Sadio Mane - từ cậu bé mồ côi cha đến biểu tượng của hy vọng
Sinh ra trong một ngôi làng có dân số chỉ vỏn vẹn gần 2.000 người, Mane vượt qua nỗi đau mất cha, bỏ nhà đi theo bóng đá trước khi bước lên đỉnh châu Âu trong màu áo Liverpool.
"Nơi tôi sinh ra, trở thành cầu thủ bóng đá nghĩa là bạn phải hy sinh mọi thứ", Sadio Mane chia sẻ trong trailer bộ phim tài liệu về cuộc đời anh mới được công bố cách đây không lâu. Đó không chỉ là ước mơ riêng Mane ấp ủ, mà còn của những cậu bé khoác lên mình chiếc áo in tên Andres Iniesta, Sergio Aguero, Edinson Cavani hay chính anh, người hùng của Senegal.
Không phải ai cũng có được sự nghiệp viên mãn như tiền đạo 27 tuổi. "Ngoài tài năng, Sadio còn may mắn. Không phải ai cũng đi tới đích, chỉ là họ vẫn muốn thử. Ở Bambali cũng như những nơi khác, Barcelona hoặc là chết. Ước mơ được ưu tiên hơn tất cả", Le Monde dẫn lời Omar Abdou Mendy, thầy cũ của Mane.
Cậu bé mồ côi cha bỏ nhà vì bóng đá
"Khi tôi lên 7, vào một ngày đang chuẩn bị bước vào trận đấu bóng bưởi cùng bọn trẻ trong làng, anh họ tôi bất ngờ chạy tới và nói lớn: 'Sadio, cha mày chết rồi'. 'Phải vậy không? Chắc anh đùa tôi chứ?', tôi trả lời. Lúc đó, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra", tiền đạo Liverpool chia sẻ với Guardian.
Trước khi cha của Mane qua đời, ông đã chống chọi với bệnh tật trong nhiều tuần. Gia đình đã cho ông dùng nhiều loại thuốc cổ truyền để kéo dài sự sống. Song, căn bệnh sớm trở lại và thứ thuốc ấy không còn tác dụng nữa. Khi đó, Bambali không có bệnh viện. Mane cùng mọi người phải đưa cha anh sang làng bên cạnh để xem họ có cứu được ông không. Mọi chuyện sau đó xảy ra không như anh mong muốn.
Mane tiết lộ: "Khi còn nhỏ, cha luôn nói rằng ông tự hào về tôi như thế nào. Ông ấy là người đàn ông có trái tim nhân hậu. Việc ông qua đời đã ảnh hưởng lớn đến tôi cũng như những người trong gia đình. Tôi tự nhủ: 'Giờ mình sẽ phải cố gắng hết sức để giúp đỡ mẹ'. Song, đó quả là một điều khó khăn khi bạn còn trẻ".
Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là tất cả những gì Mane mong muốn, nhưng anh đã thất bại trong việc thuyết phục gia đình ủng hộ mình đi theo con đường này. Tiền đạo Liverpool bỏ học và rời nhà để theo đuổi đam mê cùng người bạn thời thơ ấu Luc Djiboune năm 15 tuổi.
Sự quyết tâm và ước mơ cháy bỏng của cậu bé mất cha cuối cùng cũng thuyết phục được các thành viên trong gia đình. Khi Mane bỏ làng tới Dakar, thủ đô của Senegal, để tìm kiếm cơ hội, mẹ anh hiểu con trai bà sẽ không làm gì khác ngoài bóng đá.
Bước lên đỉnh châu Âu
Hành trình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của tiền đạo sinh năm 1992 bắt đầu khi anh ghi 4 bàn trong trận đấu thử ở học viện Generation Foot. Ông Mady Toure, đồng sáng lập của học viện, bị ấn tượng bởi tài năng của Mane trước khi đưa anh đến Pháp khoác áo Metz năm 2011. 18 tháng sau, cầu thủ này sang Áo để đầu quân cho RB Salzburg và có màn ra mắt ở đội U23 cũng như tuyển quốc gia Senegal.
HLV Juergen Klopp, thầy của Mane hiện tại, từng bỏ lỡ cơ hội chiêu mộ anh khi ông còn dẫn dắt Borussia Dortmund năm 2014. Chiến lược gia người Đức cho rằng Mane trông giống một "rapper" hơn cầu thủ bóng đá vì chiếc mũ anh đội trên đầu. Nhớ lại kỷ niệm này, tiền đạo người Senegal bật cười: "Đó là một phần của cuộc sống. Bạn chẳng bao giờ biết mình sẽ phải hòa nhập với mọi người thế nào. Song, tôi nghĩ Klopp đã sai. Đó cũng là kinh nghiệm để tôi nhận ra mình phải cho ông ấy thấy nhiều hơn".
Và mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Mane ghi 4 bàn sau 3 lần đối đầu với Liverpool trong màu áo Southampton, khiến cựu HLV Dortmund phải chiêu mộ anh về trước khi hình thành tam tấu Mane - Roberto Firmino - Mohamed Salah trên hàng công của Liverpool. Tuy nhiên, tài năng không phải điều ông ấn tượng nhất ở cầu thủ này.
"Điều khiến Mane trở nên đặc biệt là bởi cậu ấy không ngừng tin tưởng. Ở buổi họp đội trước trận bán kết lượt về Champions League 2018/19 với Barcelona (Liverpool thua 0-3 ở lượt đi - PV), Mane tin chắc rằng chúng tôi sẽ lội ngược dòng, kể cả khi mất Salah và Firmino. Cậu ấy đã chia sẻ mọi thứ có thể để giảm áp lực cho cả đội", HLV Klopp chia sẻ.
Phần còn lại là lịch sử. Đội chủ sân Anfield lội ngược dòng trước Barcelona trong trận đấu cảm xúc với cú đúp của Georginio Wijnaldum và Divock Origi. Gần một tháng sau, Liverpool đăng quang ngôi vô địch.
Các cầu thủ ăn mừng cuồng nhiệt trong phòng thay đồ sau chiến thắng. Cúp vô địch được mang diễu hành khắp các nẻo đường vùng Merseyside trong bầu không khí ngập tràn sắc đỏ. Song, với Mane, ngày người hâm mộ quê hương chào đón anh trở về có ý nghĩa hơn tất cả.
Biểu tượng của hy vọng
Dạo quanh thị trấn nơi những cổ động viên nối thành hàng dài để ăn mừng chiến công của người con xa nhà, Mane nhận ra một người phụ nữ lớn tuổi và hỏi tại sao bà không trả lời điện thoại của anh. "Bà có thể gọi cho con bất cứ lúc nào bà nhớ con. Bà đã có số điện thoại của con rồi mà", anh thắc mắc. Người phụ nữ hóm hỉnh trả lời: "Nhưng ta làm gì có điện thoại cơ chứ".
Sự giản dị và khiêm tốn đã dựng nên hình ảnh Mane như một người con của Bambali, thay vì ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới. Hiếm có cầu thủ nổi tiếng nào lại cho người hâm mộ số điện thoại để chia sẻ khó khăn khi cần. Và cũng ít người nhận mức lương 170.000 euro mỗi tuần nhưng vẫn dùng một chiếc iPhone vỡ màn hình.
Mane dành phần lớn thu nhập của mình cho những hoạt động thiện nguyện ở quê nhà. Anh từng lên tiếng chỉ trích chính phủ Senegal vì không quan tâm đến những ngôi làng hẻo lánh nằm xa thủ đô, nơi người dân không đủ cơm ăn, áo mặc hoặc không nhận được sự chăm sóc y tế cũng như giáo dục cần thiết.
Hai thập kỷ sau sự ra đi của người cha, bệnh viện của Mane khánh thành, cùng với đó là một ngôi trường để trẻ em ở Sedhiou, Senegal, nơi Ngân hàng Thế giới ước tính 70% dân số sống trong nghèo đói, có thể đi học. "Tôi nhớ em gái mình cũng được sinh ra trong nhà vì làng chúng tôi không có bệnh viện. Đó là nỗi buồn của mọi người. Tôi muốn xây dựng một thứ gì đó để mang đến niềm hy vọng", Mane chia sẻ.
Tiền đạo Liverpool cũng khẳng định học vấn là quan trọng nhất với những trẻ em ở Senegal lúc này, dù anh từng bỏ học để theo đuổi niềm đam mê bóng đá.
Mane nói: "Nếu có một ngôi trường tốt hơn khi còn nhỏ, có lẽ tôi đã học được nhiều thứ. Ở trong làng, mọi đứa trẻ đều muốn chơi bóng thay vì đi học. Song, tôi luôn nói với chúng rằng giáo dục phải là thứ được đặt lên trước tiên. Tất nhiên, chúng có thể chơi bóng nhưng nếu làm được cả hai, con đường đến với thành công sẽ ngắn hơn. Mọi thứ không còn giống như khi tôi còn nhỏ bởi hồi đó rất khó khăn".
Trước trận chung kết Champions League 2017/18 với Real Madrid, tiền đạo Liverpool gửi 300 chiếc áo đấu in tên anh về quê nhà. Những chiếc áo đó tới giờ vẫn được giữ lại. Người dân Bambali mặc chúng mỗi khi tụ tập để theo dõi Mane thi đấu qua màn hình TV ở nhà anh. Những đứa trẻ địa phương khoác chúng lên mình trong mỗi trận bóng đường phố, phô diễn kỹ thuật với lời khẳng định: "Ta là Sadio".
Từ cậu bé đá bóng bưởi trên mặt sân cát, tiền đạo Senegal trở thành biểu tượng của niềm hy vọng trong tim người hâm mộ quê nhà. Không người dân Bambali nào không biết đến Mane. Họ coi anh như một người con, người bạn, người anh trai trong gia đình. Mane trở thành hình mẫu của những đứa trẻ địa phương, là tấm gương cho việc theo đuổi ước mơ để thành công, nhưng vẫn giữ bản chất khiêm tốn và tấm lòng chân thành.