Sạch quá hóa khổ
Trước đây, khi mới lập gia đình với Mai, vợ anh Nam bây giờ, ai cũng khen anh tốt số, lấy được cô vợ đảm đang, ngăn nắp. Lúc ấy, chính anh Nam cũng công nhận mình…may thật. Nhưng lấy vợ về rồi, nhiều khi anh Nam mệt mỏi đến phát ốm chỉ vì cái tính sạch từng li từng tí của vợ mình.
Mọi người đến nhà anh Nam lần đầu đều khen nức nở bởi mọi thứ trong nhà sạch sẽ vô cùng. Nhưng sau cái ấn tượng ban đầu ấy, hầu hết không ai muốn quay lại vì sợ vô tình phạm lỗi “mất vệ sinh” trong căn nhà “sạch không tì vết” đó. Điều ấy cũng chính là nỗi phiền muộn của anh Nam, nỗi phiền muộn đến từ một người vợ quá sạch sẽ và ngăn nắp. Theo như lời anh Nam, chị Mai là một người phụ nữ của gia đình, chị chu đáo mọi việc trong nhà. Anh hầu như không có gì phàn nàn về vợ, chỉ duy một điều anh thấy sợ cái tính sạch sẽ đến thái quá của chị. Mọi thứ trong nhà lúc nào cũng phải sáng bóng lên. Ngại nhất là mỗi lần có khách đến chơi, dù đang bận làm gì chị Mai cũng chạy lên nhà ngó nghiêng xem khách để giày dép có đúng chỗ không, nếu sai là chạy ra xếp lại cho gọn gàng. Nếu phát hiện thấy dấu giày, dẫu khách đang ngồi trong nhà, chị Mai vẫn lúi húi lau dọn ngay tức khắc, điều đó không ít lần khiến anh Nam ngượng chín cả mặt.
Mặc dù có con nhỏ nhưng nhà anh Nam không lúc nào có mùi khai, mùi nôn trớ. Hai đứa con lúc nào cũng như búp bê bày trong tủ kính, thơm nức. Có vợ đảm đang, ai cũng nghĩ anh Nam về nhà sẽ được nằm khểnh, xem ti vi, đọc báo, đợi đến giờ cơm. Nhưng khổ nỗi, vừa làm, chị Mai vừa nói. Lau nhà thì ca cẩm bố con bừa bãi, bẩn thỉu, giặt quần áo thì lầu bầu: “con nghịch, chồng lê la”. Đến tối, cả nhà chuẩn bị lên giường thì chị Mai lại tiếp tục la hét “chồng đánh răng chưa kĩ, con rửa không chân sạch…”. Do sự sạch sẽ của con dâu mà mẹ anh Nam cũng ngại lên nhà con trai chơi. Mặc dù vợ anh luôn nói nhẹ, cười hiền với mẹ chồng, nhưng bà không thể chịu được việc, hễ bà làm bất cứ việc gì, chị Hoài cũng cầm theo cái khăn để lau, nhặt cho bằng hết những thứ rơi vãi, ngày nào chị Mai cũng nhắc mẹ chồng cách giặt từ cái tã, cách phơi cái khăn màn, cho đến cả việc rửa tráng cái thìa pha sữa cho con... Cũng chính vì vợ quá kĩ tính mà con anh Nam chẳng được trẻ hàng xóm thích. Bởi cứ đứa nào đến, chị Mai lại bắt đi rửa tay mới được đụng vào em. Đồ chơi sau khi bọn trẻ sờ vào chị cũng đi lau rửa lại cho sạch bóng.
Tất nhiên, hai đứa con của anh chị không được ra ngoài vì mẹ sợ dính bẩn, nhiễm bụi. Họ hàng, người thân tới chơi cũng không ít lần “hãi hùng” trước những phản ứng thái quá của chị Mai khi họ vô tình làm điều gì đó khiến chị cho rằng “không sạch sẽ”. Dịp tết vừa rồi về quê, anh có hỏi mấy ông anh họ sao dạo này không thấy tới nhà chơi, họ tếu táo đáp lại làm anh không còn lỗ nẻ nào mà chui: “Đến nhà chú chúng tôi không biết nên đứng hay nên ngồi, chỉ sợ không may động tay, động chân làm “mất vệ sinh” cái gì lại khổ cô ấy lau dọn cả ngày”. Anh Nam ngao ngán: “Chẳng nhẽ lại nổi khùng, chì chiết vợ chỉ vì vợ sạch sẽ? Nhưng thực sự gần 10 năm qua, tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì sự gọn gàng, sạch sẽ của vợ. Nhà tôi sạch nhưng không ấm. Vợ tôi đảm đang nhưng quá chỉn chu. Thậm chí có lần tôi muốn li hôn cho dễ thở nhưng chả nhẽ lại nói nguyên nhân vì vợ quá sạch, quá chu toàn. Tôi chỉ ước, nhà mình hơi bừa bộn tí nhưng gần gũi, ấm cúng…”.
Vấn đề mà anh Nam đang gặp phải cũng là câu chuyện mà gia đình chị Hương đang trải qua, chỉ khác nhau ở chỗ, người sạch đến mức “quá đà” lại là anh Khải - chồng chị Hương. Kết hôn được 6 năm là chừng đó thời gian chị sống trong cảm xúc vừa muốn níu giữ hôn nhân, vừa muốn buông bỏ. “Chồng người thì bẩn, chồng mình thì quá sạch đến độ mình bị áp lực”, chị Hương chia sẻ. Chị Hương thường xuyên cảm thấy bị ức chế khi trước mỗi bữa ăn chồng cứ chạy đôn chạy đáo đun nước sôi để trụng lại bát đũa rồi tìm bằng được chiếc khăn trắng để lau đi lau lại. Nhìn công việc ngày nào cũng như ngày nào ấy của anh Khải, chị Hương cứ ngỡ mình là người cẩu thả, vụng về lắm vậy. Chưa kể, đến lúc ăn, chị còn bị tra tấn hơn khi ánh mắt anh cứ dò xét hết món này đến món kia. Anh kĩ tính từ chuyện rau rửa có sạch không đến thức ăn mua ở đâu, có tươi ngon không? Chỉ cần thấy nhà cửa bụi bặm là anh lập tức cau mày, la ó. Có lần, chị Hương lỡ làm đổ chút nước trà ra bàn khi rót mời nước khách, anh cũng không giữ ý cho vợ mà cằn nhằn ngay: “Đàn bà mà vụng hết chỗ nói” khiến chị cảm thấy ngượng ngùng, tủi thân trước mặt mọi người.
Thiết nghĩ, sự sạch sẽ thuộc về tính cách mỗi người. Nhưng bằng tình yêu, các cặp đôi hoàn toàn có thể đối thoại cùng nhau về vấn đề này. Nếu muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, cả hai cần thay đổi. Và sự cảm thông, cùng nhìn vào một hướng sẽ giúp cả hai “dễ thở” hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=140342