Sách giả xuất hiện tại nhiều địa phương trước thềm năm học mới

Hàng trăm nghìn cuốn sách giáo khoa giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ trong thời gian gần đây.

Lực lượng chức năng kiểm đếm sách giả tại một cơ sở kinh doanh

Lực lượng chức năng kiểm đếm sách giả tại một cơ sở kinh doanh

Gần đây nhất, lực lượng QLTT tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ngày 16-7, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Hậu Giang) phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế - môi trường Công an tỉnh Hậu Giang, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Kết quả ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, hoạt động kinh doanh tại địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa không số nhà, không treo gắn bảng hiệu tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang diễn ra bình thường.

Chủ cơ sở được xác định là ông Ng.P.L, thường trú tại Thới Tân B, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông L. không cung cấp được cho đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở của ông L. chứa trữ hàng hóa là sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông L. cũng không cung cấp được hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa. Tổng số lượng sách giáo khoa tại cơ sở của ông L. là 1.210 thùng với 79.103 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 01 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng.

Trước đó, tháng 6-2024, cũng tại tỉnh Hậu Giang, lực lượng chức năng cũng phát hiện 3.319 quyển sách giáo khoa (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11) đang trưng bày bán và lưu trữ tại 4 nhà sách có nhãn, bao bì hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chỉ trong hơn 2 tháng qua, lực lượng chức năng các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Nai… phát hiện hàng chục nghìn cuốn sách giả, trong đó chủ yếu là sách giáo khoa. Đây là vấn đề đáng quan tâm khi năm học mới 2024-2025 đang đến gần.

Thực tế cho thấy, vấn nạn sách giả không mới. Từ nhiều năm trước, sách giả đã tràn lan trên thị trường, gồm cả sách giáo khoa, sách kỹ năng, sách chuyên ngành… Cơ quan chức năng cũng đã đưa ra xét xử nhiều vụ việc liên quan đến in ấn, phát hành sách giả.

Chẳng hạn như năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam Cao Thị Minh Thuận (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và 5 bị can khác vì liên quan đến đường dây sách giáo khoa giả. Nhóm này đã làm giả hàng triệu bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.

Đáng lo ngại hơn, sách giả hiện nay không chỉ xuất hiện với bản in giấy, mà còn có cả sách phát hành online.

Theo các chuyên gia, sách in giả thường có chất lượng giấy và mực in kém. Do đó, người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình đọc và điều tiết của mắt.

Bên cạnh đó, chất lượng nội dung của sách giả cũng rất đáng lo ngại khi thường xuyên xảy ra sai sót, thiếu hụt thông tin… dẫn đến sai lệch về thông tin thu nhận. Chẳng hạn, lực lượng chức năng đã từng phát hiện điểm khác nhau trong hình ảnh bản đồ giữa một cuốn sách thật và sách lậu. Cụ thể, sách thật có màu sắc, đường nét phân chia ranh giới lãnh thổ, biển đảo, chủ quyền đúng quy định còn sách giả thì các nét in mờ nhạt, đường ranh giới sai quy chuẩn.

Trong nhiều trường hợp khác được phát hiện, sách giả trong quá trình in ấn, scan lậu đã làm sai hẳn bản chất, nội dung bên trong cuốn sách.

Cụ thể, trong cuốn atlat địa lý, đá Gia Hội - bãi Thám Hiểm thì bị in thành đá Gia Phú - bãi Thám Hiểm trong bản sách giả. Hay trong một cuốn sách bài tập lớp 5, một phép tính chính xác trong sách thật là dấu “=” thì sách giả lại in thành dấu “+”.

Hoặc như sách Tiếng Anh bị làm giả; Sách thật được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ tại bìa 4 nhưng sách giả sẽ không có. Học sinh mua phải sách giả sẽ không thể truy cập và sử dụng các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung... do mã code của sách được quản lý trên dữ liệu online, sách lậu in code giả bị chặn truy cập.

Để ngăn chặn sách giả, ngoài nỗ lực của các nhà xuất bản, các nhà bán lẻ, người tiêu dùng cũng cần phải có ý thức đấu tranh, tránh tham rẻ mà mua sách giả.

Theo đại diện của Cục QLTT tỉnh Hậu Giang, phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn mua sách giáo khoa để học nên lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín trên địa bàn tỉnh và chú ý mặt trước có in “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam”, mặt sau của trang bìa sách giáo khoa có tem chống giả.

H. Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sach-gia-xuat-hien-tai-nhieu-dia-phuong-truoc-them-nam-hoc-moi-post583628.antd