Sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta
Bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, nằm ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, nay đang chuyển mình từ hướng làm ăn mới, tiến tới xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững bằng việc trồng cây sâm Ngọc Linh.
Hành trình lên đỉnh Sam Ta
Theo lời hẹn, tôi theo anh Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Thành Long, là chủ vườn sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta, cùng ngược dốc lên với vườn sâm trong một sáng cuối hè oi ả. Chiếc xe đặc chủng 2 cầu, gầm cao chuyên leo núi cũng phải oằn mình vất vả bò qua những con dốc cao cheo leo, hiểm trở, mất mấy tiếng đồng hồ mới đến khu vườn trồng sâm Ngọc Linh. Vừa đi, anh Long vừa kể chuyện thăng trầm của việc đưa cây sâm lên vùng cao Sơn La.
Cách đây hơn 15 năm, anh Nguyễn Chí Long, vốn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, rất lãng tử, nhưng lại bị cuốn hút bởi cây sâm Ngọc Linh trong một lần tình cờ ngồi trò chuyện cùng một người bạn về loài cây này. Từ đó, ngoài đầu tư xây dựng, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh, anh còn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để vào Quảng Nam, lặn lội, lang thang, ăn ngủ cả tháng trên núi Ngọc Linh để tìm hiểu, học cách trồng, chăm sóc, rồi mua cây giống, hạt giống về gieo trồng thử nghiệm tại các triền núi vùng cao thuộc huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Bắc Yên, Thuận Châu và Mai Sơn. Nhiều người bảo anh “nghệ sĩ”, đầu tư mạo hiểm, nhưng cuối cùng, sự nỗ lực của anh cũng được đền đáp, khi cây sâm Ngọc Linh chính thức bén rễ trên đất Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.
Xe vừa đến Sam Ta, ai cũng hồ hởi khi được hít thở, tận hưởng bầu không khí trong lành mát lạnh dưới 20 độ C, khác hẳn thời tiết mùa hè oi nồng trên 30 độ C dưới thung lũng. Bình minh nơi đây thật lãng mạn, từng làn gió nhẹ mang theo biển mây trắng bồng bềnh ngập tràn từ dưới thung lũng, cứ dâng dần cao lên ôm trọn đỉnh Sam Ta hùng vĩ, rồi giăng giăng vờn bay, thả từng giọt sương mai tinh khiết xuống khu vườn sâm, bám đọng vào kẽ lá, tưới ẩm cho hàng ngàn cây sâm vươn mình sinh sôi. Anh Long bảo, hôm nào trời quang mây tạnh, nhìn qua khe tán lá chuối rừng, có thể phóng tầm mắt ngắm vùng kinh tế động lực của tỉnh rộng lớn dưới thung sâu bạt ngàn cây trái.
Anh Sồng A Tráng, bản Sam Ta, là công nhân kiêm quản lý trực tiếp vườn sâm, mở cửa vườn cho chúng tôi tham quan. Tận mắt chứng kiến cây sâm Ngọc Linh đang đơm hoa, thẳng hàng, thẳng lối tăm tắp, đua sức vươn mình dưới tán mái che, trông thật bắt mắt. Thật ngỡ ngàng khi một loại dược liệu quý được coi là cây “quốc bảo” trước đây chỉ được trồng nhiều trên dãy núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, rất khó trồng ở các tỉnh khác, nhưng nay lại bén duyên, bám rễ và trồng thành công không chỉ bằng cây giống mà còn gieo từ hạt tại vùng cao Sam Ta của tỉnh Sơn La này.
Đánh thức hướng làm ăn mới
Dưới tán rừng già ẩm ướt sau lưng bản Sam Ta, khu trồng sâm Ngọc Linh với đủ các loại, từ 1 đến 8 năm tuổi đang được chăm sóc, che chắn cẩn thận, chia lô theo từng khu. Khi được hỏi về cách trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh, anh Sồng A Tráng nói: Ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng quy trình, ở đây có lợi thế về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu rất phù hợp, nên cây sâm sinh trưởng, phát triển nhanh. Hằng ngày, công nhân vào rừng lấy mùn đất do lá cây mục lâu năm tích tụ thành phân hữu cơ mang về bón.
Hiện tại, cùng với việc đầu tư thâm canh diện tích đã trồng, Công ty đã trình các cơ quan chức năng để thuê đất, mở rộng địa bàn, tiến tới trồng quy mô lớn tập trung hàng chục ha theo quy hoạch. Đồng thời, hướng dẫn và vận động bà con trồng sâm Ngọc Linh thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày của các hộ gia đình. Trước mắt, Công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao cho bà con trồng, phát triển đại trà và cam kết bao tiêu sản phẩm. Công ty đã đề xuất với Thường trực Huyện ủy Mai Sơn tặng hàng nghìn cây sâm giống cho nhân dân bản Sam Ta, giúp bà con chuyển đổi cây trồng, xóa đói giảm nghèo.
Chị Lù Thị Thọ, bản Sam Ta, phấn khởi: Tôi được Công ty tuyển dụng vào làm công nhân chăm sóc vườn sâm được gần 3 năm, tôi đã làm quen và bắt nhịp được với môi trường làm việc mới, thuận tiện, gần nhà, bản thân có việc làm ổn định với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, tôi phấn khởi lắm. Hằng tháng còn được Công ty hỗ trợ thêm lương thực, giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống.
Hiện nay, bản Sam Ta có 6 người được Công ty nhận vào làm công nhân với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng; còn nhân công thời vụ có đợt huy động cả bản, lúc cao điểm có đến hơn 50 người làm việc cho Công ty để kịp tiến độ. Thông qua hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hầu hết các hộ trong bản đăng ký trồng sâm Ngọc Linh. Trước đây, bà con chỉ trồng ngô, sắn, chăn nuôi trâu, bò; nhà có điều kiện hơn thì khai hoang thêm ruộng bậc thang, mùa nối mùa, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng, cuộc sống khó khăn. Nhưng bây giờ, cả bản đã có cơ hội thay đổi cuộc sống, có việc làm, có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi sang trồng cây sâm Ngọc Linh trên chính mảnh đất của mình.
Anh Nguyễn Chí Long cho biết: Đến thời điểm này có thể khẳng định cây sâm Ngọc Linh trồng được ở Sơn La. Công ty có gần 10.000 cây sâm Ngọc Linh được gieo bằng hạt từ tháng 11/2019 và trồng bằng cây giống từ 2-8 năm tuổi, trong đó có khoảng 9.000 m2 trồng sâm Ngọc Linh từ 4 năm tuổi đến hơn 8 năm tuổi, tổng giá trị trên 100 tỷ đồng. Hơn nữa, theo kết quả của Viện Dược liệu, Bộ Y tế đánh giá, chất lượng sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La ngang như sâm trồng ở Ngọc Linh.
Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Sơn La
Năm 2021, Công ty Thành Long bắt đầu sản xuất cao sâm Ngọc Linh Thành Long, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long bằng việc chưng cất, cô đọng từ chính cây sâm Ngọc Linh Sơn La được trồng trên đỉnh Sam Ta, gồm cả phần củ, rễ, thân, lá của cây sâm. Đó chính là cách vừa tận thu được những dưỡng chất vô giá trong mỗi cây sâm, vừa giúp giá thành sản phẩm bổ dưỡng này giảm đi nhiều so với giá thành sâm củ, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người tiêu dùng. Sản phẩm được đưa vào sản xuất, chế biến gần 3 năm nay để cung cấp dược liệu quý chữa bệnh nan y cứu người, được các cơ quan chức năng kiểm định đánh giá cao về chất lượng.
Năm 2022, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quyết định về việc cấp bằng chứng nhận bảo hộ cây trồng mới đối với cây sâm Ngọc Linh Sơn La, với thời gian bảo hộ 20 năm; Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ về việc điều chỉnh “Sâm củ khô” trong nhóm 5 thành “Sâm củ khô dùng cho mục đích y tế”; UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận cả 3 sản phẩm sâm Ngọc Linh Sơn La đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Với những bước đi phù hợp, cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển, góp phần giúp bà con nhân dân vùng cao Sơn La nói chung, bản Sam Ta nói riêng từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/sam-ngoc-linh-tren-dinh-sam-ta-blGio2GSg.html