Sách giáo khoa không thể trở thành gánh nặngTin khácTích cực đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sốngCứu trợ người dân bị thiên tai, hoạn nạn: Ghi nhận sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc

Những bộ sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có giá cao hơn bộ SGK cùng lớp hiện hành từ 2 đến 3 lần. Nhiều ý kiến cho rằng SGK là để tiếp cận toàn dân, không nên là gánh nặng với nhiều gia đình.Những bộ SGK mới có giá thành cao hơn nhiều so với SGK hiện hành.

“Liệu cơm gắp mắm”

Từ năm học 2020-2021, với chủ trương xã hội hóa, SGK mới có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản (NXB). SGK mới cải tiến hơn so với SGK hiện hành về mặt nội dung và hình thức. Tuy nhiên, giá sách lại tăng với tốc độ “chóng mặt”. Đơn cử như bộ SGK lớp 3 của NXB Giáo dục Việt Nam, giá từ 60.000 đồng/bộ tăng lên tới 177.000 đồng đến 183.000 đồng/bộ. Tương tự, giá bộ SGK lớp 7 theo chương trình mới tăng từ 120.000 đồng/bộ lên 209.000 đồng/bộ; bộ SGK lớp 10 từ 164.000 đồng tăng lên 246.000 đồng đến 301.000 đồng/bộ. Những bộ sách này đều chưa bao gồm sách tiếng Anh-sách luôn có giá cao nhất trong số các SGK. Sách của nhóm Cánh diều thậm chí còn có giá niêm yết cao hơn. Như vậy, so với chương trình hiện hành, giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới của tất cả các NXB đều tăng gấp 2 đến 3 lần.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ. Khi so sánh giá sách cần so sánh tương đồng, tức là so sánh các bộ sách được biên soạn mới theo Chương trình GDPT 2018 với nhau.

Về yếu tố khách quan, giá SGK tăng cao một phần do lạm phát (năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020). Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa, các NXB tự chi tiền ở tất cả các khâu và sách cũng thay đổi theo hướng hình ảnh hóa nội dung nên được in nhiều màu hơn, khổ lớn hơn. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được các chuyên gia lẫn phụ huynh học sinh. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, trong giáo dục, SGK không nhất thiết hình thức phải đẹp mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. Bởi vậy, vấn đề cần quan tâm là SGK có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay, tuổi thọ của sản phẩm như thế nào.

“Chất lượng giáo dục không quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt” là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Theo chuyên gia này, SGK phục vụ đại trà nhân dân, cần phải “liệu cơm gắp mắm”, chọn chất liệu phù hợp với đại đa số người dân. Có thể dùng loại giấy phù hợp với các sách bài tập mà học sinh làm bài ngay trên sách. Những cuốn sách, học liệu sử dụng dài lâu mới cần sản xuất bằng vật liệu tốt.

Dư luận cũng cho rằng, SGK nên đầu tư vào nội dung, nhặt kỹ “sạn” trước khi đầu tư vào hình thức. Không thỏa mãn với lý giải của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rằng SGK mới biên soạn dùng lại được chứ không phải năm nào cũng thay, nhiều người dẫn chứng SGK lớp 1, 2 năm ngoái “nhặt” ra nhiều lỗi khiến NXB phải bổ sung, in lại, rất lãng phí. Chị Hoàng Thanh Huyền, phụ huynh có con đang học lớp 2 Trường Tiểu học Lê Thế Long (Đông Sơn, Thanh Hóa) cho biết năm ngoái, nhà trường yêu cầu mua 100% sách nên tất cả phụ huynh đều đóng hơn 700.000 đồng mua trọn bộ. Không ít cuốn cả năm vẫn để nguyên, chưa hề mở ra để học.

Chia sẻ thêm về những bất hợp lý của giá SGK với học sinh vùng cao, cô Hoàng Thị Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái) cho rằng, ngoài các hộ nghèo được hưởng chính sách cấp miễn phí SGK, với những hộ dân khác đây thực sự là gánh nặng. Mặt khác, SGK mới tích hợp công nghệ 4.0, học sinh được trải nghiệm và thực hành các học liệu điện tử kèm theo để tương tác ở môi trường kỹ thuật số cũng là vấn đề rất bất cập. Vì học sinh các vùng nông thôn, miền núi không có thiết bị, điều kiện về internet. Các em không thể sử dụng thêm SGK điện tử nhưng vẫn phải mua sách giấy giá cao.

Bộ GD&ĐT không nên đứng ngoài cuộc

Theo quy định của Luật Giá, giá SGK mới do doanh nghiệp, NXB tự xây dựng, quyết định giá bán, đồng thời, thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách. Giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam được tính dựa theo những yếu tố số cuốn SGK trong bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư, công in, chi phí marketing. Trong khi giá SGK hiện hành không phải phân bổ cho những chi phí này.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục cho rằng SGK có thể coi là sản phẩm thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên. Nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá; đặc biệt cơ quan đầu ngành là Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc. TS Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng Bộ GD&ĐT là đơn vị có thể quyết định số lượng SGK ít đi so với yêu cầu thực tế. Ví dụ, môn Giáo dục trải nghiệm, Giáo dục thể chất, thậm chí là Giáo dục đạo đức không nhất thiết phải có SGK, mà chỉ cần sách hướng dẫn cho giáo viên. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh phối hợp thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. Ba đơn vị trụ cột quyết định giá sách là Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và đặc biệt phía doanh nghiệp (NXB) có vai trò rất lớn để giữ cho mặt bằng giá SGK đúng với giá thực.

Giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến trên thế giới đang đi theo xu hướng một chương trình, nhiều bộ SGK. Các NXB cạnh tranh cả về chất lượng nội dung, hình thức, giá để bán sách. Chúng ta đang đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí, ở Việt Nam thì ngược lại. Các đơn vị làm sách có lẽ cũng cần khảo sát nhu cầu thị trường để biết giá sách thế nào là phù hợp với đa số người dân, từ đó có những điều chỉnh về thiết kế, mẫu mã, chất liệu giấy sao cho phù hợp nhất, cạnh tranh nhất. Không nên giữ quan điểm “trăm dâu đổ đầu tằm”, coi SGK là pháp lệnh, tăng giá buộc người dân phải mua theo kiểu “sự đã rồi”.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG NHƯ – DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/503226-sach-giao-khoa-khong-the-tro-thanh-ganh-nang.html