Sầm Sơn, nơi biển hát bốn mùa
Với bãi cát trắng mịn trải dài, hòa với dòng nước biển trong xanh cùng hệ thống quần thể thắng tích mang đậm màu sắc huyền thoại... tất cả đã khiến cho biết bao tâm hồn bâng khuâng, rạo rực khi về với Sầm Sơn!
Sầm Sơn luôn là điểm dừng chân của hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Nhìn một thành phố biển sầm uất như ngày hôm nay, thật khó hình dung được, xưa kia, Sầm Sơn cũng chỉ là một chấm nhỏ trên dải đất hình chữ S với những con người lam lũ sớm hôm. Từ đời này sang đời khác, họ gắn với biển để mưu sinh. Biển cho tôm cá, nuôi sống gia đình họ nhưng cũng chính biển đã gây ra bao mất mát, đớn đau. Đến Sầm Sơn khi ấy, ta bắt gặp những tấm lưng trần sạm đen vì sương gió, những ngọn đèn leo lét của người vợ chờ chồng trở về sau chuyến khơi xa.
Bỗng Sầm Sơn sôi động vào một ngày hè năm 1989, khi tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đưa ra quyết định mở hội chợ “Hè Sầm Sơn 89”. Thế là, tất cả 23 huyện, thị xã (nay là 27 huyện, thị xã, thành phố) người xe, tre nứa, luồng, gỗ, lương thực, thực phẩm... hành quân về Sầm Sơn dựng ki-ốt trưng bày hàng hóa. Những sản vật từ trung du, miền núi hay đồng bằng, vùng biển... cùng về đây hội tụ. Họ gặp nhau, trò chuyện, trao đổi hàng hóa. Chưa bao giờ Sầm Sơn lại sầm uất như thế!
Du lịch biển Sầm Sơn đang thay đổi tích cực.
Một số tài liệu cho biết, ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được đánh giá là bãi biển tốt nhất ở Việt Nam bởi bờ cát mịn, sạch, thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển hiền hòa mang nồng độ mặn phù hợp với sức khỏe con người. Người Pháp đã từng xây nhiều villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng, Sầm Sơn đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng xứ Đông Dương. Rồi đến vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã xây cho mình một “hoàng cung” nơi đây để nghỉ ngơi, làm việc. Những năm trở lại đây, dù nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát, ken đặc... thế nhưng bên kia con đường biển vẫn hoang hoải như thuở nào.
Một cung đường trên núi Trường Lệ.
Bên cạnh đó, thiên nhiên còn phú cho nơi đây một sắc màu lung linh huyền thoại trong quần thể thắng tích: Một hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã... bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh; một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kì bí. Xa xa là đảo, là mênh mông biển cả... như muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, quê hương.
Hiếm có một vùng đất nào ở xứ Thanh vẫn còn những di tích gắn liền với những câu chuyện huyền thoại, in đậm trong tâm thức nhân gian như ở Sầm Sơn này. Một truyền thuyết về Độc Cước - chàng trai đuổi giặc bảo vệ quê hương xứ sở, một truyền thuyết về Bà Triều - tổ nghề chài lưới, lao động dựng xây. Cả hai câu chuyện đều phản ánh ước nguyện của cư dân chài lưới cầu cho cuộc sống đủ đầy, yên ấm và đó cũng chính là niềm mong ước tự bao đời của những người con dân đất Việt.
Hòn Trống Mái trên đỉnh Trường Lệ.
Đến Sầm Sơn du khách được đắm mình trong huyền thoại của đá và núi. Sừng sững Trường Lệ bao đời đổ bóng xuống tâm thức dân gian tượng hình là Bà Mẹ Núi. Truyện kể rằng: Tại ngọn núi này xưa kia có một người phụ nữ đã qua đời sau khi sinh con, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thương mẹ, chú bé nhặt đất đá đắp lên thi hài mẹ để nấm mồ lớn dần thành Núi Trường Lệ. Cậu bé đó trưởng thành trở thành một tràng trai khổng lồ, dũng cảm, phi thường cùng Nhân dân làng chài đánh tan loài quỷ biển, về sau trở thành thần Độc Cước.
Truyền thuyết đất này là bản anh hùng ca chiến trận, ngợi ca những người con làng biển không tên và có tên như Độc Cước, chàng trai đã tự xẻ thân mình ra làm hai nửa vì cuộc sống bình yên của đồng loại. Một nửa người thần theo bè mảng cùng dân chài ra khơi đánh cá và chống lại bầy quỷ biển, nửa còn lại ở lại đất liền bảo vệ dân lành khỏi bị quỷ Đỏ lẻn vào hãm hại. Ngôi đền cổ kính, linh thiêng có tượng thần ngự ở đầu non, dõi nhìn ra biển lớn luôn sáng soi trong tâm thức mỗi người, như ngọn hải đăng dẫn lối cho thuyền bè vào lộng ra khơi cập bến an toàn, tôm cá đầy khoang.
Vẻ đẹp trên dãy Trường Lệ đã tạo cho Sầm Sơn một sức hút lạ kỳ, khó có nơi nào sánh được.
Cùng với Độc Cước người anh hùng làng Núi là Tây phương Đại tướng quân - Trần Đức, vị tướng thời Trần có tài tả xung hữu đột khiến giặc ngoại bang phải bạt vía kinh hồn, bỏ mộng xâm lăng và làm cỏ nước Nam. Đền thờ ngài được người làng Trấp và dân trong vùng quanh năm chiêm bái và hương khói phụng thờ... Miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn không chỉ ngợi ca những anh hùng chiến trận, mà các làng chài vùng Lương Niệm còn tạc dạ ghi lòng, tri ân công ân đức của Bà Triều - anh hùng văn hóa, bà tổ của nghề xăm súc. Người đã dạy cho ngư dân nghề dệt ngư cụ để đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống đủ đầy.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Sầm Sơn cảnh sắc kỳ thú, non nước hữu tình, con người nơi đây với lòng tin, tài năng và bàn tay lao động đã xây dựng nên nhiều di tích đình, đền, nhà cổ, xóm chài và thổi hồn mình vào đó, khiến cho Sầm Sơn luôn hấp dẫn, lay động lòng người.
Với những đặc điểm riêng có, Sầm Sơn từng được người Pháp mệnh danh là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương.
Cái mặn mòi, quyến rũ của Sầm Sơn còn là những con sóng nhấp nhô xô bờ cát dài lấp lóa, là dãy Trường Lệ thuôn dài như người con gái đẹp ngủ quên bên cánh sóng, là những hải sản gom nhặt vị ngọt từ mặn chát của biển dâng đời và có cả trong men nồng của những buổi hoàng hôn bên biển... Kể sao cho hết những cảnh sắc tuyệt vời mà Sầm Sơn đang ôm trọn trong lòng.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.
Dù hơn 100 năm tuổi, nhưng Sầm Sơn mang sức trẻ của một cô gái đôi mươi. Tất cả đều căng tràn nhựa sống! Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ hạng links đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực, cùng hàng trăm khách sạn, nhà hàng cao cấp... đã bừng lên sắc thắm gọi mời! Càng đi, càng khám phá du khách càng cảm thấy ngỡ ngàng trước những bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó.
Lễ hội Carnival đường phố - Sầm Sơn 2020.
Kết nối giá trị quá khứ và tương lai, Sầm Sơn giờ đây mang một diện mạo mới - là điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua của du khách.
Với non nước biển trời đẹp như tranh, có không gian chiêm bái, ngưỡng vọng những biểu tượng cao cả, thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, giao cảm với thiên nhiên, khiến du khách đến đây như trút bỏ được mệt mỏi, ưu tư căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả, giúp họ cân bằng đời sống tâm linh, thăng hoa trong cuộc sống và tăng thêm nghị lực để vượt lên chính mình.
Sầm Sơn thật đẹp!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/sam-son-noi-bien-hat-bon-mua/121116.htm