Sạc pin qua đêm dễ khiến điện thoại phát nổ?
Theo chuyên gia, không phải cứ sạc điện thoại qua đêm là sẽ phát nổ. Những nguy hiểm tiềm tàng như điện thoại bị chèn ép bởi nệm gối hay ốp lưng quá bí... sẽ là tác nhân khiến điện thoại phát nổ.
Những rủi ro khi sạc pin điện thoại qua đêm
Gần đây, nhiều thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội về thói quen sạc pin điện thoại qua đêm có thể gây cháy nổ do pin nóng, phồng. Đặc biệt nguy hiểm khi người sạc pin ngủ say, không thể ứng phó được nếu sự cố cháy nổ pin xảy ra. Trong khi thói quen sạc điện thoại qua đêm hiện nay phổ biến ở rất nhiều người dùng. Vậy khả năng dẫn đến cháy nổ pin từ thói quen sạc điện thoại qua đêm như thế nào?
Trước đó ngày 28/12/2023, một phòng khám tại tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 2 bệnh nhân vào viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, tay, chân. Ngay lập tức các bác sĩ tại phòng khám cấp cứu xử trí vết bỏng, giảm đau, chống sốc. Cả hai bệnh nhân bỏng nặng vùng mặt, 2 bàn tay, 2 cẳng chân, đùi, bàn chân trái diện tích khoảng 10% đến 20%. Bệnh nhân kể lại, sáng sớm khi đang ngủ thì điện thoại được cắm sạc từ tối hôm trước ở đầu giường phát nổ gây cháy chăn màn và cháy sang người. Ngay sau khi được cấp cứu ổn định, cả hai bệnh nhân được chuyển về một bệnh viện ở Phú Thọ để tiếp tục điều trị.
ThS Nguyễn Đức Kiên, Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện nay, loại pin được dùng phổ biến trong hầu hết các smartphone là pin Lithium-ion, và chúng cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu nhiệt độ quá cao có thể làm cháy nổ điện thoại, điều này đã được thừa nhận. Còn nếu nhiệt độ xuống quá thấp sẽ khiến pin bị xuống cấp nhanh chóng.
Pin Lithium ion rất nhạy cảm với các biến đổi lớn về trạng thái và nhiệt độ, việc cắm sạc qua đêm sẽ làm cho sạc điện thoại luôn phải duy trì một dòng sạc nhỏ để nạp đầy mỗi khi pin tụt %. Dòng sạc nhỏ này sẽ làm thay đổi trạng thái sạc vào/ xả ra của pin liên tục trong suốt thời gian cắm sạc qua đêm. Do đó, nếu pin bị sạc quá đầy hoặc quá cạn thì nó vẫn sẽ trở nên mất ổn định và tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.
Có một thực tế là rất nhiều người thường sạc điện thoại cả đêm và để ngay cạnh giường, thậm chí là để dưới gối. Điện thoại và cả smartphone, đều phát ra những bức xạ sóng điện từ mà chúng ta không thể tự nhìn ra và nhận thấy. Nếu để cạnh người suốt đêm và trong một thời gian dài lặp lại liên tục thói quen đó, cơ thể chúng ta ít nhiều sẽ bị "phơi nhiễm" với cường độ sóng này, và cuối cùng có thể khiến cho chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn. Lâu dần có thể gây ra nhiều vấn đề cực hại cho sức khỏe và cơ thể con người.
Việc sạc pin qua đêm có thể khiến điện thoại tăng nhiệt độ, lí do là bởi năng lượng hao phí chuyển hóa từ dòng điện chảy qua liên tục. Bên cạnh đó, 1 vài tác nhân khách quan khác gộp lại có thể gia tăng nguy hiểm tiềm tàng như điện thoại bị chèn ép bởi nệm gối hay ốp lưng quá bí... làm điện thoại không thể thoát nhiệt nhanh. Ngoài ra, việc thay pin không rõ nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng cũng chính là nguyên nhân lớn cho chính độ bền của điện thoại cũng như sự an toàn của bạn.
Chuyên gia cho hay, nếu khi đi ngủ, bạn để điện thoại của mình trên gối hoặc chăn, điều này rất dễ dẫn đến việc pin bị nóng lên thiếu kiểm soát. Theo kết quả thí nghiệm, nếu pin thường xuyên bị nóng lên ở nhiệt độ 40 độ C, chỉ trong vòng 1 năm nó sẽ bị chai khoảng 35%, chỉ còn lại 65% dung lượng thực dụng khi sạc đầy. Thậm chí, nếu hoạt động ở 60 độ C thường xuyên trong vòng 3 tháng, công suất pin chỉ còn khoảng 60% so với ban đầu.
Chỉ sạc pin đầy khoảng 90%
Trong thực tế, pin lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt và nếu nhiệt độ sinh ra trong quá trình sạc không được tiêu tán đúng cách có thể gây ra hiện tượng quá nhiệt. Vì vậy, sử dụng bộ sạc hoặc cáp không đúng, bị lỗi hoặc kém chất lượng cũng có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ hoặc sự cố khi sạc. Để giảm thiểu mọi rủi ro, người dùng nên tuân theo các phương pháp sạc đúng và chỉ sạc điện thoại ở mức tối đa 80% thay vì lên tới 100%, bởi làm như vậy có thể giúp giảm căng thẳng cho pin.
KS. Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự khuyên, chỉ cắm điện khi cần sạc điện thoại để tránh những rủi ro không đáng có. Sạc điện thoại cũng cần đúng cách, đừng chờ đến khi điện thoại hết sạch pin mới cắm sạc và cũng đừng chờ đến khi điện thoại báo đầy pin đến 100% mới rút sạc ra. Khi pin báo còn từ 35-40% nên cắm sạc. Khi sạc được khoảng 95-98% là phải rút sạc ra.
Vậy sử dụng sạc điện thoại thế nào là đúng cách?. Theo KS. Nguyễn Huy Bạo, đầu tiên là không cắm cục sạc liên tục vào ổ cắm điện. Nhiều người vì cho tiện mỗi khi cần cắm sạc nên cứ để cục sạc cắm liên tục ở ổ cắm. Điều này rất nguy hiểm vì cục sạc là thiết bị hạ điện áp từ 220V xuống 5V không sử dụng biến áp mà sử dụng điện trở và tụ điện. Sau đó, điện được đưa trực tiếp từ nguồn điện lưới xuống thông qua mạch điện biến xoay chiều thành một chiều để nạp cho pin điện thoại.
Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc sạc pin với nguồn điện 220V vì đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn. Pin sạc không dùng cho tất cả mọi dòng điện thoại. Hãy tìm hiểu kỹ nguồn điện, nhãn hiệu, cổng sạc… trước khi mua. Không nên "tiện đâu sạc đấy", cục sạc nào cũng cắm, dễ làm hỏng cục pin của điện thoại", KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.
Chuyên gia kết luận, việc sạc điện thoại qua đêm không gây hại cho pin hay làm giảm tuổi thọ của điện thoại. Tuy nhiên, việc sạc điện thoại qua đêm không phải là cách tối ưu để sạc điện thoại. Tốt nhất là sạc điện thoại khi nó còn đang hoạt động hoặc khi pin chỉ còn lại khoảng 20-30%. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng bộ sạc chất lượng và đặt điện thoại ở nơi thoáng mát để bảo vệ pin và tuổi thọ của điện thoại.