Sắc xuân buôn cổ M'liêng
Trong ánh lửa bập bùng thời khắc chuyển giao năm cũ, bên căn nhà dài truyền thống của người M'nông, tiếng chiêng cất lên vang vọng, trầm hùng như tiếng rền vang của tâm tư, ý nguyện cộng đồng. Cũng trong không gian ấy, người buôn có thể quên mệt mỏi, quên thời gian, quên tuổi tác… để hòa vào thanh âm thành kính, da diết của khoảnh khắc giao thời...
1. Buôn cổ M’liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) ngày đầu xuân ẩn mình trong bảng lảng sương mai. Những ngôi nhà chênh vênh sườn núi tạo một bức tranh thủy mặc kỳ thú. Bản sắc chân mộc hoang dã, gắn kết cộng đồng dậy trong tôi một cảm xúc bản địa thiêng liêng khó tả.
Trong tâm thức của người M’Nông, mọi lễ hội đều sau mùa lúa chín, vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch. Khi ấy, cả dân làng cùng quây quần vui chơi bên nhau và bắt đầu ăn Tết. Mùa xuân của người M’Nông luôn sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng. “Đó là khoảng thời gian bà con tổ chức lễ cúng lúa mới rồi đến lễ cúng sức khỏe cho con cháu trong nhà với những mâm lễ thịnh soạn gồm cơm nếp, thịt heo, rượu... dâng lên thần linh. Tết của chúng tôi kéo dài cho đến Tết Nguyên đán và tiếp tục đón xuân cùng cộng đồng thêm ba ngày nữa”, già Y Vẽ chia sẻ về lễ hội Tết đặc sắc của đồng bào M’Nông ở buôn cổ M’liêng.
![Những ngôi nhà sàn trong lòng buôn cổ Mliêng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_99_51423027/14c099b4a0fa49a410eb.jpg)
Những ngôi nhà sàn trong lòng buôn cổ Mliêng.
Già làng Y Vẽ (77 tuổi) mời chúng tôi ghé thăm ngôi nhà sàn của gia đình, nơi vẫn còn neo giữ những giá trị truyền thống hàng trăm năm của đồng bào M’Nông. Trong ngôi nhà của già, những chóe rượu cần được xếp ngay ngắn theo trình tự tuổi đời. Chỉ vào đó, già Y Vẽ bảo: “Đây chính là Tết, những chóe rượu mùa xuân đã được ấp ủ một năm qua”.
Già Y Vẽ có nhiều loại chóe, có những chóe được già ủ cả chục năm trời, cũng có cái chỉ mới ủ trong vài tháng cận Tết. “Năm nay trời lạnh, phải dùng thêm chăn để ủ giữ ấm cho men, như thế rượu mới đúng vị của nó”, già làng Y Vẽ nói về bí quyết “nuôi” rượu cần chuẩn vị của người M’Nông.
Nhấp một ngụm rượu trong chiếc chóe có tuổi đời hơn 5 năm của già Y Vẽ, vị cay ngọt len lỏi vào vị giác rồi bùng lên trong đầu, chúng tôi cảm nhận như được uống cả đất trời mùa xuân. Rượu cần của đồng bào M’Nông luôn có một vị khác biệt, đó là vị rừng xanh, núi thẳm, vị của hạt gạo nếp nương mỗi năm một mùa. Nhưng đó chưa phải là thứ làm nên phong vị của rượu cần người M’Nông, già Y Vẽ tiết lộ cho tôi, thứ quý nhất chính là men.
![Già làng Y Vẽ bên những chóe rượu cần đón Tết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_99_51423027/059f8aebb3a55afb03b4.jpg)
Già làng Y Vẽ bên những chóe rượu cần đón Tết.
Men lấy từ lá, hoa rừng và một loại củ giống như sâm núi. Các thứ đó mang về phơi khô, giã lẫn với gạo ngâm, ủ một tuần lại phơi khô giã trộn với cơm. Lúc này, thứ men từ rừng đã hấp thụ được linh khí của đại ngàn, sẽ cho ra mùi vị thơm nồng hơn. Khi chúng tôi đang lâng lâng bởi hương thơm dịu dàng trong những ghè rượu cần của già Y Vẽ thì ông Y Sang ghé thăm, mang theo một túi men nhỏ tặng già Y Vẽ ủ thêm vò rượu mới cho mùa xuân năm sau. Ông Y Sang 56 tuổi, là người con của buôn M’liêng, có kinh nghiệm ủ rượu cần trên 30 năm. “Buôn M’liêng chúng tôi được thiên nhiên đất mẹ ưu ái, ban cho “tiên tửu” làm hoàn toàn từ thiên nhiên. Trong đời sống thường ngày, nhất là những dịp lễ, việc lớn của làng thì rượu cần là một thức uống không thể thiếu. Vì thế, men rượu được chúng tôi nâng niu bảo vệ như báu vật của làng”, ông Y Sang tâm sự.
Tiếp lời, già Y Vẽ kể: “Trong quá trình làm rượu cần, đồng bào M’Nông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kị như: không làm men rượu vào độ cây xoài trổ bông, lúa làm đòng, phụ nữ có thai hoặc đang trong giai đoạn kiêng cữ thì không được đến gần, không gây vỡ chóe, không làm gãy cần…Làm rượu cần, bản thân người làm phải sạch sẽ thì rượu mới ngon và không có lỗi với thần linh”.
Rượu cần người M’Nông luôn được xem là món quà Giàng (thần linh) ban tặng, đó không phải là thứ nước uống thông thường khiến người ta say, mà đó còn thể hiện lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên của mỗi con người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở buôn làng trăm tuổi này.
Theo già Y Vẽ, để cho ra đời một chóe rượu cần, tốn rất nhiều thời gian và các công việc cụ thể. Trước tiên, phải lên rừng tìm lá, rễ cây rừng, sau đó kết hợp với một số nguyên liệu như củ gừng, riềng xắt nhỏ, phơi khô, giã mịn, trộn với bột gạo và vỏ trấu, đánh thành bánh, phơi khô. Khi nào cầm trong tay cảm giác nhẹ, xốp, mới gọi là đạt. Khi đã có men, dùng gạo nếp, mì, kê… nấu chín, làm tơi ra để nguội. Men rượu được giã nhỏ, trộn đều với nếp, qua một đêm, mở ra thấy có mùi thơm ngào ngạt thì cho vào chóe, lấy lá chuối khô phủ kín miệng chóe rồi mang đi ủ. Khoảng hơn một tháng sau rượu chín, có thể đem ra uống, nhưng để càng lâu rượu càng thơm ngon, ngọt, nồng.
![Trong bập bùng ánh lửa, lễ hội diễn tấu cồng chiêng âm vang khắp núi rừng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_99_51423027/ef176c63552dbc73e53c.jpg)
Trong bập bùng ánh lửa, lễ hội diễn tấu cồng chiêng âm vang khắp núi rừng.
Khi những chóe rượu cần vơi dần, cũng là lúc ánh lửa bùng lên trong đêm xuân. Tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng trống trầm hùng phát ra từ những căn nhà sàn như tiếng vọng từ ngọn núi Chư Yang Sin hùng vĩ. Nhìn xa xăm về phía cánh rừng trước buôn, già Y Vẽ như cảm thấy những luồng sinh khí mới, vừa huyền bí lại vừa phiêu lãng.
2. Những người sống lâu nhất cũng không nhớ nổi buôn M’liêng có từ bao giờ. Già Y Vẽ được nghe ông ngoại kể, tuổi của buôn mình phải 300 năm có lẻ. Trải qua biến thiên của tự nhiên cùng những đổi thay của thời đại, buôn M’liêng vẫn gìn giữ được nhiều nét giá trị truyền thống lâu bền, trở thành buôn cổ bước ra từ sử thi. Bao đời nay, cuộc sống của bà con buôn M’liêng đã gắn bó với nguồn nước hồ Lắk, hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất Tây Nguyên và những khu rừng thiêng trải dài trên dãy Chư Yang Sin. Vì vậy, người dân trong buôn, từ già đến trẻ, đều chung tay bảo vệ, chăm sóc cây rừng, nhất là các cây cổ thụ. Cuộc sống của đồng bào M’Nông ở buôn M’liêng chưa thực sự sung túc, nhưng không còn cảnh thiếu đói. Mỗi độ xuân về, nhà nào cũng có mâm cơm tất niên đủ đầy bên chóe rượu cần thơm lừng vị men.
Điều đặc biệt là trong buôn còn lưu giữ được nét cư trú truyền thống của dân tộc M’Nông giao thoa với dân tộc Ê-đê. Trong buôn, các nhà sàn dài truyền thống được phân bố tập trung trên một khu đất rộng, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, có cánh đồng ruộng nước, có bến nước truyền thống, bến voi, cây đa cổ thụ... Nhiều gia đình trong buôn còn giữ được ghế kpan dài hơn 20m, lòng ghế rộng hơn 1m, là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’Nông, cùng nhiều chiêng cổ, chóe cổ, trống làm bằng da hai con trâu lớn, trống da voi... phản ánh đầy đủ văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa sử thi, văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng của một buôn cổ người đồng bào M’Nông mà ít buôn làng ở Tây Nguyên còn gìn giữ được.
![Thưởng thức rượu cần là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên trong mùa lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_99_51423027/bbfb3e8f07c1ee9fb7d0.jpg)
Thưởng thức rượu cần là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên trong mùa lễ hội.
Năm 2005, buôn M’liêng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn đầu tư bảo tồn buôn văn hóa truyền thống dân tộc M’Nông Rlăm. Và thế, những “cây đại thụ” như già Y Vẽ, già Y Vế cho đến thế hệ kế tiếp ngày nay như Bí thư chi bộ buôn Y Poan Bkrông trở thành người bảo tồn và lưu giữ lịch sử cổ xưa cho buôn làng.
“Trong làng còn nhiều nhà giữ được chiêng cổ, trống da trâu, chóe cổ, ghế kpan…Ngoài già Y Vẽ, ông Y Sang, còn có gia đình ông Y Dlum Teh (86 tuổi) giữ được bộ chiêng cổ hàng trăm năm. Trong các dịp lễ hội buôn làng hay các ngày lễ quan trọng của người thân trong gia đình, những bộ chiêng được mang ra diễn tấu phục vụ bà con và khách quý. Với đồng bào M’liêng, chiêng, trống, ghế kpan là vật thiêng bao đời của các thế hệ, là cổ vật không thể thiếu trong mỗi mùa lễ hội ngày xuân”, anh Y Poan Bkrông, Bí thư Chi bộ buôn M'liêng cho biết.
Nếu như cồng chiêng trở thành âm thanh hùng vĩ của đại ngàn, thì tiếng trống chính là lễ nghi của buôn làng có tác dụng kết nối, truyền tin trong cộng đồng. Mùa xuân về, tiếng trống như gọi hồn sông núi và khát vọng đất trời. Chỉ vào chiếc trống cổ treo ở một góc trang trọng trong nhà sàn, già Y Vẽ tự hào cho biết, đó là đồ cổ nhất ở buôn, cũng là thứ quý giá không thể mang đong đếm bằng tiền bạc. Chiếc trống có từ thời cha của già Y Vẽ, từ thuở buôn M’liêng còn hoang sơ giữa những vạt rừng và con suối. Nó là hiện thân của những trận thư hùng rừng xanh với thú hoang và cả những cuộc chiến bảo tồn giá trị lâu bền cho buôn M’liêng.
Để làm ra chiếc trống, người M’Nông sử dụng rìu, dao để đục khoét tang trống dần dần từ hai mặt vào cho đến khi thông nhau. Sau khi tang trống được khoét xong, người thợ không đưa về nhà ngay mà để lại trong rừng cho đến khô, khoảng 25-30 ngày rồi mới trở lại rừng làm lễ cúng rước tang trống về nhà. Già Y Vẽ cho biết, lễ vật đối với gia đình giàu có là một con trâu đực, còn gia đình khó khăn là một con heo. Người M’Nông theo tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh), bà con cho rằng mọi vật đều tồn tại song song, âm - dương, trời - đất và các vị thần với hiện vật. Vì vậy, khi làm mặt trống phải sử dụng da của hai con trâu (trâu đực và trâu cái). Mặt đực và mặt cái được phân biệt dựa vào cấu tạo mặt trống; mặt đực có khoét lỗ thông hơi, mặt cái không khoét lỗ thông hơi và qua âm thanh phát của hai mặt cũng khác nhau. Khi đánh vào mặt đực có âm trầm, hào hùng; còn đánh vào mặt cái, âm phát ra thanh và bay bổng. Người được chọn bịt mặt trống là người phải biết đánh trống, có kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa, là người có sức khỏe, có uy tín trong gia đình, dòng họ và buôn làng. Âm thanh của trống khi đánh là thể hiện cho sự linh thiêng của Giàng và còn thể hiện cho giàu có, thịnh vượng của gia đình, dòng họ.
“Người M’Nông sử dụng trống để báo tin những lễ lớn của buôn làng hay một sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ như: tập hợp bà con trong buôn khi có việc cần hoặc chỉ huy cuộc thi đua voi, đua thuyền… và cũng được dùng trong tang lễ, đến khi người chết được đưa ra khỏi nhà thì trống ngừng tiếng. Cho đến bây giờ, tiếng trống vẫn được chúng tôi sử dụng theo ý nghĩa đó”, già làng Y Vẽ chia sẻ.
Phong tục ủ rượu cần, đánh trống khai hội hay diễn tấu cồng chiêng đã góp phần vào việc bảo tồn giá trị cho buôn cổ M’liêng không bị “hòa tan” trước sự phát triển mạnh mẽ của dòng chảy văn hóa hiện đại. Tết này, bếp lửa nhà sàn của người M’Nông lại thắp lên vũ điệu mời rượu quyến rũ hòa cùng làn điệu Kông Tuôr hùng hồn mang khát vọng và mơ ước của cộng đồng về những mùa xuân no ấm.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/sac-xuan-buon-co-m-lieng-i758419/