Sải bước ở Quảng trường Đỏ

Quảng trường Đỏ - trái tim và linh hồn của đất nước Nga rộng lớn, với những công trình kiến trúc huyền thoại gắn với nhiều sự kiện lịch sử, càng thêm hoành tráng mỗi dịp duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Chúng tôi có dịp sải bước trên con đường lát đá ở Quảng trường Đỏ (Moscow, LB Nga), trong lịch trình hoạt động của Diễn đàn Thanh niên Việt Nam - LB Nga năm 2019.

Ánh nắng của buổi sáng cuối thu càng tô thắm thêm những viên gạch, tường thành mang sắc đỏ của những công trình kiến trúc nơi đây. Sắc đỏ ấy đã góp phần tạo nên một cách hiểu về tên gọi của Quảng trường.

Tuy nhiên, “Đỏ” bắt nguồn từ tên gọi trong tiếng Nga “Krasnaya ploshchad”, Krasnaya nghĩa là màu đỏ và xa hơn, theo tiếng Nga cổ mang ý nghĩa “đẹp”. Bởi vậy, Quảng trường Đỏ, Hồng trường còn được gọi là Quảng trường Đẹp.

Quảng trường Đỏ có chiều dài gần 695m và rộng 130m, với nhiều công trình kiến trúc cũ và mới được kết hợp hài hòa, toát lên nét đẹp vừa cổ kiến, uy nghi vừa hiện đại, hoành tráng.

Đứng giữa quảng trường đủ để cảm nhận sự nguy nga của Điện Kremlin với tháp Spasskaya với đồng hồ Điện Kremlin hay chuông điện Kremlin; nhà thờ chính tòa thánh Vasily đậm phong cách Byzantine Nga; Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga..

Mỗi công trình một vẻ và đều trở thành những chỉ dấu cho du khách check-in khi đặt chân đến thủ đô Moscow của xứ sở Bạch Dương.

Nhà thờ chính tòa thánh Vasily, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga, Tháp đồng Hồ Spasskaya thuộc điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Nhà thờ chính tòa thánh Vasily, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga, Tháp đồng Hồ Spasskaya thuộc điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Trung tâm thương mại từ thế kỷ XIX đối diện với Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Trung tâm thương mại từ thế kỷ XIX đối diện với Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Điểm nhấn Lăng Lenin

Giữa không gian giao hòa của truyền thống và hiện đại, sôi động và tĩnh lặng ấy là dòng người xếp hàng chờ vào Lăng Lenin viếng vị lãnh tụ sáng lập Nhà nước Liên Xô và đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng vô sản thế giới. Mỗi ngày Lăng mở cửa từ 10 giờ đến 13 giờ, cùng hai ngày nghỉ lễ là thứ hai và thứ sáu.

Lăng Lenin có dạng hình kim tự tháp với các đường nét vuông thành sắc cạnh; có hai màu chủ đạo là đỏ và đen của các loại đá cẩm thạch, đá hoa cương, đá labrađo, đá thạch anh… Phía trên cửa Lăng, các phiến đá màu đen nối liền vấn quanh bốn mặt lăng, với điểm nhấn là hàng chữ LENIN bằng đá thạch anh màu đỏ được mài bóng.

Đỉnh của lăng là phiến đá thạch anh màu đỏ của vùng Karelia được đỡ bởi 36 cột vuông, trong đó bốn cột ở bốn góc mang màu đỏ, những cột còn lại có màu đen. Điều đặc biệt là những cây cột này được ốp từ các loại đá hoa cương khác nhau được lấy từ 7 nước cộng hòa của Liên Xô (cũ).

Trước khi vào lăng, chúng tôi được phổ biến tuân thủ quy định. May mắn là đại biểu theo đoàn nên tôi có thể mang theo balo to sụ lỉnh kỉnh máy ảnh, máy tính.

Một góc không gian Quảng trường Đỏ (năm 2019). Ảnh: Xuân Tùng

Một góc không gian Quảng trường Đỏ (năm 2019). Ảnh: Xuân Tùng

Khu vực Lăng được ngăn cách với không gian xung quanh bằng một hàng rào cao hơn đầu gối người lớn, được làm từ đá màu đen và xám mài bóng và hàng cây vân sam xanh tốt mang ý nghĩa thanh xuân vĩnh cữu, như hàng tiêu binh đứng gác. Bên trong khung cửa chính của Lăng, hình ảnh Quốc huy Liên Xô lấp lánh được chạm nổi.

Thi hài lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin đặt trong khối quan tài kính ở giữa Gian Tưởng niệm. Hai bên sườn của cỗ quan là quân kỳ và cờ búa liềm có dáng rủ xuống; phía đầu là hình Quốc huy Liên Xô được bao bởi hình cách điệu cành sồi và nguyệt quế là biểu tượng vinh quang và sự quả cảm.

Dù ghìm bước chân thật chậm, nhưng trong khoảng thời gian hơn một phút ánh nhìn của dòng người đều tập trung vào lãnh tụ Lenin, ít có ai kịp lia hết không gian đặc biệt của Gian Tưởng niệm.

Phải có sự giới thiệu, chia sẻ thêm từ những người bạn Nga mà những người lần đầu vào Lăng Lenin như nhiều người trong số chúng tôi mới hay, Gian Tưởng niệm được ốp đá labrađo màu xám và đen, các cột trụ tường được ốp đá thạch anh màu đỏ, được đánh bóng.

Cảm giác nhìn lên tường của gian phòng có sự hiện diện của những lá cờ đỏ rực phấp phới là vì người ta đã gắn những dải băng bằng thủy tinh smalt màu huyết dụ vào trong khối đá labrađo màu xám… Những phiến đá khảm thể hiện lá cờ do nhà máy chế tác đá kỹ thuật tinh xảo của xí nghiệp liên hiệp “Đá quý Nga” chế tạo.

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đặt vòng hoa và vào lăng viếng lãnh tụ Lenin, năm 2019. Ảnh: Xuân Tùng

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đặt vòng hoa và vào lăng viếng lãnh tụ Lenin, năm 2019. Ảnh: Xuân Tùng

Bên tường thành Điện Kremlin

Nối liền không gian Lăng Lenin là khu vực “nghĩa trang đỏ” – nơi an nghỉ của nhiều nhà cách mạng Nga và nước ngoài, các nhà lãnh đạo đảng, nhà lãnh đạo quân sự và những công dân nổi tiếng nhất của Nga và Liên Xô. Từ năm 1974, nghĩa trang đã được Nhà nước bảo vệ như một di tích lịch sử văn hóa.

Ở đây, có 12 phần mộ của tiền bối Cách mạng tháng Mười Nga, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Liên Xô, như: Stalin, Chernenlo, Brezhnev, Yuri Andropov… Mỗi phần mộ đều đầy đủ thông tin danh tính, năm sinh – năm mất và tượng chân dung, cùng tán xanh của vân sam thẳng tắp như chiến sĩ tiêu binh trang nghiêm canh giữ suốt bốn mùa.

12 phần mộ tiền bối Cách mạng tháng Mười Nga, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Liên Xô tại "Nghĩa trang đỏ" ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

12 phần mộ tiền bối Cách mạng tháng Mười Nga, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Liên Xô tại "Nghĩa trang đỏ" ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Dọc trên đoạn tường thành Điện Kremlin nằm giữa tháp Nikolskaya và Spasskaya (nhìn ra phía Bắc Quảng trường Đỏ), được nhiều người gọi tên “Bức tường những người cộng sản” hiện diện hàng bia đá hoa cương màu đen.

Mỗi tấm bia là một dòng tên tuổi của nhà cách mạng, lãnh đạo cộng sản như Jeno Landler người Hungary, Fritz Heckert người Đức, Charles Rutenberg người Mỹ, Sen Katayama người Nhật… ; và những người nổi tiếng như phi hành gia Yuri Gagarin. Dưới mỗi biển tên ấy là bồn bằng đá luôn có hoa tươi màu đỏ của người đến viếng.

Âm vang Quảng trường Đỏ

Trên Quảng trường Đỏ hàng trăm năm tuổi này, mỗi viên đá cổ đều trở thành chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử của đất nước Nga, cũng những biến đổi xoay vần của Liên bang Xô viết.

Trong thanh âm và sắc màu của những viên đá ấy chất chứa khí thế rầm rập, hùng dũng của những đoàn binh tiến thẳng ra mặt trận bảo vệ đất nước, những đoàn binh chiến thắng… Lặng sâu vào từng thớ đá ấy là bóng hình của những nụ hôn chia ly và hội ngộ, của biết bao tên tuổi từ khắp năm châu trên hành trình đến với đất nước của Cách mạng tháng Mười Nga, của lãnh tụ Lenin…

Những viên đá dẫn lối vào Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Những viên đá dẫn lối vào Quảng trường Đỏ. Ảnh: Xuân Tùng

Màu sơn trắng dọc dài trên nền Quảng trường Đỏ ấy khéo khơi gợi hình ảnh nền tuyết trắng xóa của cuộc duyệt binh huyền thoại diễn ra đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười thành công (7/11/1941) và phần lớn đội hình duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận.

Tham gia buổi duyệt binh lịch sử đó và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức trong những năm 1941 - 1945, có 7 chiến sĩ cách mạng Việt Nam: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo, Lý Phú San, Lý Văn Minh và Lý Chí Thống.

Đến ngày nay, những đường vạch sơn trắng, sơn vàng ấy “đến hẹn lại lên” dẫn lối cho các khối quân nhân và đoàn xe quân sự tiến vào Quảng trường Đỏ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5, đánh dấu chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Tại Quảng trường Đỏ, hàng năm, LB Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ảnh: Xuân Tùng

Tại Quảng trường Đỏ, hàng năm, LB Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ảnh: Xuân Tùng

Ngày 9/5, Liên bang Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025). Đội duyệt binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ đều những bước oai nghiêm trên Quảng trường Đỏ dịp này.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sai-buoc-o-quang-truong-do-post1740174.tpo