Sắc xuân nông thôn mới biên giới

Đất trời chuyển mình vào xuân, trên khắp vùng quê, đặc biệt ở những xã biên giới, sắc xuân hiện hữu trên từng con đường, ngõ xóm, cánh đồng và cả trên đôi mắt, nụ cười của người dân. Sự đổi thay của những miền quê ấy xuất phát từ hành trình mang tên xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Trong niềm vui năm mới, xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) tiếp tục hành trình nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và phát triển theo định hướng đô thị loại V

Trong niềm vui năm mới, xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) tiếp tục hành trình nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và phát triển theo định hướng đô thị loại V

“No ấm” những vùng quê

Từ xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) đến Bình Hiệp, Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), những vườn dừa, cánh đồng lúa xanh mướt đang vào mùa trúng “nứt tay”. Các tuyến đường được nhựa hóa, trải đá xanh, bêtông phẳng phiu; nhà tường mái ngói mọc lên ngày càng nhiều. Người dân biên giới nhắc nhau dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường, điểm tô cho vùng biên tràn ngập sắc xuân.

Con đường dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Giấy (SN 1945, ngụ ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) mùa này đầy sắc hoa, nhiều nhất là hoàng yến nở vàng rực, chiều tím khoe sắc cả một vùng. Sáng sớm, bà Giấy tranh thủ thời gian ra chăm sóc tuyến đường hoa ở trước nhà.

Bên ly trà ấm, bà Giấy kể: “Tôi thấy xã thay đổi nhiều lắm! Vùng biên bây giờ đã không còn khó khăn như ngày xưa. Hầu hết tuyến đường giao thông nông thôn trong xã đều được tráng bêtông, lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa tạo thêm cảnh quan sáng, xanh, đẹp, khiến cho ai cũng thích thú mỗi khi đi tập thể dục và công nhân, lao động an tâm hơn mỗi khi đi làm về khuya”.

Mỹ Thạnh Tây là xã biên giới đầu tiên của huyện Đức Huệ được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2022. Hiện xã tiếp tục nâng chất các tiêu chí, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nắng vàng trải dài trên con đường về xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Những giai điệu mùa xuân tươi vui làm lòng người thêm rộn ràng, xen lẫn với niềm vui của nông dân khi lúa trúng mùa, được giá. Trở về nhà sau khi đi thăm cánh đồng 6ha vừa vào vụ Đông Xuân, vợ chồng bà Huỳnh Thị Nhung (ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) hồ hởi tiếp khách. Vừa trò chuyện, bà vừa nghe điện thoại của một vài phụ nữ rủ đi sắm đồ tết.

Bà Nhung tươi cười: “Nhờ làm theo khuyến cáo của địa phương và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu như nông dân ở đây đều có lời. Vợ chồng tôi tính toán vụ lúa vừa rồi với chừng ấy diện tích, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg, lợi nhuận tầm 120 triệu đồng. Năm nay cả nhà vui nên dự định ăn tết lớn hơn mọi năm”.

Đường hoa biên giới xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ)

Đường hoa biên giới xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ)

Qua bao nhiêu mùa xuân trên vùng quê này, bà Nhung cho rằng, xã Khánh Hưng bây giờ có nhiều đổi mới. Bà nhớ lại, năm 1991, xã được thành lập. Khi ấy, nơi đây rất nghèo, đúng nghĩa “3 không” (không điện, không nước sạch, không đường giao thông). 33 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm XDNTM, sau này là NTM nâng cao, xã Khánh Hưng “thay da, đổi thịt”.

Hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp,... Ấp Gò Châu Mai trở thành trung tâm hành chính của xã. Khu dân cư ấp này có nhiều hộ an cư, cửa hàng Điện máy Xanh, chợ, 2 tổ chức tín dụng, bến xe Khánh Hưng,... tô điểm thêm cho thị tứ của xã vùng biên.

Lãnh đạo UBND xã Khánh Hưng thông tin, năm 2014, Khánh Hưng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh sớm được công nhận xã NTM. Cuối năm 2021, Khánh Hưng trở thành xã NTM nâng cao. Đời sống người dân ngày càng no ấm. Hộ nghèo hiện còn 1,33%. Ngoài cánh đồng lớn, vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, xã còn có nhiều mô hình mang lại lợi nhuận khá. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại V.

Nông thôn mới - Sức sống mới!

Đón Xuân Giáp Thìn năm 2024 là năm khó quên đối với anh Trương Văn Trưng (SN 1982, ngụ ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) khi gia đình có được mái ấm từ chương trình trao tặng nhà Nghĩa tình biên cương do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vận động hỗ trợ. Anh Trưng thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất. Hàng ngày, anh đi làm thuê, một mình nuôi 2 người con. Hiện con trai lớn học nghề, đứa nhỏ học lớp 6.

Anh Trưng bộc bạch: “Có được căn nhà, cha con tôi mừng lắm! Tết này vui hơn. Con trai rất phấn khởi, hứa cố gắng học nghề sửa xe để sau này phụ giúp gia đình. Đây cũng là động lực để sang năm mới, tôi cố gắng làm ăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Thạnh Trị, Bình Tân là 2 xã biên giới cuối cùng của thị xã Kiến Tường “về đích” NTM. Từ chương trình này, diện mạo nông thôn khởi sắc. Đời sống người dân dần cải thiện. Tết này, vui chung niềm vui của người dân khi vụ mùa no ấm là nhiều hộ dân ở khu vực biên giới có nước sạch để sử dụng khi xã Thạnh Trị được đầu tư hệ thống cấp nước tại ấp 1 với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, chương trình XDNTM làm cho diện mạo nông thôn trong tỉnh nói chung, các xã biên giới nói riêng đổi mới rõ rệt. Minh chứng là kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả.

Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững; quốc phòng được củng cố và tăng cường;...

Thời gian tới, để phong trào XDNTM ngày càng đi vào thực chất, nền nếp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện hiệu quả chương trình XDNTM. Trong đó, tỉnh chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong XDNTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM một cách đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã; tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững;...

Người dân xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) vui đón tết trong niềm hân hoan khi địa phương được đầu tư hệ thống cấp nước 7 tỉ đồng

Người dân xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) vui đón tết trong niềm hân hoan khi địa phương được đầu tư hệ thống cấp nước 7 tỉ đồng

Không khí tết len lỏi vào từng ngôi nhà, mọi nẻo đường. Người người hân hoan chào đón năm mới trong ấm no, sung túc. NTM đang làm cho miền phên giậu bật lên sức sống mới! Hành trình ấy vẫn chưa dừng lại với kỳ vọng cuộc sống của người dân, diện mạo nông thôn tiếp tục “khoác” lên mình những màu áo tươi tắn, như đất trời mỗi độ xuân sang thêm tươi đẹp bội phần./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 127/161 xã đạt chuẩn NTM (chiếm gần 80% tổng số xã toàn tỉnh); trong đó có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm gần 31,5% tổng số xã đạt chuẩn NTM); 2 xã NTM kiểu mẫu. Trong 20 xã biên giới, có 8 xã đạt chuẩn NTM (có 1 xã đạt NTM nâng cao là xã Khánh Hưng). Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 10/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Trong đó, có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 142/161 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu của cư dân nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu,...

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/sac-xuan-nong-thon-moi-bien-gioi-a170245.html