Sách giáo khoa điều chỉnh theo thực tiễn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vào cuộc

Trước những thay đổi về địa giới hành chính và mô hình chính quyền hai cấp, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương rà soát, cập nhật sách giáo khoa.

Giờ học của học sinh Trường THCS Tân Tiến (xã Xuân Mai). Ảnh: Thúy Quỳnh

Giờ học của học sinh Trường THCS Tân Tiến (xã Xuân Mai). Ảnh: Thúy Quỳnh

Việc điều chỉnh nhằm bảo đảm sách giáo khoa đồng bộ với thực tiễn, thuận lợi cho thầy và trò khi bước vào năm học mới, đồng thời giữ được tính ổn định cần thiết trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông.

Chủ động cập nhật, thận trọng điều chỉnh

Triển khai Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa nhằm bảo đảm tính thống nhất, cập nhật và phù hợp với thực tiễn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn học chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9; địa lý lớp 12; lịch sử và giáo dục kinh tế - pháp luật lớp 10. Đây là những môn có nội dung gắn với địa danh, bản đồ, biểu đồ, số liệu và thông tin kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc thay đổi nội dung sách giáo khoa đang sử dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà xuất bản, đơn vị chức năng chỉnh lý nội dung theo hướng cập nhật ngữ liệu và tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động điều chỉnh trong quá trình giảng dạy. Việc sửa đổi sẽ được tiến hành một cách thận trọng, bám sát nội dung chương trình đã được phê duyệt, nhằm bảo đảm tính ổn định và hiệu quả triển khai.

Liên quan đến việc chỉnh sửa sách giáo khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Nhà xuất bản đã chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát toàn bộ nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế - xã hội… liên quan đến thay đổi địa giới hành chính. Kết quả rà soát đã được báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến chỉ đạo sửa chữa.

“Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành điều chỉnh sách giáo khoa, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định thông qua theo đúng quy trình,” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tùng, nguyên tắc của việc sửa sách giáo khoa là phải bám sát, cập nhật chính xác các yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội, trên tinh thần hạn chế thấp nhất sự thay đổi nội dung sách giáo khoa hiện hành.

“Trong thời gian chờ sách giáo khoa được chỉnh sửa, cập nhật theo địa giới hành chính mới và mô hình chính quyền hai cấp, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường, thầy cô chủ động điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học phù hợp thực tiễn địa phương,” ông Tùng nói.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế - xã hội… liên quan đến thay đổi địa giới hành chính. Ảnh: NXB

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế - xã hội… liên quan đến thay đổi địa giới hành chính. Ảnh: NXB

Ông Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các nhà trường và giáo viên trong việc sử dụng sách giáo khoa hiện hành đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, việc in ấn và cung cấp sách giáo khoa cho năm học 2025-2026 đang được khẩn trương thực hiện.

“Dự kiến trong tháng 7, chúng tôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa cho học sinh và giáo viên trên cả nước,” ông Tùng khẳng định.

Linh hoạt tại cơ sở, sát sao từ thực tiễn

Tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, việc điều chỉnh nội dung giảng dạy đã được triển khai linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dạy học và tính phù hợp với mô hình hành chính mới.

Tại Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (xã Xuân Mai), cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi có thông tin về thay đổi địa giới hành chính, nhà trường đã tổ chức hội thảo chuyên môn, tập huấn cho giáo viên các môn lịch sử và địa lý nhằm cập nhật dữ liệu mới. Giáo viên được hướng dẫn rà soát nội dung bài giảng, cập nhật các thông tin hành chính mới, điều chỉnh bản đồ, lược đồ, hình ảnh minh họa và các số liệu liên quan.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, bên cạnh việc cập nhật nội dung, giáo viên cũng được khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học: tăng cường sử dụng video tư liệu, hình ảnh thực tế, bản đồ số… giúp học sinh dễ tiếp cận thông tin, đồng thời nâng cao khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tế. Việc kiểm tra, đánh giá cũng điều chỉnh theo hướng phát huy năng lực phân tích, so sánh, nhận xét của học sinh.

Trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên nhà trường đã chủ động khai thác tư liệu từ các nguồn đáng tin cậy, rà soát các bài giảng và nội dung sách giáo khoa có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp. Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dạy học, mà còn giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, chính xác và gần gũi hơn với thực tiễn địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên được khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng hình ảnh, video tư liệu để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động, trực quan. Việc đánh giá học sinh cũng được điều chỉnh theo hướng phát huy năng lực tư duy, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời phát triển kỹ năng phân tích, so sánh và đánh giá.

Những nỗ lực này của các trường tại Hà Nội góp phần bảo đảm quá trình triển khai chương trình học và sử dụng sách giáo khoa thích ứng kịp thời, hiệu quả với những thay đổi lớn trong hệ thống hành chính và quản lý địa phương.

Rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa để phù hợp với thay đổi địa giới hành chính và mô hình chính quyền hai cấp là bước đi tất yếu và kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, bảo đảm tính thống nhất và cập nhật.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tinh thần chủ động từ các nhà trường cùng sự vào cuộc khẩn trương của các nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục đang nỗ lực tối đa để bảo đảm sách giáo khoa và nội dung giảng dạy luôn đồng hành cùng thực tiễn phát triển của đất nước.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sach-giao-khoa-dieu-chinh-theo-thuc-tien-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-vao-cuoc-710093.html