Sách là nguồn sáng của trí tuệ và tâm hồn
Ma Văn Kháng
1. “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Hẳn nhiều người đã biết đó là một câu nói trích từ cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Alexeevich Ostrovsky. Câu nói này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần trong các bài nói với toàn Đảng về phẩm chất cách mạng, lối sống và lý tưởng của người đảng viên. Một câu nói được coi như phương châm sống trong một cuốn sách khắc họa thành công nhân vật anh hùng trong bão táp cách mạng, một cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Xô Viết trong nội chiến sau Cách mạng tháng Mười Nga và trong chiến tranh Vệ quốc Liên Xô. Một cuốn sách trong balô với súng đạn ra trận cùng lớp thanh niên Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.
Sách, đặc biệt là những cuốn sách lớn, như trước tác của Các Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh, của các danh nhân, văn hào, trí thức lớn, thật sự là nguồn sáng của trí tuệ và tâm hồn. Sách có vị trí quan trọng như vậy, nhưng theo thống kê năm 2016 của cơ quan có trách nhiệm thì thấy người Việt Nam đọc sách còn ít so với nhiều nước trên thế giới. Chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% hoàn toàn không đọc sách. Còn tại hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm Ngày sách Việt Nam, diễn ra ngày 18-4-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi ấy đã nói: “Nếu công chức dành thời gian để đọc, trước tiên là đọc văn bản rồi đọc sách, thì công việc của họ sẽ có được kết quả tốt hơn nhiều” và ông cho rằng công chức nhà nước đang còn rất lười đọc, ngay cả đọc văn bản liên quan tới công việc của mình.
2. Viết bài này, tôi không có ý thanh minh cho tình trạng gọi chung là lười đọc sách của cán bộ ta. Thời bao cấp, tôi làm thư ký riêng cho một đồng chí bí thư tỉnh ủy. Đồng chí rất yêu văn chương, nghệ thuật. Hồi trẻ còn đi học đã biết đến các tác phẩm văn học của thế giới như “Không gia đình”, “Những người khốn khổ”, “Tam quốc diễn nghĩa”… Đi công tác, đồng chí cũng thuộc nhiều bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. Nhưng nay ở cương vị bí thư một tỉnh miền núi thì chẳng có thời gian ngó ngàng đến những cuốn sách mà mình yêu thích nữa. Nói ngay đến sách, báo có quan hệ sát sườn đến công việc của mình cũng vậy. Tạp chí Học tập, các sách lý luận chính trị trên gửi, các tác giả kính biếu chất chồng hằng ngày trên bàn làm việc. Làm gì có thời giờ mà đọc. Đồng chí bảo tôi: Cậu đọc giùm mình, thấy ý nào hay, cần thiết thì gạch chân, đánh dấu bút chì xanh, đỏ, hoặc nói lại để sau này mình biết rồi đọc vậy. Mình thích đọc sách lắm! Đó là một cách hưởng thụ văn hóa và nâng cao hiểu biết. Nhưng khổ nỗi là bận quá. Bận quá!
Tình trạng bấn bíu không có thì giờ đọc sách tự học của cán bộ ta đến nay có cải thiện được không? Tôi không chắc. Ngày nay, hãy khoan, không nói đến việc thời gian bị chi phối bởi các phương tiện thông tin, đặc biệt là mạng internet, khiến tình trạng lười đọc sách có thêm một lý do để trở thành một căn bệnh trầm kha. Tôi muốn nói đến nhịp sống hối hả của guồng máy kinh tế - xã hội, chưa kể thời gian lo chống dịch Covid-19, đang cuốn mọi người vào, khiến cho nói đến đọc sách nghe chừng là việc làm xa xỉ!
3. Người Việt mình hiểu giá trị của tri thức lắm. “Kho vàng không bằng một nang chữ”. “Nhân bất học bất tri lý”. “Người không học như ngọc không mài”. “Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ”... Là những câu ca dao ai cũng thuộc lòng.
Hồ Chủ tịch là tấm gương tự học lớn. Người từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu”. “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin”, câu thơ đã hình tượng hóa việc Bác đọc trước tác của Lênin mà tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Theo Người, bất luận làm công việc gì cũng phải đọc sách. Ngày 1-9-1961, tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Người tâm sự: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông, 17 tuổi tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Vậy mà sau này, nhà nghiên cứu Vassiliev trân trọng khẳng định: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.
Vậy thì vấn đề đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên là phải chủ động điều chỉnh nhịp điệu cuộc sống, công việc của mình. Sống chậm lại, hài hòa giữa các nhu cầu cuộc sống. Trong đó, không thể không có sự phân bổ thời gian cho việc đọc sách tự học, kết hợp hưởng thụ và nâng cao trình độ. Tự học, đọc sách là con đường lớn mỗi người nhất thiết phải qua nếu muốn tiến kịp yêu cầu của cuộc sống hôm nay.