vàng cũng chỉ là một trong những màu sắc được phép sử dụng nếu màu vàng đó không phải là màu thuần vàng. Sắc thái y ca sa phân biệt theo màu sắc đó là hệ quả của sự phân chia bộ phái thời sau chứ không phải có từ thời đức Phật.
Tác giả: Bhik. Samādhipuñnõ Định Phúc
***
Chú thích
[1] Rhys Davids T.W., William Stede (eds.) (1921-1925), Pāli – English Dictionary, PTS., London., p. 212.
[2] Vin.i.306. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 225.
[3] Vin.i.306. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 225.
[4] VinA.v.1084.
[5] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 77.
[6] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 55.
[7] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 90.
[8] Vin.i.286. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 189.
[9] VinA.v.1126.
[10] J.435. JA.iii.525. Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần Phương Lan (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 4, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 775.
[11] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 131.
[12] Cây tuṅgahāra là một loại cây có gai và thuốc nhuộm chiết xuất từ thân cây này có màu vàng.
[13] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 150.
[14] Mahāsamanạ Chao Somdet Phra (2009), The Entrance to the Vinaya – Vinayamukha, (2nd ed.), vol. 2, Mahāmakutạrājavidyālaya, Bangkok, p. 23.
[15] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 108.
[16] Kenneth G. Zysk (1998), Asceticism and Healing in Ancient India: Medicine in the Buddhist Monastery, vol. 2, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, p. 158.
[17] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 64.
[18] S.iv.195. Thích Minh Châu (dịch) (2014), Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 266.
[19] Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 72.
[20] Vinayavinicchaya-tị̄kā (Luật biện biệt sớ giải) là bản sớ giải của bộ Vinayavinicchaya.
[21] V-vn.ii.258.
[22] Weeraratne W. G. (ed.) (2003), Encyclopedia of Buddhism, vol. 7, Department of Buddhist Affairs, Sri Lanka, p. 316.
[23] Jotiya Dhirasekera (ed.) (1979), Encyclopedia of Buddhism, vol. 4, Department of Buddhist Affairs, Sri Lanka, p. 256.
[24] M.iii.253. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 595.
[25] Papañcasūdanī (Tẩy trừ chướng ngại) là bản chú giải của Trung bộ (Majjhimanikāya-aṭṭhakathā) do Luận sư Buddhaghosa biên soạn. Papañca nghĩa là chướng ngại, hí luận, vọng tưởng…; sūdanī có nguồn gốc từ chữ sodhana nghĩa là tẩy trừ, làm sạch, làm thanh tịnh. Vì vậy, Papañcasūdanī dịch là Phá trừ nghi chướng, Tẩy trừ chướng ngại.
[26] MA.v.67.
[27] D.ii.134. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 323.
[28] DA.ii.570.
[29] J.157; JA.ii.26. Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần Phương Lan (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 3, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 541.
[30] J.172; JA.ii.66. Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần Phương Lan (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 3, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 584.
[31] Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng Kinh (dịch) (2000), tập 82, Bộ Luật, Đại Tỳ kheo tam thiên uy nghi, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 114.
[32] Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng Kinh (dịch) (2000), tập 145, Bộ Luật sớ, Bồ tát giới nghĩa sớ, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 683.
[33] Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng Kinh (dịch) (2000), tập 145, Bộ Luật sớ, Bồ tát giới nghĩa sớ, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 684.
[34] Vin.i.306 Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 225.
[35] Matichon Weekly (2019), Vì sao y của chư tăng Phật giáo lại có sự khác biệt?, truy cập [ngày 23/11/2021]: .
Tài liệu tham khảo
Buddhaghosa Bhadantācariya (1998), Samantapāsādikā – Buddhaghosa’s Commentary on the Vinaya Pitạka, vol. 5, Takakusu J., Nagai Makoto (eds.), PTS. London.
Buddhaghosa Bhadantācariya (2003), The Jātaka together with its commentary, vol. 2, Fausboll V. (ed.), PTS., Oxford.
Buddhaghosa Bhadantācariya (2007), Sumaṅgalavilāsinī – Buddhaghosa’s commentary on the Dīgha Nikāya, vol. 2, Stede W. (ed.), PTS., London.
Dhammika S. (2015), Nature and the environment in early Buddhism, Buddha Dhamma Mandala Society, Singapore, p. 108.
Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 225.
157;
iii.525.
Jotiya Dhirasekera (ed.) (1979), Encyclopedia of Buddhism, vol. 4, Department of Buddhist Affairs, Sri Lanka, p. 256.
Kenneth G. Zysk (1998), Asceticism and Healing in Ancient India: Medicine in the Buddhist Monastery, vol. 2, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, p. 158.
Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng Kinh (dịch) (2000), tập 145, Bộ Luật sớ, Bồ tát giới nghĩa sớ, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 683.
Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng Kinh (dịch) (2000), tập 82, Bộ Luật, Đại Tỳ kheo tam thiên uy nghi, Hội Văn hóa Giáo dục
Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 114.
Mahāsamanạ Chao Somdet Phra (2009), The Entrance to the Vinaya – Vinayamukha, (2nd), vol. 2,
Mahāmakutạrājavidyālaya, Bangkok, p. 23.
Matichon Weekly (2019), Vì sao y của chư tăng Phật giáo lại có sự khác biệt?, truy cập [ngày 23/11/2021]: .
Rhys Davids T.W., William Stede (eds.) (1921-1925), Pāli – English Dictionary, PTS., London., p. 212.
The Majjhima Nikāya, vol. 3, Chalmers Robert (ed.) (1994), PTS., Oxford.
The Samỵutta Nikāya, vol. 4, Leon Feer M. (ed.) (2001), PTS., London.
The Vinaya Pitạkaṃ, vol. 1, The Mahāvagga, Oldenberg Hermann (ed.) (2013), PTS., Oxford.
Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần Phương Lan (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 4, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần Phương Lan (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 3, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
Weeraratne W. G. (ed.) (2003), Encyclopedia of Buddhism, vol. 7, Department of Buddhist Affairs, Sri Lanka.