Sách giáo khoa đầu năm học: thiếu thế nào và đủ ra sao?
Các đơn vị cung cấp sách giáo khoa (SGK) ra thị trường có nhiều kế hoạch chuẩn bị từ sớm phục vụ học sinh các cấp trên toàn quốc. Tuy vậy, ghi nhận tại một số địa phương, các phụ huynh vẫn gặp khó khăn khi tìm mua sách theo danh mục yêu cầu từ nhà trường, có đầu sách đủ song nhiều tựa sách vẫn thiếu, khan hàng.
(KTSG Online) – Các đơn vị cung cấp sách giáo khoa (SGK) ra thị trường có nhiều kế hoạch chuẩn bị từ sớm phục vụ học sinh các cấp trên toàn quốc. Tuy vậy, ghi nhận tại một số địa phương, các phụ huynh vẫn gặp khó khăn khi tìm mua sách theo danh mục yêu cầu từ nhà trường, có đầu sách đủ song nhiều tựa sách vẫn thiếu, khan hàng.
Nỗ lực đáp ứng thị trường sách giáo khoa
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đến ngày 19-8-2024 đã hoàn thành in và nhập kho SGK các lớp đạt 97,4% kế hoạch, tương ứng 169,2 triệu bản; đã phát hành 96,7% kế hoạch, tương ứng 169,55 triệu bản.
Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGDVN, bất ổn chính trị ở một số khu vực, kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng công tác mua sắm dịch vụ, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh SGK nói riêng của NXBGDVN. Cụ thể giá nguyên vật liệu đầu vào (giấy in) có xu hướng tăng qua các lần mua sắm; chi phí vận chuyển biến động bất thường. Mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1-7-2024 khiến giá các dịch vụ, hàng hóa trong nước tăng. Theo đó làm tăng giá các gói dịch vụ in dẫn tới NXBGDVN không thực hiện được một số gói mua sắm dịch vụ in.
Những khó khăn này ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nguồn lực tài chính, chi phí sản xuất, đến giá thành sản phẩm. Trong khi đó, xã hội, Chính phủ, ngành giáo dục luôn đặt yêu cầu cao vừa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời phải đảm bảo giá thành SGK ở mức thấp đã tạo nên áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với KTSG Online, ông Tùng nói dư luận cho rằng NXBGDVN lãi lớn từ SGK nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ SGK hầu như không có, hoặc có rất ít. Toàn bộ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của NXBGDVN hiện nay đều là vốn vay ngân hàng (lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm).
Trong khi đó, với cơ cấu giá hiện nay, sản phẩm SGK của NXBGDVN hầu như không có lãi (tỷ suất lợi nhuận chỉ tương đương lãi suất vay ngân hàng). Lợi nhuận của NXBGDVN chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.
Hiện nay, không chỉ có duy nhất NXBGDVN thực hiện việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK. Có 7 NXB được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản SGK nhưng chỉ có 6 NXB tham gia xuất bản vì để thực hiện được việc xuất bản SGK không dễ dàng như đã nói ở trên. NXBGDVN đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần SGK, nhưng không phải là đơn vị độc quyền hay có bất cứ ưu đãi nào.
“Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN vì quyền lợi người tiêu dùng là hàng chục triệu học sinh trên cả nước”, ông nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng Giám đốc nhà sách Fahasa cho biết toàn hệ thống Fahasa đã chuẩn bị hơn 9,5 triệu bản sách giáo khoa các lớp, đến nay đã tiêu thụ được hơn 90% số lượng.
Do chiết khấu SGK rất thấp, phát hành SGK chủ yếu nhằm mục đích phục vụ và cơ bản không có lợi nhuận nên hầu hết các đơn vị phát hành đều không có chính sách giảm giá SGK cho khách hàng.
Dù vậy, ngay từ đầu năm Fahasa đã có ký hợp đồng và gửi dự trù đặt SGK trực tiếp tới các công ty là đầu mối phát hành SGK của NXBGD. Vì vậy các nhà sách của Fahasa có nguồn SGK tương đối đủ để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên vào sát thời điểm nhập học, NXBGD cung ứng chậm một số tựa vở bài tập SGK cấp 1,2. Theo thông tin của NXBGD thì qua đầu tháng 9 sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu các tựa SGK này trước khi học sinh nhập học.
Hiện nay SGK theo chương trình mới đã được Bộ Giáo dục triển khai ở tất cả các cấp, lớp. Các địa phương, các trường cũng đã chọn bộ SGK sử dụng cho học sinh của mình. Vì vậy theo Fahasa, các trường nên thông báo công khai danh sách các tựa SGK sử dụng cho học sinh từ cuối năm học trước để các NXB, đơn vị phát hành nắm được nhu cầu sử dụng SGK của từng trường, từng địa phương. Từ đó đơn vị dự trù sớm và hợp lý, tránh được tình trạng thiếu hàng hoặc rủi ro tồn kho cuối mùa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các nhà phát hành.
Đại diện hệ thống nhà sách Nhân Văn, ông Đào Quang Liêm, quản lý vận hành, cho hay năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục nên giá sách giáo khoa giảm thấp so với mọi năm. Cụ thể giá bìa bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ SGK Chân trời sáng tạo đều có xu hướng giảm từ 9,6-11,2% so với năm học trước để hỗ trợ quý bậc phụ huynh.
Ngoài ra, nhà sách Nhân Văn còn triển khai thêm các chương trình chiết khấu 3-4% cho sách giáo khoa và 10-18% cho các sản phẩm văn phòng phẩm, đồ dùng học tập và có thêm các ưu đãi voucher giảm giá khi thanh toán bằng ví điện tử.
“Nhìn chung lượng cung sách vẫn không đủ cầu, có nhiều tựa bị khan hàng, nên nhiều lúc khách hàng cần mà không có, phải đi gom nhiều nơi mới đủ bộ trả khách hoặc nợ khách giao sau”, ông Liêm nói. Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ đầu năm, nhưng mãi đến cuối tháng 8 mới có đủ sách để bán lại cho khách hàng.
Trường lên phương án hỗ trợ: sớm công khai danh mục sách
Trả lời KTSG Online về tình hình sách giáo khoa trên địa bàn TPHCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, thời điểm hiện tại, sách giáo khoa đều được cung ứng đủ ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Do đó, hiện không có tình trạng thiếu sách giáo khoa dành cho học sinh.
“Đối với sách bài tập, ngành giáo dục thành phố không yêu cầu phải mua sắm những loại sách này. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng đã có văn bản về hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2024-2025. Trong đó, các trường cũng không được yêu cầu học sinh mua sắm đề cương, tài liệu tham khảo, sách và vở bài tập”, ông Minh nhấn mạnh.
Để chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh bước vào năm học mới, đặc biệt với những khối lớp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường học trên địa bàn thành phố đã lần lượt thông báo trên cổng thông tin điện tử và fanpage của trường về danh mục sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2024-2025; thậm chí một số trường còn lên phương án hỗ trợ phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh ngay từ cuối năm học trước và thời điểm nộp hồ sơ nhập học ở lớp đầu cấp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11, TPHCM), tổng số học sinh theo học tại trường trong năm học 2024-2025 là khoảng 989 học sinh, trong đó có 198 học sinh lớp 1. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ cuối năm học trước, nhà trường đã công bố danh mục sách giáo khoa (khối từ lớp 1 đến 5), được sử dụng trong năm học 2023-2024 trên trang thông tin điện tử của trường và đến từng phụ huynh, học sinh. Đối với học sinh lớp 1, ngay khi nộp hồ sơ, phụ huynh cũng được thông báo về sự hỗ trợ này của trường.
Cụ thể, để hỗ trợ phụ huynh mua sách giáo khoa, vào tháng 5, nhà trường đã lên danh sách đăng ký số lượng mua sách của các em học sinh và gửi về Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TPHCM. Đến tháng 7, sách được đơn vị phân phối cung ứng cho nhà trường và chuyển đến cho học sinh.
“Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, học sinh tại trường đều có đủ sách giáo khoa và bài tập để chuẩn bị cho năm học mới. Nhà trường không yêu cầu phụ huynh học sinh phải mua sách tại trường. Phụ huynh có thể đăng ký mua sách giáo khoa tập trung theo trường hoặc căn cứ vào danh mục sách nhà trường công bố để tự chuẩn bị cho học sinh”, bà Hương nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), ngay từ đầu tháng 7, nhà trường cũng đã công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12 sử dụng trong năm học 2024-2025 trên trang thông tin điện tử của trường.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sach-giao-khoa-dau-nam-hoc-thieu-the-nao-va-du-ra-sao/