Sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: Có cần thiết lúc này?
Liên quan đến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang tiếp tục lắng nghe để tham mưu, đề xuất phù hợp trong thời gian tới.
Trách nhiệm của Nhà nước khi xã hội hóa sách giáo khoa
Chương trình SGK mới đã triển khai ở khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; đến tháng 9 khối lớp 4, 8, 11 sẽ bắt đầu chương trình mới. Bộ SGK của khối lớp 5, 9 và 12 đang được thẩm định. Đến năm 2025 sẽ kết thúc việc thay SGK toàn diện theo chương trình mới.
Đến thời điểm này, sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ sách, lại xuất hiện đề xuất Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK. Cụ thể, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, Đoàn giám sát chỉ ra rằng Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh hưởng tới trách nhiệm của nhà nước trong triển khai Chương trình GDPT 2018 và việc thực hiện một số chính sách xã hội.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát, kinh nghiệm ở nhiều nước đó là có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung SGK. Không nhất thiết phải viết bộ SGK mới, cái quan trọng cuối cùng vẫn là nhà nước phải có bản quyền về nội dung một bộ SGK và không tính tiền bản quyền về biên soạn SGK. Các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành SGK, phục vụ cho người dân một cách tốt nhất. “Nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình? Trách nhiệm của Nhà nước ở đâu?” – ông Vinh đặt câu hỏi.
Trên thực tế, câu chuyện yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là vấn đề nóng được quan tâm từ khi bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ chủ trương Bộ GDĐT cần phải biên soạn một bộ SGK đầy đủ.
Tương tự, GS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, càng đẩy mạnh xã hội hóa thì Nhà nước càng phải đầu tư nhiều hơn cho 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, thay vì xã hội hóa để Nhà nước rút khỏi 2 lĩnh vực này hoặc giảm bớt đầu tư đi. Với câu chuyện SGK, ông Đường nhấn mạnh không nên xã hội hóa mà Nhà nước phải tạo điều kiện đầu tư để có bộ SGK chuẩn cho học sinh.
Lo ngại độc quyền
Đối với đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho rằng, việc yêu cầu Bộ GDĐT biên soạn SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn theo chủ trương xã hội hóa không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này mỗi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT đã có nhiều SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới.
Vì vậy, theo ông Thuyết, đòi hỏi Bộ GDĐT biên soạn SGK và coi đó là bộ SGK chuẩn là không đúng với tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội khóa 14. Cụ thể, Nghị quyết 122 nêu rõ: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”. Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cũng lo ngại, nếu việc này được thực hiện sẽ có nguy cơ quay lại cơ chế độc quyền.
Trước đó, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị, đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ cho thấy cần Bộ GDĐT biên soạn một bộ sách. Ông Sơn cho rằng, việc thay sách đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ GDĐT vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều vấn đề bất cập liên quan đến SGK, như giá sách mới hiện đang cao gấp nhiều lần so với giá sách của Chương trình GDPT 2006. Nhiều ý kiến lo ngại người dân nghèo sẽ khó khăn trong việc mua SGK trong bối cảnh sách hầu như không thể tái sử dụng do học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách. Bên cạnh đó, cũng có những hạt sạn trong quá trình dạy và học SGK mới được dư luận phát hiện, dẫn đến xuất hiện đề xuất Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK chuẩn.
Cô giáo Lê Thị Tuyết - Trường THCS Trần Phú (Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, việc có thêm một bộ SGK do Bộ GDĐT hay một tổ chức, cá nhân khác biên soạn thực chất chỉ là thêm một kênh tham khảo đối với giáo viên khi tổ chức dạy học mà thôi. SGK hiện nay không còn là pháp lệnh nên giáo viên có thể chọn lọc, tham khảo những ưu điểm của từng bộ sách để kết hợp trong từng bài giảng, chuyên đề. Riêng với môn Ngữ văn cô Tuyết đang giảng dạy, việc đổi mới thi cử với ngữ liệu ngoài SGK càng cho thấy việc dùng sách nào cũng không quan trọng bằng việc bám sát chương trình, rèn cho học sinh kỹ năng, phương pháp để khi tiếp cận bất cứ ngữ liệu, tác phẩm nào cũng không làm khó được học sinh.
“Giáo dục khó để nhìn thấy ngay kết quả nên tôi cho rằng cần có thời gian để nhìn nhận. Có thể đến năm 2025 khi đã hoàn thành chương trình hãy đánh giá một cách tổng thể” – cô Tuyết đề xuất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Có thể Bộ GDĐT đứng ra biên soạn nhưng cũng có thể Bộ chỉ tổ chức biên soạn; không nhất thiết đến lúc này đã có mấy bộ SGK rồi mà lại làm thêm một bộ SGK nữa.