Sai phạm tại Sở KH-CN Quảng Ngãi - bài 1: Nhiều đề tài nghiên cứu 'ngốn' tiền tỉ nhưng không hiệu quả

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

LTS: Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn giúp người dân nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập. Tuy nhiên, nhiều đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN) vừa được cơ quan chức năng phát hiện có nhiều sai phạm, gây lãng phí nguồn ngân sách, không phát huy hiệu quả. Báo Đại biểu Nhân dân có loạt bài phản ánh, phân tích về thực trạng này.

Sản xuất giống sắn khi chưa được phép lưu hành

Theo thông báo kết luận nội dung tố cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký ban hành ngày 8.12.2023 xác định, ông Nguyễn văn Thành – Giám đốc Sở KH-CN Quảng Ngãi đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giao cho ông Phạm Xuân Hội – Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp làm chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ đề tài cấp tỉnh: "Tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại Quảng Ngãi".

Nhiều sai phạm trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Sở KH-CN Quảng Ngãi

Nhiều sai phạm trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Sở KH-CN Quảng Ngãi

Theo đó, đã triển khai sản xuất 2 giống sắn HN3, HN5 tại các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh vào năm 2022 với diện tích 2,3 ha; tại các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành vào năm 2023 với diện tích 15 ha khi chưa được phép lưu hành tại tỉnh Quảng Ngãi, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Kết luận xác định nội dung tố cáo này là đúng.

Được biết, quá trình thực hiện đề tài khoa học này, ngân sách đã chi hàng trăm triệu đồng để mua giống, cấp phát trồng với diện tích hàng chục hecta tại các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành.

Trong đó, đối với diện tích khoảng 1ha tại xã Sơn Trung (Sơn Hà) không nằm trong phạm vi và nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh “tuyển chọn nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khám lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi” mà bản chất là hành vi “khảo nghiệm giống cây trồng” được thực hiện trong khuôn khổ Hợp đồng khảo nghiệm giống sắn kháng bệnh khám lá năm 2022 giữa Viện Di truyền Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Hà.

Việc ông Thành kết luận và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xác định 1 ha giống sắn HN3, HN5 tại huyện Sơn Hà thuộc nội dung của đề tài nghiên cứu: “tuyển chọn nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khám lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi”vi phạm quy định.

Lãng phí ngân sách, người dân “ôm nợ” vì cây Sachi

Ngoài ra, ông Thành còn được xác định đã tham mưu chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: "Thực nghiệm mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Sacha inchi theo chuỗi giá trị tại huyện Ba Tơ và Trà Bồng" khi giống dược liệu Sacha inchi (giống S18)chưa được phép lưu hành tại tỉnh Quảng Ngãi.

Hoang tàn những công trình nghiên cứu được đầu tư hàng tỷ đồng tại Trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ (thuộc Sở KH-CN, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành)

Hoang tàn những công trình nghiên cứu được đầu tư hàng tỷ đồng tại Trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ (thuộc Sở KH-CN, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành)

Việc giống dược liệu Sacha inchi chưa được phép lưu hành, không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề tài. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau 40 tháng thực hiện, đề tài khoa học này được đánh giá nhiệm vụ không hoàn thành. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

Theo tìm hiểu của PV, dự án trồng thực nghiệm cây Sachi ở huyện Ba Tơ được triển khai tại 3 xã gồm: Ba Tô, Ba Tiêu, Ba Động, có tổng diện tích hơn 11,6ha, với 14 hộ và một tổ chức tham gia. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 2,3 tỷ đồng, gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,63 tỷ đồng, còn lại là người dân tham gia đóng góp. Kết quả là cây trồng chết héo, người dân “đổ nợ”, ngân sách nhà nước bị lãng phí.

Trong báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện dự án trồng cây Sachi của UBND huyện Ba Tơ (tại 2 văn bản số 487/BC-UBND và 491/BC-UBND) xác nhận, kết quả thực hiện cho thấy dự án trồng thực nghiệm cây Sachi không đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, không đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan của huyện này rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, theo thông báo kết luận số 604 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Thành còn tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh cho 9 cơ quan không đúng quy định; Tham mưu chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh cho 15 cơ quan không có chức năng không đáp ứng quy định về trình tự, thủ tục. Với các vi phạm được nêu, trách nhiệm thuộc về cá nhân ông Nguyễn Văn Thành và các cá nhân là thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ có liên quan.

(Còn nữa)

Tấn Tài

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/sai-pham-tai-so-kh-cn-quang-ngai-bai-1-nhieu-de-tai-nghien-cuu-ngon-tien-ti-nhung-khong-hieu-qua-i356315/