Sách giáo khoa tăng giá, có thể dùng lại, không dùng một lần
SGK là loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con đi học cũng phải mua. Thời điểm này, việc tăng giá SGK đã tạo thêm gánh nặng cho những gia đình có con em đi học, đặc biệt những gia đình có đông con đi học, gia đình hộ nghèo, gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Sách giáo khoa tăng giá do đâu?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói "SGK mới cao hơn chứ không phải là tăng giá" và cho biết, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về chủ trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa với yêu cầu có nhiều bộ SGK cho một môn học, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Theo đó, cơ chế về tài chính của bộ SGK mới so với bộ SGK cũ khác nhau. Bộ SGK cũ từ năm 2006 được Nhà nước bao cấp hoàn toàn kinh phí từ biên soạn, trả tiền tác giả, tập huấn, in ấn và phát hành.
Bộ SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện xã hội hóa do các nhà xuất bản, doanh nghiệp bỏ tiền ra để thực hiện tất cả các khâu từ biên soạn, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, đây cũng là nguyên nhân tăng giá.
Thêm nữa, do có nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn và in ấn, xuất bản SGK nên sản lượng của mỗi đầu sách giảm đi của nhà xuất bản, góp phần khiến chi phí tăng lên. Ngoài ra, những chi phí trước đây không có như quảng bá, tập huấn hay lãi vay ngân hàng thì hiện nay nhà xuất bản, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra. Đó là những nguyên nhân làm cho giá SGK của bộ SGK mới cao hơn bộ SGK cũ.
Cách nào giải quyết những bất cập trong quản lý giá SGK?
Trước những bất cập liên quan giá SGK, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi ban hành Thông tư về quy trình, tiêu chuẩn biên soạn, chỉnh sửa SGK. Mặc dù đã có tiêu chuẩn về sách theo quy định nhưng vì SGK là một loại hàng đặc biệt, thiết bị giáo dục nên trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu, xem xét để tham mưu ban hành một thông tư quy định về tiêu chuẩn của SGK.
Đối với các nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tiết giảm chi phí, giảm thiểu tối đa giá thành SGK, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Bộ đã chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Giá thành từ khâu biên soạn, in ấn, mua sắm vật tư bảo đảm công khai minh bạch, áp dụng thí điểm phát hành sách vừa truyền thống vừa phát hành theo hướng online để giảm chi phí nhất.
Ngoài ra, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã có những hỗ trợ cho những đối tượng như học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số… mỗi tháng được hỗ trợ 150.000 đồng cho việc mua SGK và thiết bị học tập trong 9 tháng. Như vậy, một năm mỗi cháu được 1.350.000 đồng.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường, các sở giáo dục đào tạo phải chỉ đạo các nhà trường xây dựng thư viện, cung cấp SGK trong thư viện để học sinh có thể mượn và sử dụng với yêu cầu là tất cả học sinh khi đến trường đều có sách để học.
Thực tế thời gian qua, SGK sử dụng rất tốn kém và lãng phí vì chỉ dùng một lần và không thể quay vòng để sử dụng được, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Bộ SKG mới hoàn toàn có thể dùng lại chứ không chỉ dùng một lần. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản cũng như các hội đồng thẩm định không để khoảng trống, không để học sinh viết vào SKG để có thể sử dụng lâu dài".
Việc triển khai chương trình năm 2018 chúng ta làm theo hình thức cuốn chiếu, lớp 1, lớp 2. Năm nay là lớp 3, lớp 7, lớp 10. Sang năm là lớp 4 và lớp 11. Đương nhiên, với SKG cũ của chương trình cũ là không dùng được. Thực chất với hình thức và tiêu chuẩn của SKG hiện nay có thể dùng được lâu dài", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.
Hiện có 3 bộ SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm bộ SGK "Cánh diều" của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Vietpic, bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" và bộ sách "Chân trời sáng tạo" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ SGK "Cánh diều" có giá bán cáo nhất ở tất cả các lớp, trong đó bộ lớp 3 chưa tính sách ngoại ngữ có giá là 220.000 đồng/bộ. Bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" là 183.000 đồng/bộ. Bộ "Chân trời sáng tạo" có giá 178.000 đồng/bộ. Nếu tính trung bình giá bán từng cuốn sách mới thì ở lớp 3 hiện hành là 9.700 đồng/cuốn. Bộ "Cánh diều" có giá cao nhất trong các bộ sách mới, trung bình 18.300 đồng/cuốn, gần gấp đôi. Giá trung bình từng cuốn của 2 bộ sách còn lại cũng ghi nhận cao hơn giá bán sách hiện hành. Đối với sách lớp 7 và lớp 10 cũng tương tự như vậy.
Đỗ Vi