Sách nói có bản quyền: Xu hướng cần nắm bắt
Bên cạnh sách điện tử, thời gian gần đây, sách nói đang được người yêu sách đón nhận và chọn là một trong những phương thức để tiếp cận thông tin, kiến thức, giải trí khi ở nhà. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wewe - đơn vị phát triển ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM cho rằng, sách nói là xu hướng đọc mà Việt Nam cần nắm bắt, phát triển.
Ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM thu hút nhiều giọng đọc hấp dẫn, truyền cảm.
- Được đào tạo về kinh tế, tại sao ông lại quan tâm và quyết định hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách, nhất là phát triển sách nói?
- Từ thời sinh viên, tôi đã thích học qua âm thanh. Vì thế, mỗi ngày tôi thường dành 2 giờ nghe sách và lĩnh hội được nhiều kiến thức ở đó. Tôi cũng đọc nhiều nghiên cứu, thấy rằng 30% dân số thế giới có khả năng học nhanh qua việc nghe âm thanh, còn lại là nhìn và thực hành. Do đó, tôi muốn dấn thân vào công việc này để lan tỏa đến bạn bè và những người xung quanh.
- Công ty Wewe khởi nghiệp với Voiz FM, ứng dụng nói chuyện theo chủ đề và hiện đang nắm bản quyền sách nói hiếm hoi này tại Việt Nam. Ông có thể giới thiệu kỹ hơn về ứng dụng này?
- Voiz FM ra đời, khi trên thị trường đã có nhiều ứng dụng sách nói khác. Với mục tiêu để người yêu sách được tiếp cận với hình thức nghe sách chính thống và chất lượng, Voiz FM sẽ cho mọi người học tập và giải trí bằng âm thanh theo tiêu chuẩn quốc tế mọi lúc, mọi nơi, với hơn 1.000 nội dung đều có bản quyền, theo chủ đề đa dạng, như kỹ năng, đầu tư, kinh tế, lãnh đạo, khởi nghiệp, gia đình, văn học, giải trí… Để sản xuất nội dung, chúng tôi phải khảo sát nhu cầu của người dùng, thương lượng và ký kết bản quyền, tuyển chọn giọng đọc, thiết kế bìa… Người trải nghiệm có thể chọn giọng nghe theo ý thích, tải nội dung về máy, ghi nhớ vị trí đang nghe, được gợi ý nội dung nghe theo sở thích và xu hướng...
- Tại sao các ông lại lựa chọn đi theo con đường sách nói có bản quyền?
- Ngay từ khi bước vào hoạt động, chúng tôi đã xác định giá trị cốt lõi là sự chính trực. Vì thế, Voiz FM muốn đem lại sự công bằng cho tác giả, các đơn vị xuất bản, phát hành. Thực ra việc này rất khó khăn, vì nhiều người vẫn thích nghe miễn phí, tuy nhiên chúng tôi nhìn vào giá trị lâu dài và mong muốn nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Hiện tại, Voiz FM nhận được sự ủng hộ của Cục Xuất bản, in và phát hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời ký kết hợp tác với nhiều đơn vị xuất bản uy tín của Việt Nam, như Sài Gòn Books, Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Alphabooks, Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Văn học… để đưa đến nhiều tác phẩm thú vị, bổ ích cho người nghe.
- Được biết, Voiz FM ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thực hiện nội dung, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Chúng tôi đã và đang nghiên cứu ra công cụ để đọc sách với giọng đọc dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà vẫn giữ được sự tự nhiên, truyền cảm. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, chúng tôi sẽ rút ngắn quá trình sản xuất sách nói, mang đến nhiều gợi ý lựa chọn trải nghiệm hơn cho người dùng, cũng như chi phí được tối ưu hơn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang trong những khâu cuối cùng để cho ra giọng đọc trí tuệ nhân tạo tốt nhất và dự định đưa vào sản xuất giữa năm 2020.
- Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng của mọi người là ở nhà và tìm các phương tiện học tập, giải trí trên mạng. Các ông có những hành động gì để mở rộng, giới thiệu và phục vụ người yêu sách thông qua ứng dụng của mình?
- Đúng là trong thời gian gần đây, ứng dụng của chúng tôi có sự tăng trưởng đột biến, tăng 200% số lượng người dùng và tăng 100% thời lượng nghe. Đồng hành và cổ vũ cộng đồng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, Voiz FM đã mở ứng dụng để mọi người sử dụng miễn phí hàng trăm tựa sách bổ ích. Chúng tôi nhận thấy, người dùng có xu hướng nghe nội dung về phát triển bản thân, kỹ năng mới, vì vậy chúng tôi sẽ tăng cường phát triển những nội dung này.
- Theo ông, xu hướng của người yêu sách trong thời đại 4.0 là gì và sách nói có vị trí như thế nào?
- Theo thống kê tại ứng dụng của chúng tôi, hiện tại mỗi người dùng dành khoảng 60 phút mỗi ngày để nghe nội dung. Thời gian nghe của họ vẫn đang tăng lên cho thấy, ngoài việc đọc sách in thì nghe sách là một phần quan trọng với mỗi người trong thời đại số. Cuộc sống hiện đại khiến mỗi người ngày càng trở nên bận rộn và họ phải tranh thủ thời gian để tiếp cận thông tin, học tập, giải trí... Sách nói giúp mọi người nghe ngay cả trong những lúc đang di chuyển, làm việc nhà, tập thể dục hay trông con...
- Ông nhận định thế nào về sự phát triển của sách nói có bản quyền ở Việt Nam hiện nay?
- Sách nói, đặc biệt sách nói có bản quyền chính là xu hướng tiếp cận tri thức, giải trí thịnh hành trên thế giới, đã và đang phát triển thành ngành Công nghiệp tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và sắp tới là Đông Nam Á. Song, ở Việt Nam, sách nói chưa trở thành lĩnh vực chuyên nghiệp. Hầu hết sách nói thời gian qua là sản xuất tự phát hoặc dành cho người khiếm thị. Gần đây có xuất hiện một vài tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng chưa bài bản. Tôi hy vọng, thời gian tới, sách nói sẽ có nhiều đơn vị chung tay phát triển. Bởi, đây vừa là cách để đưa tác phẩm mới đến với độc giả, vừa bảo đảm công tác bản quyền, đồng thời tạo sự trải nghiệm đa dạng cho người yêu sách, cũng như phát triển văn hóa đọc trong thời đại mới.
- Trân trọng cảm ơn ông!