Sách giáo khoa: Xã hội hóa chứ không phải là thương mại hóa

Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018. Rất nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề xã hội hóa SGK.

Tại hội nghị, ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết, hiện đoàn giám sát của Quốc hội đang tiến hành giám sát nội dung này. Bước đầu, qua giám sát cho thấy, nhiều vấn đề mà giáo viên còn băn khoăn, trong đó có việc lựa chọn tổ hợp, nhiều giáo viên phải dạy tích hợp gặp khó khăn. Sự đồng bộ giữa giáo viên, cơ sở vật chất với chương trình, SGK mới còn bất cập, nhất là trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh. Còn nhiều ý kiến băn khoăn đánh giá học sinh vẫn nặng về kiến thức, chưa thực sự theo hướng đánh giá năng lực học sinh.

Theo ông Đinh Công Sỹ, lứa học sinh học theo chương trình mới đã học, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, học sinh cần được biết sớm để chuẩn bị cho việc học tập, thi cử. Do đó, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành phương án thi.

Về vấn đề SGK, vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét, như giá SGK mới cao gấp 2-4 lần so với SGK cũ, trong đó có vấn đề chiết khấu, chi phí đầu vào cao. Việc cung ứng SGK cho vùng khó khăn chưa thực sự thuận lợi...

Bên cạnh đó, chủ trương 1 chương trình nhiều bộ SGK cũng đang là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nếu đã là 1 chương trình thống nhất thì học sinh sử dụng bộ SGK nào cũng được, nhưng thực tế, khi chuyển trường, học sinh phải đổi bộ SGK đang học thì việc tiếp cận kiến thức khó khăn, điều đó đặt ra vấn đề chương trình, SGK chưa thực sự thông suốt, hay tại trình độ giáo viên chưa ổn. Đây là vấn đề cũng cần xem xét.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật

Góp ý vào nội dung, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đặt câu hỏi: Lý giải ra sao với việc người dân phải thâu đêm để xếp hàng mong có được cho con một suất vào học lớp 10 như vừa qua? Tương tự là tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Theo ông, càng xã hội hóa giáo dục, y tế thì Nhà nước càng phải đầu tư nhiều hơn cho 2 lĩnh vực thiết yếu này, chứ không phải xã hội hóa là Nhà nước lại rút, không đầu tư nhiều nữa. Đề nghị cần nhận thức lại vấn đề xã hội hóa giáo dục, y tế, làm sao để người dân được thụ hưởng chính sách tốt đẹp nhất. GS Trần Ngọc Đường đề nghị không nên xã hội hóa SGK mà nên có 1 bộ SGK do Nhà nước biên soạn.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam cho rằng, cần bảo đảm giáo dục là quốc sách. Xã hội hóa phải được thực hiện đúng, xã hội hóa chứ không phải là thương mại hóa. SGK hiện nay nhiều cuốn, giá cao, ít sử dụng lại, rất lãng phí.

PGS-TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, xã hội hóa SGK là chủ trương đúng, và đã xã hội hóa thì phải chấp nhận cơ chế thị trường.

PGS- TS Vũ Trọng Rỹ cũng đồng tình với quan điểm của GS Trần Ngọc Đường, xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước đầu tư ít đi mà cần phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục được coi là quốc sách.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam góp ý tại hội nghị

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam góp ý tại hội nghị

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, thực hiện xã hội hóa với nhiều bộ SGK hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay chọn SGK do hội đồng thẩm định của tỉnh lập ra, dường như giáo viên chưa được lựa chọn sách, điều đó có thể tạo ra một cuộc chạy đua giữa các nhà xuất bản để được hội đồng thẩm định chọn, và chi phí đó “chạy” vào giá SGK, đây là điều cần được đánh giá.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tán thành với quan điểm của GS Nguyễn Ngọc Đường cho rằng, cần xem lại vai trò của nhà nước trong việc xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa SGK không nên chỉ gắn với lợi nhuận.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta cũng thiếu sự chuẩn bị trong triển khai chương trình, SGK mới. Đầu tiên là chưa chuẩn bị tâm lý rõ ràng, cụ thể cho xã hội, cho người học, giáo viên, cán bộ quản lý về đổi mới SGK. Từ đó dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng yêu cầu, ngay cả khái niệm tích hợp, tổ hợp cũng chưa rõ ràng. Một giáo viên không thể dạy tích hợp mấy môn chỉ qua tập huấn. Đây là điều Bộ GD-ĐT phải rút kinh nghiệm.

Cùng với đó, việc chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất cũng chưa bảo đảm. Nhiều nơi thiếu trường, thiếu lớp. Mặt khác, thực hiện nhiều bộ SGK, trao cho tỉnh quyền chọn SGK, điều này nhân dân phản ánh rất nhiều.

“Do thiếu đồng bộ trong nhiều khâu trong triển khai chương trình, SGK mới nên còn nhiều băn khoăn. Trong đó có vấn đề giá SGK cao, nhiều sách tham khảo”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, áp lực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… Ủy ban Quốc gia về Giáo dục cần họp để bàn thêm về phương hướng phát triển giáo dục. Quốc hội cũng cần có những chuyên đề sâu về giáo dục, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc có 1 hay nhiều bộ SGK cần tiếp tục được đánh giá; phải lập hội đồng để đánh giá. Nếu các bộ SGK hiện nay giống nhau 90% thì có cần phải có bộ SGK do Nhà nước biên soạn hay không, điều này phải đánh giá toàn diện. Về đội ngũ giáo viên, phải tăng lương cho giáo viên, giáo dục là quốc sách, nếu lương giáo viên thấp như hiện nay thì thầy cô không thể đủ tâm huyết để dạy học…

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-chu-khong-phai-la-thuong-mai-hoa-post699959.html