Sai sót của trọng tài tại V-League 2020: Căn bệnh hết thuốc chữa?
Những sai lầm liên tiếp của đội ngũ 'cầm cân nảy mực' đang đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng và sự an toàn của mùa giải 2020...
Trong khi đó, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam, những người có trách nhiệm vẫn không thể tìm ra phương án giải quyết triệt để vấn nạn này.
Những sai lầm liên tiếp
Trong quyết định được đưa ra gần đây nhất, động thái mang tính răn đe từ những người có trách nhiệm, cả tổ trọng tài trận CLB TPHCM thua Hà Nội FC 0-3 ngày 24/7 đều phải nhận án kỷ luật.
Mức án không được công bố, song những người "hành pháp" khẳng định trọng tài chính Trần Văn Trọng đã sai khi không cho đội TPHCM được hưởng phạt đền trong tình huống Thành Chung (Hà Nội FC) để bóng chạm tay trong vòng 16m50.
Trọng tài biên Thanh Tú hỗ trợ không tốt cho trọng tài chính ở tình huống này. Trọng tài biên Xuân Hùng có ít nhất 2 tình huống phất cờ việt vị sai cho Hà Nội FC ngay trong hiệp 1, trong đó có một pha bóng Văn Quyết đã dứt điểm vào lưới CLB TPHCM nhưng không được công nhận. Trọng tài bàn Ngọc Châu không kiểm soát tốt khu vực kỹ thuật.
Trước đó, Ban Trọng tài VFF đã xác định trọng tài Vũ Phúc Hoan và trợ lý Phạm Hoài Tâm đã mắc những sai sót nghiêm trọng trong trận đấu giữa Hải Phòng và DNH Nam Định ở vòng 6. Cụ thể, trợ lý Hoài Tâm đã không căng cờ báo việt vị đối với cầu thủ Thế Cường (Hải Phòng) dẫn đến bàn thắng mở tỷ số của đội Hải Phòng.
Trọng tài Phúc Hoan công nhận bàn thắng không hợp lệ này, đồng thời còn bỏ qua việc phạt thẻ đối với đội trưởng Mạnh Hùng (Hải Phòng) khi anh này phạm lỗi thô bạo. Ngoài ra, ông Hoan còn bỏ qua tình huống thủ môn Văn Toản (Hải Phòng) đạp thẳng vào tiền đạo Merlo, không thổi phạt đền, dẫn đến pha phản công thành bàn thắng thứ 2 của đội bóng đất Cảng ở phút 87.
Với những lỗi nặng này, trọng tài Phúc Hoan và trợ lý Hoài Tâm đều bị kỷ luật, không làm nhiệm vụ trong 4 trận liên tiếp (các vòng 7, 8, 9, 10).
Hiện nay, thù lao theo trận đấu của trọng tài chính ở V-League là 8 triệu đồng, hạng Nhất là 5 triệu đồng (chưa thuế); Trợ lý ở V-League (5 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng), giám sát ở V-League (5 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng). Trung bình, một trọng tài chính (cấp FIFA) có thể bắt chính tối đa 3 trận 1 tháng và làm trọng tài bàn 1 trận, thu nhập sẽ rơi vào khoảng hơn 30 triệu đồng. Đây được xem là mức thu nhập khá trên mặt bằng xã hội hiện nay, đó là còn chưa kể mức thu nhập của các trọng tài này tại các cơ quan mà họ đang biên chế.
Trước những tiếng còi méo của ông Hoan, CĐV Nam Định tỏ ra bất bình, không cam tâm với án phạt cấm làm nhiệm vụ từ Ban Trọng tài VFF.
Trong bản kiến nghị gửi đến VFF và VPF của CĐV Nam Định có nội dung: "Treo còi vĩnh viễn hai ông Vũ Phúc Hoan, Hoài Tâm"; "VFF mời công an điều tra làm rõ: Vì sao ông Vũ Phúc Hoan lại có thể mắc sai lầm một cách có hệ thống như vậy? Có tiêu cực không? Có dính dáng đến mua bán độ không?".
Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định lớn tiếng phê phán giới trọng tài không có tâm vì trận nào cũng "đè" CLB của ông ra thổi sai sót quá nhiều. Vậy nên, ông Sỹ đòi Trưởng ban Trọng tài từ chức.
Thậm chí, ông còn nói thẳng nếu cứ tiếp tục bị đè nén bởi những tiếng còi, Nam Định chấp nhận bỏ giải vì bị trọng tài "ép" phải xuống hạng.
Có thể hiểu cho tâm trạng phẫn uất của những người Nam Định. Nỗi đau ở vòng 6 chưa nguôi ngoai thì gần như họ bị đè ngửa trong trận thua Sài Gòn 0-3 trên sân Thống Nhất.
Sau trận, ông Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền thừa nhận trọng tài Mai Xuân Hùng phạm sai lầm nghiêm trọng khi từ chối hai quả phạt đền cho Nam Định. Trọng tài Hùng bị treo còi ba trận, nhưng mức kỷ luật này không đủ xoa dịu nỗi đau của đội bóng.
Nam Định giận dữ cho rằng trọng tài làm sai lệch kết quả trận đấu chỉ bị phạt có ba trận rồi hành nghề trở lại bình thường, trong lúc CLB tốn tiền của, công sức, thời gian chơi bóng mà gánh chịu thua thiệt như thế thì quá bất công!
Người xưa có câu "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Từ thời Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi, cụm từ "trọng tài cũng là con người, phải có sai sót" dùng để bao biện cho thuộc cấp cứ được nhắc đi nhắc lại. Nó nhàm chán đến nỗi chẳng ai muốn nghe và bầu Đức từng to tiếng hô hào VFF... đuổi ông Mùi thì trọng tài sẽ tốt lên.
Thậm chí, trưởng đoàn của HAGL còn giễu nhại câu nói này một cách chua chát: "Trọng tài là con người. Vậy cầu thủ là con gì?". Tuy nhiên, khi ông Mùi đã không còn làm trong Ban Trọng tài nữa, giới trọng tài dưới thời người kế nhiệm vẫn đi vào những vết xe đổ ngày trước.
"Hạ tắc loạn" vì đâu?
Thường trực LĐBĐVN (VFF) đã nhóm họp vào cuối tháng 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Lê Khánh Hải.
Mặc dù vậy, chưa có động thái nào của thường trực VFF liên quan đến chiếc ghế của ông Dương Văn Hiền nên ông vẫn đang tiếp tục công việc điều hành ở Ban Trọng tài. Vậy nên, trong cuộc họp báo của VFF sau đó để thông tin về các vấn đề liên quan đến trọng tài, ông Hiền "nhẹ nhàng" nói: "Thời gian qua khi điều hành các trận đấu một số trọng tài có những sai sót nhất định. Với tư cách Trưởng ban Trọng tài, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm với những sai sót này. Tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới cho công tác trọng tài tốt lên".
Về hướng khắc phục sai sót, ông Hiền cho biết sẽ tăng thời gian tập huấn trọng tài. Ngoài ra, VFF cũng sẽ mời chuyên gia tâm lý hỗ trợ trọng tài khi tham gia tập huấn. Giải thích về quá trình phân công trọng tài làm nhiệm vụ, ông Dương Văn Hiền cho rằng, mình chỉ là người chấp bút bản phân công, còn 4 thành viên khác của Ban Trọng tài, Ban Tổng thư ký VFF là người phản biện.
Ông Hiền nói nếu ông phân công có vấn đề thì những người này sẽ có ý kiến chứ một mình ông không có toàn quyền quyết định!?
Nhưng nói thế nào thì Ban Trọng tài VFF không thể phủ nhận thực tế về "hiểm họa trọng tài". Đó là những trận đấu mà trọng tài bộc lộ những sai sót không chỉ về nghiệp vụ, mà còn ở bản lĩnh, tâm lý và hệ quả trực tiếp làm sai lệch kết quả các trận đấu.
Khó hiểu ở chỗ, rất nhiều tình huống rõ ràng, trọng tài có góc quan sát tốt nhưng vẫn cứ sai. Các đội bóng "nổi điên" bởi chính trọng tài còn phủ nhận những tình huống lẽ ra họ phải được hưởng phạt đền mà không cần tranh cãi. Tình huống lao bóng của thủ môn Hải Phòng là hành vi thô bạo, cố tình ngăn cản đối phương, đủ để đưa ra quyết định thổi phạt. Nhưng dù ở các góc quan sát rất tốt, trọng tài Vũ Phúc Hoan không cắt còi.
Trước thềm mùa giải 2020, đợt kiểm tra trọng tài hồi tháng 2 đã thải loại đến bốn trọng tài chính và ba trợ lý biên ra khỏi V-League vì họ không vượt qua các bài kiểm tra. Mùa trước, ít nhất 7 trọng tài đã bị kỷ luật, trong đó có trường hợp vĩnh viễn không được mời cầm còi.
Nghĩa là, lực lượng trọng tài vốn đã mỏng, lại càng mỏng hơn. Hoàn cảnh khách quan do Covid-19 khiến Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải đồng loạt cho cả V-League lẫn giải hạng Nhất khởi tranh cùng thời điểm. Ở cùng một vòng đấu, với tổng cộng 13 trận của hai giải, ban tổ chức phải sử dụng đến 60 trọng tài cùng lúc, chưa kể phải bố trí khoảng 20 trọng tài dự phòng.
Thiếu trọng tài thì lỗi đầu tiên thuộc về Ban Trọng tài. Đây là một nghề nghiệp có tính đặc thù, không có một tuổi "vào nghề" nhất định, nhưng lại có giới hạn tuổi hành nghề. Nghĩa là nhà quản lý có thể biết trước, thậm chí rất chi tiết sự thiếu hụt trong tương lai của đội ngũ mà tính chuyện đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn.
Để thiếu đồng nghĩa với sự yếu kém về quản lý, nhất là nghề trọng tài hoàn toàn có thể khởi đầu khi còn rất trẻ, không tới mức thiếu "đầu vào". Rõ ràng, quá trình đào tạo đội ngũ trọng tài trẻ, lực lượng kế cận bế tắc!
Tất nhiên, vẫn có phác đồ điều trị cho vấn nạn trọng tài. Thứ nhất, mời trọng tài ngoại, giải pháp. Thứ hai, ứng dụng công nghệ hỗ trợ để vừa bảo đảm tính công bằng, vừa cũng khiến cho các trọng tài không dám "làm bậy".
Mặc dù vậy, với VAR, VPF từng hứa sẽ triển khai ở nửa cuối mùa 2019, nhưng bây giờ, nó vẫn rất... mông lung, do các yếu tố trở ngại từ kỹ thuật đến tài chính. Còn việc mời trọng tài ngoại, ngoài chuyện tài chính thì ở thời điểm Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giải pháp này là điều nằm ngoài khả năng của nhà tổ chức.
Vậy nên, sai sót của trọng tài V-League giống như căn bệnh trầm kha và hiện tại, chưa tìm ra thuốc chữa.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng không cho phép các CLB khiếu nại về bàn thắng hay không bàn thắng, việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền... như những chiếc áo giáp cho giới trọng tài mà nếu đội bóng có “chết oan” cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Theo thống kê: V-League 2019, có 20/26 trọng tài mắc sai sót (chiếm tỷ lệ 77%); 20/33 trợ lý mắc sai sót (chiếm tỷ lệ 61%). Ở giải hạng Nhất 2019, có 17/23 trọng tài mắc sai sót (chiếm tỷ lệ 74%); 9/25 trợ lý mắc sai sót (chiếm tỷ lệ 36%).