Sách tôn giáo được miễn trừ trong cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung

Trang Christianity Today dẫn lời chính quyền Mỹ cho biết sách Cơ đốc giáo được in tại Trung Quốc vẫn được miễn thuế.

Các nhà xuất bản Cơ đốc giáo Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm, ít nhất là hiện tại, khi nói đến tác động của cuộc chiến thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo email ngày 24/4 gửi cho Christianity Today từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), thuế quan đối ứng giữa Mỹ và nhiều quốc gia và thuế quan được áp đặt cụ thể đối với Trung Quốc đều không áp dụng cho Kinh thánh và các loại sách tôn giáo khác.

Sách tôn giáo ngoài vùng áp thuế

Khi chính quyền Mỹ triển khai kế hoạch áp thuế đối ứng vào tháng 4, các nhà xuất bản Cơ đốc giáo đã dành nhiều tuần để tìm cách ứng phó với "rất nhiều câu hỏi" và "rất nhiều sự không chắc chắn", Jeff Crosby, Chủ tịch Hiệp hội Nhà xuất bản Cơ đốc giáo cho biết.

Chính quyền Mỹ đã liệt kê sách, bao gồm cả Kinh thánh, là đối tượng được miễn thuế đối ứng do ông Trump công bố vào ngày 2/4.

Tuy nhiên, các loại thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được ban hành theo một luật riêng không nêu rõ Kinh thánh hoặc các tài liệu tôn giáo khác có được miễn thuế hay không.

Câu hỏi này không phải là vấn đề nhỏ. Theo một số thống kê, Trung Quốc chuyên về công nghệ in Kinh thánh trong nhiều thập kỷ, thậm chí sản xuất hơn 75% toàn bộ số Kinh thánh mới.

Các nhà xuất bản và phân phối Kinh thánh Mỹ từ lâu đã dựa vào Trung Quốc vì chi phí sản xuất rẻ hơn khiến Kinh thánh hợp túi tiền và dễ tiếp cận hơn.

Nhà sản xuất Kinh thánh lớn nhất nước Mỹ, Amity Printing Company, đã in 17 triệu bản trong 12 tháng qua. Amity cũng hợp tác với United Bible Societies để xuất khẩu Kinh thánh bằng 229 ngôn ngữ. Tính đến ngày 25/4, tổng số Kinh thánh họ in trong lịch sử 37 năm ra đời là 277 triệu cuốn.

Do vậy, CBP đã phải làm rõ thông điệp và cho biết loại thuế này cũng loại trừ danh mục "Kinh thánh, sách cầu nguyện và các sách tôn giáo khác".

Mối lo ngại của các nhà xuất bản Mỹ cũng đến từ việc Kinh thánh đang có nhu cầu rất cao trên thị trường trong những năm gần đây. Doanh số bán Kinh thánh nói chung ở Mỹ đã tăng 20% vào năm ngoái, thậm chí tăng 30% đối với một số nhà xuất bản.

Lo sợ về nguy cơ áp thuế hồi đầu tháng 4, Mark Schoenwald, Chủ tịch kiêm CEO nhánh xuất bản sách tôn giáo HarperCollins Christian Publishing, đã thông tin với The Wall Street Journal rằng họ nhanh chóng ra mắt một số bản dịch kinh sách mới, bao gồm bản Kinh thánh quốc tế mớiKinh thánh King James.

Nhưng vài tuần trôi qua, các nhà xuất bản Cơ đốc giáo vẫn tiếp tục chờ đợi sự rõ ràng. Tyndale House Publishers, một đơn vị chuyên phát hành sách kinh tại Mỹ, chia sẻ rằng: "Chúng tôi vẫn đang chờ Washington sắp xếp nhiều chi tiết liên quan". Devin Maddox, người đứng đầu nhà xuất bản Lifeway Christian Resources cũng cho biết đang "tiếp tục theo dõi tình hình rất phức tạp hiện nay".

 Bên trong Công ty in ấn Amity - Nhà sản xuất Kinh thánh lớn nhất thế giới. Ảnh: mscottbrauer.

Bên trong Công ty in ấn Amity - Nhà sản xuất Kinh thánh lớn nhất thế giới. Ảnh: mscottbrauer.

Tâm lý bất ổn vẫn bao trùm

Cho dù các nhà xuất bản tôn giáo đã nhận được xác nhận điều họ mong muốn, bầu không khí bất ổn vẫn bao trùm toàn ngành. Một số chuyên gia cảnh báo rằng chính quyền Trump đang đưa ra những tín hiệu trái chiều.

"Hiện tại, không có ranh giới rõ ràng về việc ai đang chỉ đạo" các mảng cụ thể của chính sách thuế quan trong chính quyền Mỹ "và người nào chịu trách nhiệm về phần nào", Stephen Kho, một luật sư thương mại quốc tế từng làm tại văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong chính quyền Clinton và George W. Bush, cho biết.

"Các quyết định được đưa ra hiện nay không tuân theo quy trình liên ngành thông thường. Trong khi đó, phần lớn quy trình hiện tại đến từ những gì đang diễn ra tại Nhà Trắng", Stephenn nói thêm.

Trong tuần qua, ông Trump đã nới lỏng lập trường của mình về thuế quan của Trung Quốc nói chung và cho biết các nước khác cũng có thể đàm phán mức thuế thấp hơn.

Trong khi quá trình đàm phán hiện diễn biến rất phức tạp thì thuế quan đối với giấy dùng để in sách luôn là mối lo ngại thường trực đối với các nhà xuất bản sau khi ông Trump công bố mức thuế quan tiềm năng đối với các sản phẩm liên quan đến gỗ, bao gồm cả giấy.

Hồi đầu tháng 3, ông Trump đã trích dẫn Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962 để khởi xướng cuộc điều tra thương mại mới nhằm vào ngành gỗ.

Trong số 1,82 tỷ USD giấy không tráng phủ được nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023, 67% đến từ Canada, theo Publishers Weekly. Trong khi thông tin mới nhất của CBP vẫn là họ chưa biết có bất kỳ mức thuế mới nào sẽ nhắm vào sách tôn giáo thì thông điệp này dường như vẫn chưa đủ khiến ngành sách tôn giáo hoàn toàn yên tâm.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-ton-giao-duoc-mien-tru-trong-cuoc-chien-thue-quan-my-trung-post1549833.html