Sài Gòn có anh thợ cắt tóc tánh kỳ…
Là ông chủ chuỗi cắt tóc ở Sài Gòn với hơn chục tiệm nhưng vẫn đi thuê trọ để nhường nhà cho sinh viên ở miễn phí, ngày ngày cùng các đồng đội đi khắp nơi cắt tóc cho sinh viên, tài xế công nghệ với giá chỉ 2.000.
Anh học mới hết lớp 10, mẹ anh tảo tần một mình nuôi anh khôn lớn. Ngày vợ chồng dành dụm mua được căn nhà bên quận 3, anh chẳng ở, anh cho người lao động nghèo và sinh viên ở miễn phí cho đến khi ra trường. Còn vợ chồng anh vẫn đi ở trọ. Chuyện khó tin nhưng có thật giữa Sài Gòn.
“Hồi đầu em cũng sợ, sợ bị lừa đảo. Ngày mới vô Sài Gòn, em bị lừa vào ổ đa cấp, mất hơn 1 triệu. Trước đó em có đi khảo sát, tính thuê nhà trọ gần trường cho tiện việc học rồi làm thêm nhưng ở quận 3 này giá mỗi phòng nhỏ nhỏ cũng trên 3 triệu rồi, với gia đình em là số tiền lớn. Bữa thấy anh Thanh đăng bảo “Bạn nào thiếu chỗ ở thì qua, anh cho ở miễn phí”, em liều gọi xin. Lúc anh nhận lời cho ở, em sững sờ một lúc. Tới nhận phòng, thấy các bạn, em mới tin đó là sự thật. Hạnh phúc vô cùng!
Giờ em vừa học vừa tranh thủ đi làm thêm, chắc vài tháng tới em sẽ cố gắng kiếm tiền để không phiền ba mẹ nữa, có anh hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho tụi em là may mắn lắm rồi!” - Lê Văn Khánh (22 tuổi, sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật) nhớ lại.
Người đàn ông kỳ lạ trong câu chuyện trên là anh Nguyễn Hoài Thanh, 32 tuổi, ông chủ chuỗi cắt tóc ở TP.HCM. Nhiều người thương mến gọi anh là “Anh Hai Sài Gòn tánh kỳ”.
Căn nhà nằm im lìm trong con hẻm nhỏ đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM). Đi bộ xíu là ra mặt tiền đường lớn nên cũng tiện. Bên trong nhà rộng chừng 30 m2, trần nhà khá cao, thoáng và nhà vệ sinh riêng. Cửa sổ hút gió nên phòng giữa trưa vẫn mát rượi, chẳng cần xài tới điều hòa. Sâu phía trong có khu vực bếp, nhà tắm đủ cho các bạn sinh viên sinh hoạt. Khánh và bốn bạn nam sinh khác sống ở đây cũng ngót nghét nửa tháng rồi.
“Tụi em chỉ mang đồ cá nhân rồi vào ở thôi. Máy lạnh, giường tầng là anh Thanh trang bị trước đó rồi. Mấy bữa nữa tụi em tính mua bếp gas, đồ nấu nướng về tự nấu ăn, vừa ngon vừa tiết kiệm lại còn an toàn nữa. Bữa thấy tiệm cơm gà ghi giá 35.000, thấy ngoài hẻm có bày bàn ăn, nghĩ không vô tiệm, ăn ngoài đường vậy thì chắc giá rẻ hơn. Ai dè vô ăn hết 45.000, đau ví quá ” - Khánh cười.
Khánh có gương mặt điện ảnh ưa nhìn, chỉ có ánh mắt em buồn thăm thẳm. Khánh bảo hồi đầu mới vô Sài Gòn, em ở nhà người quen bên quận 12, học tận bên quận 1. Người thân thương em như con nhưng chặng đường gần 20 cây số, chạy xe máy “mệt xỉu”, em đã tính thuê trọ gần trường vừa tiện đi lại, tiết kiệm xăng xe, vừa để tìm việc làm thêm trang trải học hành, phụ giúp ba mẹ. Nhưng khi khảo sát giá phòng quận 3, quận 1 thấy mắc quá nên em cứ chần chừ mãi.
Em là con cả trong gia đình có ba anh em, em thứ hai mới vô lớp 10, bé út mới vào lớp 1. Mẹ em là nội trợ, tất cả tiền chi tiêu, học hành dồn hết vào những chuyến đi biển của ba. Bạn bè em lớp 8, lớp 9 đã nghỉ học đi biển rồi. Bằng tuổi em, nhiều bạn đã có vợ con đầy đủ.
“Ba mẹ em cũng từng nói hay em nghỉ học đi biển cùng ba. Ba em đi biển với người ta, mỗi tháng về một lần, công việc rất vất vả. Em nói với ba mẹ em muốn đi học, em ước mơ trở thành diễn viên. Có một giai đoạn gia đình em rất khó khăn, khủng hoảng kinh tế, em mất phương hướng nên nghỉ học, ở nhà đi làm phục vụ, lương tháng được hơn 4 triệu. Có bao nhiêu em đưa mẹ, vì đi làm vậy đâu có thời gian xài. Góp được khoản kha khá, em xin gia đình vào Sài Gòn học lại. Năm nay em 22 tuổi, là sinh viên năm nhất. Hiện tại em chỉ quan tâm tới tương lai thôi, vợ con gì tầm này” - Khánh chia sẻ.
Gần 12 giờ trưa, một người đàn ông nhỏ con, mặc bộ đồ màu cam, mồ hôi nhễ nhại chạy tới. Anh cười hiền queo chào tụi nhỏ. Mấy đứa cười: “Anh Thanh tới rồi”.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh tạt ngang xem tình hình, dặn dò tụi nhỏ việc cửa nẻo. Anh bảo tủ đồ cho mấy đứa anh đặt rồi, đợi hoàn thiện người ta mang qua. Ngó ngó xuống bếp, anh dặn tụi nhỏ nhớ nấu cơm ăn, anh đã kêu nhân viên lục kho lấy xoong nồi, bát đũa cho tụi nhỏ nấu ăn cho tiện.
“Hồi mấy tháng trước, dịch bệnh ảnh hưởng nặng lắm, tui tính bán nhà rồi đó chớ, đồ trong nhà cho hàng xóm hết. Chưa kịp bán thì đọc báo thấy tụi sinh viên cực quá, dịch dã vậy gia đình không có thu nhập, không tìm được chỗ trọ nên thôi tui cho tụi nó ở luôn miễn phí tới khi ra trường. Có chỗ này là nhà tui thôi, mấy chỗ bên quận Phú Nhuận, quận 8… là tui thuê mặt bằng làm ăn. Có trống vài phòng, cho thuê thì cũng được, nhưng thấy giúp được tụi nhỏ nên có bao nhiêu phòng là cho tụi nó ở “free” hết” - anh Thanh cười.
Năm sinh viên sống trong căn nhà của anh Thanh đến từ những vùng quê khác nhau, học ở những ngôi trường khác nhau và những hoàn cảnh gia đình khác nhau, như Khánh quê Quảng Ngãi, Anh quê Long An, Nhật Trình quê Quảng Trị, Xuân Vũ ở Quảng Nam…
Huỳnh Đức Anh là một trong những nam sinh lớn tuổi của phòng. 25 tuổi nhưng mới là sinh viên năm hai của Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM. Buổi trò chuyện ban đầu, nam sinh ấy cũng dè dặt, e ngại. Ngày trước kinh tế chưa có, không muốn trở thành gánh nặng của ba mẹ, Đức Anh đi làm thuê làm mướn khắp nơi, bươn chải đủ rồi, có kinh nghiệm, có chút tiền tích góp em quyết định quay lại học tiếp.
“Em học nghề điện lạnh. Hồi trước em thuê trọ trên quận 12 cho rẻ, có người ở ghép cùng để chia tiền phòng. Nhưng đường đi học xa quá. Em muốn học có cái nghề trong tay để đi làm, sau này có cơ hội em mong mở cơ sở riêng cho mình. Mẹ cũng động viên em đi học, còn trẻ nên học. Anh Thanh nói tụi em cứ ở đến khi ra trường, anh cho ở miễn phí, điện nước anh trả nốt, cần gì anh hỗ trợ. Nhưng tụi em bàn với nhau rồi, anh cho ở vậy là tụi em cám ơn lắm rồi, tiền điện nước xài hằng tháng tụi em cùng nhau chia sẻ với anh” - Đức Anh nói.
Lăn lộn ngoài xã hội từ nhỏ, bị lừa bị cướp, rồi được giúp đỡ, an ủi, anh nói xã hội dạy anh lớn khôn và cũng là người thầy lớn nhất cuộc đời anh, cho anh những trải nghiệm cùng sự trưởng thành.
Cuối năm 2018, anh mở tiệm cắt tóc đầu tiên. Gần bốn năm đi qua, từ cửa hàng cắt tóc nhỏ ban đầu với mỗi mình anh là thợ chính thì nay đã phát triển thành chuỗi với nhiều chi nhánh ở khắp các quận, huyện. Ngoài việc kinh doanh, khi thời gian cho phép là anh cùng đồng đội đi khắp các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, vùng sâu vùng xa cắt tóc miễn phí cho bà con, công nhân khó khăn theo chương trình của thành phố, Thành đoàn… Ý tưởng về mô hình cắt tóc với giá 2.000 cũng ra đời từ những ngày tháng đó.
Khi TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường mới, công việc kinh doanh bắt đầu vào guồng trở lại, anh Thanh cùng các cộng sự tiếp tục mở lại mô hình cắt tóc di động cho sinh viên với giá 2.000 đồng, với các tài xế xe công nghệ là 20.000 đồng.
“Nhiều người hỏi tại sao lại là 2.000 chứ không phải miễn phí. Thực ra trước đó tôi từng cắt tóc miễn phí rồi nhưng nhiều bạn sinh viên ngại. Thôi tôi để 2.000 tượng trưng, các bạn trả, tôi làm, các bạn cũng không áy náy” - ông chủ mô hình cắt tóc 2.000 đồng lý giải.
Anh kể ngày trước trong một lần đi cắt tóc cho cả ngàn sinh viên ở ký túc xá với giá 2.000 đã từng có người tới kiếm chuyện vì họ nghĩ anh phá “chén cơm” người khác. Ngày đó, anh và các nhân viên không dám ra ngoài đi ăn, đêm đến cũng thấp thỏm. “Nhưng mọi người động viên là mình giúp được ai thì mình giúp thôi. Số điện thoại nào gọi đến quấy rầy thì tôi không nghe nữa” - anh Thanh nhớ lại.
Anh Nguyễn Thanh Duy chạy xe ôm công nghệ đã hơn ba năm nay, tranh thủ xong việc, cũng tiện đường qua đây nên anh tắt app vào cắt tóc luôn. “Nhà tôi bên Bình Thạnh, tóc tôi ra nhanh tầm tháng rưỡi là phải đi cắt rồi. Bình thường chỗ khác cắt thì tầm 60.000-70.000, có nơi mắc hơn, trong khi chỗ này cắt có 20.000 thôi, đỡ nhiều lắm. Ví dụ, cắt tóc hết 70.000 đi, mà đây hết có 20.000 thì tiền dư, tôi có thêm tiền đổ xăng, ăn sáng. Bạn bè tôi có thêm tiền mua sữa, mua cháo cho con. Cắt rẻ vậy đó mà ảnh cắt kỹ lắm, nói chuyện dễ thương nữa, mình có yêu cầu gì thì nói ảnh, ảnh lo hết” - anh Duy cười.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở thành phố khiến cuộc sống của anh điêu đứng. Thực ra công việc chạy shipper là nghề tay trái, anh còn được biết đến là một YouTuber. Những tháng dịch bệnh phức tạp, đó là nguồn tiền giúp anh duy trì cuộc sống.
“Tôi về quê từ hồi tháng 4, ở nhà bảy tháng liền, tới tháng 11 mới trở lại Sài Gòn. Làm được vài tháng thì về quê ăn tết, tôi mới vô khoảng tuần nay thôi. Tôi đang thuê trọ mỗi tháng hết khoảng 2,6 triệu tiền phòng. Thường tôi chạy xe giao hàng từ 10 giờ trưa đến 9 giờ tối, trừ đi các khoản xăng xe, cơm… tôi còn dư hơn 200.000. Cuộc sống mưu sinh mà, giờ cái gì tiết kiệm được thì mình tiết kiệm phòng cho những khi khó khăn hơn” - anh Duy chia sẻ.
Nhiều sinh viên tới đây cắt tóc tâm sự các em biết tin về tiệm cắt tóc cho sinh viên với giá 2.000 đồng qua trang Facebook của anh Hoài Thanh. “Nhìn tiệm đẹp vậy, nếu bảo em vào để cắt tóc miễn phí thì em rất ngại. Nhưng anh ghi 2.000 đồng, tụi em mới dám vào. Ở quê, mỗi lần cắt tóc của em đã tốn 30.000-40.000 rồi. Ở Sài Gòn thì em chưa biết, em mới vào. Nhưng nghe bạn bè bảo cũng phải tầm 70.000, với chúng em đó là số tiền lớn” - một sinh viên trải lòng.
“Ngày xưa mình không có điều kiện học hành, giờ giúp được các bạn sinh viên đỡ được chi phí để yên tâm học tập thì cũng thấy an ủi rồi. Trong khi đó, các tài xế ra đường kiếm sống đâu có dễ dàng gì, bớt được cái nào đỡ cái đó, giúp được họ mình đã vui, để họ có điều kiện vun vén gia đình, cái đó mình còn vui gấp bội lần” - anh Thanh cười nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/sai-gon-co-anh-tho-cat-toc-tanh-ky-post670035.html