Sai phạm lĩnh vực TN&MT khá nhiều nhưng chưa xử lý dứt điểm
Chiều 8/11, Đoàn Giám sát chuyên đề tình hình và kết quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính HĐND tỉnh do Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Trọng Nhiệu dẫn đầu có buổi làm việc với Sở TN&MT Hà Tĩnh để ngheo báo cáo thực thi pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Từ 7/2013 đến 9/2017, Sở TN&MT đã ra 184 quyết định xử phạt đối với 69 cá nhân và 115 tổ chức. Tổng số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, đã thi hành 181 quyết định, thu gần 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở còn tham gia phối hợp với nhiều đơn vị để kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ngành quản lý. Qua đó, nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp tổ chức tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực quản lý.
Các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trong thời gian qua chủ yếu xảy ra là vi phạm về sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất, cho thuê đất không đúng quy định; không thực hiện đầy đủ theo cam kết bảo vệ môi trường, không thực hiện quan trắc môi trường, xả thải trái quy định; khai thác khoáng sản không đúng thiết kế, khai thác trái phép.
Về cơ bản, các sai phạm đã được phát hiện xử lý nghiêm theo pháp luật, góp phần kịp thời chẩn chỉnh các sai phạm.
Tuy vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngành vẫn đang còn nhiều tồn tại như: Công tác thanh, kiểm tra chưa thường xuyên, kịp thời, các sai phạm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương chưa được kiểm tra, xử lý dứt điểm; sau thanh, kiểm tra, việc theo dõi, đôn đốc xử lý các tồn tại còn chậm; nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, có nơi buông lỏng quản lý; ý thức chấp hành của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm, còn chống đối, trốn tránh…
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cho rằng, TN&MT là lĩnh vực lớn, nhiều vi phạm nhưng công tác xử lý, số vụ xử phạt còn quá ít, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn; các dự án chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả bị thu hồi đất nhưng diện tích đất sau khi thu hồi chưa được bố trí, khai thác gây lãng phí; còn tình trạng áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong hồ sơ xử phạt chưa đúng quy định.
Các đại biểu cũng đề nghị Sở TN&MT tiếp tục làm rõ về một số vấn đề trong quá trình thực thi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực; công tác tập huấn chuyên sâu cho cán bộ có thẩm quyền xử phạt, công tác hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện quản lý, xử lý vi phạm; những vụ vi phạm lớn thuộc thành phần đối tượng nào, thuộc cấp nào quản lý? …
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu chia sẻ những khó khăn với ngành TN&MT trong việc xử lý vi phạm hành chính, đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của đơn vị để báo cáo HĐND tỉnh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đề nghị, thời gian tới, Sở TN&MT cần tăng cường công tác tham mưu UBND tỉnh để phát hiện, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực. Mặc dù lực lượng thanh tra của đơn vị còn mỏng, nhưng hàng năm, Sở vẫn cần tổ chức các chuyên đề giám sát để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, xử lý vi phạm về tài nguyên, môi trường.