Salmonella-vi khuẩn khiến hơn 600 học sinh nhập viện nguy hiểm ra sao?

Khi ăn phải thực phẩm nhiễm Salmonella với số lượng nhiều, khuẩn này sẽ gây nhiễm trùng đường ruột (phổ biến và nguy hiểm nhất), từ đó xâm nhập vào trong cơ thể.

Ngày 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa có thông báo kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang.

Theo đó, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy, tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, trong đó ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella thường gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất, ngoài ra có các loại Salmonella khác – Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi – gây sốt thương hàn và phó thương hàn.

CDC ước tính vi khuẩn Salmonella gây ra khoảng 1,35 triệu ca nhiễm trùng, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm và thực phẩm là nguồn gốc của hầu hết các bệnh này.

Theo Cục An toàn thực phẩm, vi khuẩn Salmonella có khắp mọi nơi và có thể nhiễm gần như bất cứ loại thức ăn nào. Sự lây truyền bệnh có thể xảy ra do phân người hay phân súc vật tiếp cận với thực phẩm trong quá trình chế biến hay thu hoạch.

Nó có thể dễ dàng lây nhiễm vào các loại thực phẩm như thịt, cá, sữa... Đặc biệt, trứng là một trong những thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này.

Khuẩn Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân từ 2 - 3 tuần; trong nước đá từ 2 - 3 tháng. Salmonella sống được cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao.

Khuẩn này bị hủy trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.

Khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella, các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy có thể ra máu, sốt và co thắt dạ dày.

Hầu hết mọi người hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhưng một số người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện hoặc dùng thuốc kháng sinh.

Đối với nhiễm khuẩn Salmonella xâm lấn có thể nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, những trường hợp này xảy ra ở khoảng 8% những người bị nhiễm khuẩn Salmonella được phòng thí nghiệm xác nhận.

Có thể xảy ra các tình trạng như:

-Nhiễm trùng máu

-Viêm màng não (nhiễm trùng màng lót não và tủy sống)

-Viêm tủy xương (nhiễm trùng xương)

-Viêm khớp nhiễm trùng (nhiễm trùng khớp).

-Hiếm khi gây tử vong, nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc cao tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Một số người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng hơn. Những người này bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh gan hoặc thận và ung thư).

Vi khuẩn Salmonella lây qua đường tiêu hóa kinh điển là phân - miệng. Đa số các trường hợp mắc bệnh là do tiêu thụ thực phẩm, nước uống bị nhiễm trùng lại không được nấu chín, hoặc do ăn phải thức ăn tươi được rửa sạch bằng nguồn nước đã bị nhiễm khuẩn như nước sông, nước ao hồ, cống rãnh.

Ở những người đang mang khuẩn Salmonella rất dễ lây nhiễm bệnh cho người khác trong quá trình chế biến thức ăn, hay có thể lại lây trực tiếp từ tay - miệng khi bón cơm cho con trẻ.

Vì thế, theo các chuyên gia, yếu tố vệ sinh là vô cùng quan trọng để phòng ngừa căn bệnh này. Mọi người cần nhớ rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn cơm. Với thực phẩm phải nấu chín.

Thực hiện vệ sinh, ăn chín - uống sôi thì sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh, vi khuẩn Salmonella cũng như nhiều vi khuẩn đường ruột khác hoàn toàn bị tiêu diệt khi nấu chín.

Trong trường hợp có biểu hiện nôn, sốt, tiêu chảy người bệnh nên tới bệnh viện để được điều trị. Căn bệnh này rất hiệu quả với một số kháng sinh đặc trị. Nhưng trên thực tế, nhiều người bệnh thường vào viện muộn, nên nguy cơ biến chứng rất cao, như các biến chứng đường tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột… và có thể có nhiều biến chứng toàn thân khác, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Minh Hoa (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Dân Trí)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/salmonella-vi-khuan-khien-hon-600-hoc-sinh-nhap-vien-nguy-hiem-ra-sao-a581705.html