'Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam'
Nước non vẫn nước non nhà/ Sài Gòn - Ấn ngọc chói lòa phương Nam. Nhà thơ Lê Minh Quốc khép lại tập trường ca Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam (NXB Văn hóa - Văn nghệ 2020) bằng những câu thơ đậm phong vị ca dao như thế.
Trong tổng thể khá tự do của bản trường ca này, những câu thơ như vậy, tựa hồ muốn nói rằng Sài Gòn dù có hiện đại, có phát triển đến đâu, cuối cùng vẫn quay về mạch nguồn sâu xa của nó, nơi mà văn hóa, truyền thống vẫn tiếp biến, trao truyền lại và có sức sống mạnh mẽ đối với thế hệ mai sau.
Viết về một thành phố không dễ, viết về một nơi như Sài Gòn càng khó. Hơn 300 năm thăng trầm biến động, tích tựu lớp trầm tích văn hóa lịch sử. Làm sao để khơi nó dậy, làm sao để bạn đọc cảm nhận được tiến trình của nó đối với nhà thơ là một nhiệm vụ khó khăn.
Lê Minh Quốc bằng tâm tình của một người con xa xứ, chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai, để gửi vào tập trường ca này lòng ngưỡng mộ, sự biết ơn đối với mảnh đất cưu mang mình. Cái chất hào sảng, tự do của Sài Gòn đã đi vào thơ bằng những câu chân thật tựa lời nói, kỷ niệm hoa mộng, e ấp như tuổi học trò đã vào thơ như một vĩ thanh ngân mãi trong lòng những người con nặng tình với đất này. "Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam", tưởng chừng mỏng mảnh nhưng nặng ân tình.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/sai-gon-an-ngoc-phuong-nam-20200228220501694.htm