Sâm Lai Châu – 'Báu vật' giữa đại ngàn và giấc mơ thương hiệu quốc gia

Không chỉ là dược liệu quý hiếm có giá trị y học cao, Sâm Lai Châu – loài sâm đặc hữu mọc giữa rừng sâu Tây Bắc đang được kỳ vọng trở thành ngành hàng chiến lược, đưa Lai Châu lên bản đồ dược liệu thế giới.

Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”, ông Bùi Huy Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Trong các loài dược liệu đặc hữu được phát triển tại Lai Châu, Sâm Lai Châu là cái tên nổi bật nhất.”

Loài sâm “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Lai Châu

Sâm Lai Châu (còn được gọi là tam thất đen, tam thất đỏ) là cây bản địa, phân bố hẹp tại các vùng núi cao như Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường. Được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ lâu đời, nhưng mãi đến năm 2013, giới khoa học mới chính thức ghi nhận và nghiên cứu loài sâm quý này.

Nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu hiện là nơi duy nhất trên thế giới Sâm Lai Châu sinh trưởng tự nhiên.

Ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu

Ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu

Phân tích khoa học cho thấy, loài sâm này chứa hàm lượng saponin cao, giàu axit amin và khoáng chất quý, có tác dụng: tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh, kháng viêm và hỗ trợ phòng chống ung thư. Nhờ đó, Sâm Lai Châu được giới chuyên gia quốc tế xếp vào nhóm dược liệu hàng đầu thế giới.

Suýt tuyệt chủng vì bị săn lùng khốc liệt

Ngay sau khi giá trị của Sâm Lai Châu được phát hiện, một “làn sóng săn lùng” đã diễn ra rầm rộ từ người dân bản địa đến thương lái trong và ngoài nước. Nhiều cá thể sâm trong tự nhiên bị khai thác ồ ạt, suýt bị tận diệt.

Trước tình trạng báo động đỏ, năm 2019, Chính phủ đã đưa Sâm Lai Châu vào danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIA, được Nhà nước đặc biệt bảo vệ.

Song song đó, tỉnh Lai Châu phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối khác: sâm giả, sâm đội lốt. Một số loại sâm từ Trung Quốc bị nhập lậu về, gắn mác “Sâm Lai Châu”, gây tổn hại lớn đến thương hiệu. Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 40 vụ vi phạm, tịch thu gần 1 tấn sâm không rõ nguồn gốc.

Chi 5 tỷ đồng mỗi hecta để bảo tồn loài sâm quý

Nhận thức rõ giá trị kinh tế, y học và sinh thái của loài cây này, tỉnh Lai Châu đã chủ động đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu theo hướng bài bản.

Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu

Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu

Từ năm 2013 – 2020, tỉnh tập trung bảo tồn nguồn gen, thiết lập vùng trồng thử nghiệm. Giai đoạn 2020 – 2025, Sâm Lai Châu bắt đầu được thương mại hóa, với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân.

Nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp tỉnh được triển khai, từ nhân giống, xác định dược tính, đến xây dựng mô hình trồng sâm dưới tán rừng. Tỉnh đã xác định khoảng 17.000 ha đất phù hợp cho loài sâm này, trong đó đã trồng được 130 ha tập trung, với hơn 400.000 cây có mã số.

“Mỗi hecta trồng Sâm Lai Châu cần đầu tư tới 5 tỷ đồng, cho thấy quyết tâm rất lớn trong việc phát triển loài dược liệu chiến lược này” – ông Phương chia sẻ.

Khát vọng vươn tầm thương hiệu quốc gia

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến 2030, định hướng 2045. Tỉnh ủy Lai Châu cũng ban hành nghị quyết riêng về phát triển Sâm Lai Châu.

Theo đó, địa phương đặt mục tiêu: trồng 3.000 ha Sâm Lai Châu vào năm 2030, sản lượng khai thác đạt khoảng 30 tấn/năm; đồng thời xây dựng 1 – 2 nhà máy chế biến sâu đạt chuẩn GMP-WHO, hướng đến các sản phẩm như mỹ phẩm, trà, thực phẩm chức năng, rượu sâm...

Một số sản phẩm đã ra thị trường như trà sâm, sâm ngâm mật ong, rượu sâm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, mở đường cho xuất khẩu.

Sâm Lai Châu đang đi trên hành trình từ một loài sâm ẩn mình giữa đại ngàn đến khát vọng vươn tầm quốc tế. Nếu giữ được bản sắc, kiểm soát được chất lượng, và phát triển đúng hướng, “báu vật Tây Bắc” này hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị ngành dược liệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sam-lai-chau-bau-vat-giua-dai-ngan-va-giac-mo-thuong-hieu-quoc-gia-post1756506.tpo