Sách là chìa khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa
Trong chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện, có bản sắc văn hóa, cần lấy sách và văn hóa đọc làm trọng tâm.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Yên Định, Nhà xuất bản Thanh Hóa vừa tổ chức Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023. Nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, cách giới thiệu sách độc đáo, mới lạ đã thu hút các bạn nhỏ, phụ huynh học sinh.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Nam cho hay: Trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, các hình thức đọc sách, các phương tiện để con người tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn cóc
Theo ông Nam, sách vẫn là nguồn cung cấp tri thức, là món ăn tinh thần quý giá nhất.
Trong thời gian tới, hy vọng rằng các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ có được sự tham gia tích cực và nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, góp phần kết nối tri thức và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép hoặc định hình, định hướng của các địa phương nên tại các trường học vẫn thiếu thư viện, thiếu các đầu mục sách hay, cần thiết cho các em học sinh thỏa mãn đam mê đọc sách.
Phải tới các bậc cao đẳng, đại học trở lên mới có các thư viện để sinh viên chủ động tìm kiếm, mượn về đọc. Vì vậy hạng mục quan trọng cần sớm được quan tâm đầu tư trong trường học đạt chuẩn quốc gia phải có thư viện, có nhiều loại sách và không gian cho học sinh đọc sách.
Thiếu các sân chơi, thú vui lành mạnh như đọc sách đã khiến giới trẻ sa đà vào các trò tiêu khiển trên mạng xã hội, game… trong đó không ít các nội dung xấu độc, không được kiểm soát.
Hiện tượng giang hồ mạng, video nhảm nhí vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm chủ quyền, xuyên tạc lịch sử trong thời gian qua là một ví dụ.
Trong chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện, có bản sắc văn hóa, cần lấy sách và văn hóa đọc làm trọng tâm. Bởi kho tàng văn hóa, lịch sử dân tộc rất đồ sộ, cần có một quảng thời gian dài để đọc, ngẫm, thấm qua mỗi trang sách.
Thanh Phương / Công lý
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-la-chia-khoa-van-nang-mo-ra-moi-canh-cua-post1422434.html