Sài Gòn còn bao nhiêu cây gòn?

Cho đến nay, tên gọi Sài Gòn bắt nguồn từ đâu vẫn còn đang gây tranh cãi. Một trong những cách lý giải tên gọi của thành phố hơn 300 năm tuổi là thời xa xưa vùng đất này có rất nhiều cây gòn (cây bông gòn) và cư dân thường dùng cành của loại cây này làm củi. Lâu dần thành tên thân thương, gần gũi và thiết thực với cuộc sống của mỗi gia đình vùng đất này (Sài Gòn: vùng đất có nhiều cây gòn, người dân thường dùng làm củi).

HÀNG GÒN TRONG NGÔI CỔ TỰ

Tại chùa Giác Lâm (ngôi chùa cổ xưa nhất TPHCM, được xây dựng cách đây hơn 270 năm, khi những di dân thuộc thế hệ đầu tiên đến vùng đất này khai hoang lập ấp, hiện nằm trên đường Lạc Long Quân, quận 11), tại cổng phụ của chùa còn 3 cây gòn cổ thụ xếp thành hàng thẳng tắp. Người dân mỗi ngày hai buổi sáng - chiều thường vào chùa để thư giãn, tập thểdục dưới tán 3 cây gòn tỏa bóng sum xuê.

Chú Phong (ngoài 60 tuổi) thường đến chùa cho biết, những cây gòn này không biết bao nhiêu tuổi, có lẽ cả trăm, từhồi chú còn nhỏ vào chùa đã thấy 3 cây gòn to lớn như vậy rồi. Hồi xưa, đến mùa quả gòn chín rụng, nhiều người lượm về gỡ bông để làm gối nằm, êm lắm.

Hỏi thăm một số người cao niên gần đó, họ cũng không biết những cây gòn này có từ bao giờ, chỉ biết là khi lớn lên đã thấy nó sừng sững như vậy, cũng chả rõ do trồng hay mọc tự nhiên. Cùng với 3 cây gòn, trong chùa Giác Lâm còn nhiều cây cổ thụ khác, phủ bóng cho ngôi cổ tự quanh năm mát mẻ, yên tĩnh, trong lành.

Ngay chân cầu Sơn nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (gần ngã tư Hàng Xanh) cũng còn 2 cây gòn cổ thụ đứng cạnh nhau, cao lớn hơn 3 cây gòn trong chùa Giác Lâm. Rất ít người nhận ra 2 cây gòn này, vì xung quanh bao bọc bởi nhà dân. Chỉ mỗi năm vào dịp tháng 3 khi những trái gòn bung nở rơi xuống, các sợi bông trắng tinh bay theo gió, người đi đường thấy lạngước nhìn mới biết đó là cây gòn.

Cách đó không xa, xuôi theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng ra Bình Triệu, ngay ven đường đoạn ngã năm Đài Liệt Sỹ có một cây gòn phải 2 người lớn ôm mới hết vòng gốc. Cây gòn này là cây xanh lớn nhất khu vực, cành lá vươn dài tỏa bóng mát cả một khoảng lớn nên thường là nơi dừng chân của người đi đường mỗi khi chờ đèn đỏ vào trưa nắng, hay người bán hàng rong nghỉ ngơi dưới bóng mát của cây.

Vẫn theo con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, băng qua cầu Bình Triệu vào đất Thủ Đức, thẳng theo Quốc lộ 13 hướng lên Lái Thiêu (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), hai bên đường trước đây có khá nhiều cây gòn vươn cành lá che mát đường.

Tiếc là gần đây những cây gòn đã bị đốn hạgần hết, chỉ còn duy nhất một cây nằm ven Quốc lộ 13 đoạn gần đối diện trụ sở UBND phường Hiệp Bình Phước, tán cây gòn này tỏa bóng mát cho tiệm tạp hóa phía dưới.

Vùng Thủ Đức cách đây vài chục năm về trước giống như thôn quê, ruộng vườn trải dài, kênh rạch chằng chịt, đất thấp, nhiều nước là điều kiện lýtưởng cho cây gòn phát triển. Vì thế, cây gòn hiện diện khắp mọi nơi, trong ngõ hẻm, ven kênh rạch, vườn nhà dân… Nhưng quá trình đô thị hóa, nhà cửa mọc lên san sát, cây gòn dần biến mất.

Ba cây gòn cổ thụ trong chùa Giác Lâm

Ba cây gòn cổ thụ trong chùa Giác Lâm

QUA ĐƯỜNG VẪN NHỚ

Người dân vùng Bình Thạnh, Gò Vấp thường qua lại cầu Hang Trong (giáp ranh giữa hai quận) có lẽ vẫn còn nhớ ngay chân cầu phía quận Bình Thạnh có một cây gòn đại thụ, sừng sững cao lớn như “cột chống trời”.

Hàng năm vào dịp hoa nở, kết trái, rồi hàng ngàn quả gòn như những trái chuối mập mạp đung đưa trên cành mỗi khi gió thoảng qua, nhìn thật thích mắt. Cách đây khoảng 2 năm, khi mở rộng cầu Hang Trong và đường Phan Văn Trị để giải tỏa “nút cổ chai” giao thông khu vực này, cây gòn đại thụđã bị đốn hạ, khiến nhiều người tiếc ngẩn ngơ.

“Cây gòn cổ thụ như chứng nhân cho vùng đất này, giờ mỗi lần đi qua cầu, như thói quen tôi vẫn nhìn về vị trí cây gòn trước kia, nhưng giờ không còn nữa”, dì Lan - một người dân sống trong khu vực tiếc nuối.

Một công trình kiến trúc nổi tiếng của Sài Gòn xưa là cầu Bình Lợi - cây cầu vòm sắt hơn 100 tuổi bắc qua sông Sài Gòn cho xe lửa chạy, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn với thiết kế đẹp.

Ngay chân cầu phía quận Bình Thạnh có cả một “rừng” gòn, trong đó có nhiều cây cổ thụ, phía dưới là những cây con. Mới đây, cùng với việc xây cầu đường sắt Bình Lợi mới thay thế cầu cũ xuống cấp và độ tĩnh không thấp cản trở tàu thuyền lớn lưu thông qua, “rừng” gòn này đã bị phá hết.

Cầu đường sắt Bình Lợi mới đã thông xe vào tháng 9-2019, cùng với những cây gòn soi bóng sông Sài Gòn, cây cầu vòm sắt Bình Lợi cũng sẽ được tháo dỡ khiến nhiều người hụt hẫng. Rất may chính quyền thành phố đã quyết định giữ lại một nhịp ven bờ để bảo tồn, nhắc nhớ thế hệ sau.

Cây gòn mọc tự nhiên, hoang dã, không phải cây do ngành công viên cây xanh trồng, có đánh số quản lý mà thống kê được còn bao nhiều cây. Tuy nhiên, có thể khẳng định loại cây này vẫn còn khá nhiều, nhất là các khu vực ngoại thành, ven kênh rạch của thành phố, chỉ là chúng ta không để ý mà thôi. Nhưng một ngày nào đó đi trên đường, bất chợt ngước nhìn lên thấy quả gòn lủng lẳng trên cành hoặc những sợi bông trắng tinh bay như tuyết, khi đó mới nhận ra.

Tên gọi Sài Gòn đã quá đỗi thân thương với mỗi người dân, du khách và những cây gòn giản dị mọc hoang dại rất nhiều ở vùng đất này xưa kia đã trở nên thiết thực với những di dân buổi đầu khai hoang lập ấp, cho góc bếp của mỗi ngôi nhà bừng sáng, hay giấc ngủ thêm êm ái với những chiếc gối bông gòn; để các thế hệ nối tiếp nhau gây dựng Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh vươn mình trở thành “hòn ngọc Viễn Đông”, đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước.

Anh Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/sai-gon-con-bao-nhieu-cay-gon_86577.html