Sầm Sơn và huyền thoại hòn Trống Mái

Tác giả (phải) bên hòn Trống Mái ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: CTV

Nằm về phía nam Cửa Hới (sông Mã) đổ ra biển Đông, cách trung tâm TP Thanh Hóa 16km về hướng đông, Sầm Sơn từ lâu đã trở thành trung tâm du lịch biển nổi tiếng, hấp dẫn du khách bốn phương.

Vùng đất đẹp

Tại đây, năm 1904, Toàn quyền Đông Dương xây dựng tòa quan sát, trung tâm y tế, trung tâm nghỉ dưỡng. Đến năm 1907, người Pháp tiếp tục xây dựng nhiều công trình biệt thự phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người Pháp và quan lại triều đình nhà Nguyễn.

Sau hiệp định Genève, Sầm Sơn được Bác Hồ và Chính phủ chọn là nơi tiếp nhận hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc; là địa điểm trao trả tù binh giữa ta và Pháp. Đặc biệt, Bác Hồ đã về đây 4 lần vào các năm (1947, 1957, 1960 và 1961). Hiện nay, Sầm Sơn là đô thị loại III, thành phố có 110.000 người, diện tích 4.500ha, có 8 phường nội thị và 3 xã ngoại thị.

Sầm Sơn gắn liền với nhiều huyền thoại và nhiều danh thắng làm say đắm lòng người. Ở đây có mật độ di sản khá dày như đền Cô Tiên, đền Độc Cước, nhà thờ Tô Hiến Thành, hòn Trống Mái, đền thờ An Dương Vương, đền Cá Lập… đều là di sản cấp quốc gia. Du khách đến với Sầm Sơn không chỉ bởi thiên nhiên kỳ thú mà còn đến với những lễ hội đậm chất nhân văn được lưu giữ từ bao đời nay như: Lễ hội cầu phúc tại đền Độc Cước, lễ hội cầu ngư tại Cửa Hới…

Sầm Sơn có sông, biển, núi đồi, đồng bằng, cảng nước sâu; nắng gió chan hòa, khí hậu dịu mát, cây cối xanh tươi bốn mùa. Biển Sầm Sơn dài khoảng 15km từ Cửa Hới vào đến vùng biển xã Quảng Đại. Đáy biển bằng phẳng, thềm cát mịn, nước sạch, phù hợp cho tắm biển, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao.

Dãy núi Trường Lệ thơ mộng và kỳ diệu được coi là hòn ngọc của đô thị này. Ngọn núi cao nhất là 76m so với mực nước biển, dài gần 3km, như con rồng trườn về phía biển. Theo nhiều nhà khoa học, núi có khoảng 306 triệu năm về trước, chênh chếch theo hướng đông bắc - tây nam; đẹp nhất là hòn Cổ Giải, với những phiến đá hoa cương diệp thạch tầng tầng, lớp lớp nhoài ra sát mép nước, tạo thành bức bình phong che chở cho xóm làng từ ngàn xưa.

Đến nay, núi được phủ kín bởi màu xanh bạt ngàn của rừng thông, rừng đặc dụng và điều đặc biệt là núi có hình dáng muôn màu, muôn vẻ che chở cho phố phường.

Thiên tình sử

Trên đỉnh dãy núi Trường Lệ có hai hòn đá lớn tựa như đôi chim khổng lồ lồng lộng giữa trời xanh, biển biếc, e ấp chụm đầu, thủ thỉ trò chuyện, tâm tình, thơ mộng, dân gian quen gọi là hòn Trống Mái. Đây là cảnh quan thiên nhiên độc đáo nhất của đô thị, hấp dẫn du khách tham quan, chiêm ngưỡng, check-in và được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia năm 1961.

Trong tác phẩm Trống Mái của Khái Hưng có đoạn viết: “Gọi là hòn Trống Mái vì trên một hòn đá to, có hai hòn đá đối diện nhau, dân chúng gọi hòn tròn trên cao là hòn Trống, hòn nhỏ dưới thấp là hòn Mái. Điều đặc biệt là hòn Trống trông chênh vênh mà chông chênh thật, chỉ cần lấy tay đẩy nhẹ là hòn đá khổng lồ hơi nhúc nhích, không hình dung được hòn đá to, nặng như thế lại có thể động đậy với lực đẩy nhẹ của một người. Chuyện lạ là điều này đã có hàng trăm năm mà ai cũng biết”.

Huyền thoại hòn Trống Mái là thiên tình sử bi thương được truyền từ đời này qua đời khác. Theo dân gian vùng Sầm Sơn, từ lâu lắm, một lần sóng biển nhấn chìm cả vùng đất rộng lớn, có hai vợ chồng nghèo may mắn thoát chết nhờ bám vào cây to trên núi. Tuy nước biển đã rút nhưng xung quanh chỉ còn là vùng đầm lầy chua mặn. Thời gian cứ trôi. Một hôm thấy con diều hâu lượn vòng trên đỉnh núi, người chồng cố gắng leo lên mong kiếm được cái gì có thể ăn được. Ngóng đợi không thấy chồng về, linh tính mách bảo điều chẳng lành, người vợ lê bước theo dấu chân đi tìm chồng. Đến chân núi, nhìn lên thấy một đàn quạ đen chao lên lượn xuống kêu quạ quạ, người vợ đau đớn nghĩ tới cảnh tang thương. Bò lên tới đỉnh núi thì thấy chồng mình chết từ lúc nào, thương xót vô hạn, người vợ gục xuống, hóa xác bên chồng.

Sự đau thương của vợ chồng nghèo đã cảm động tới thần tiên, họ được hóa phép thành đôi chim để hàng ngày được quấn quýt bên nhau. Nhưng đến kỳ hạn, đôi vợ chồng chim phải theo tiên bay về trời. Do gắn bó với xóm làng, từ trên cao nhìn ngắm làng mạc, núi non, biển cả…, đôi chim không nỡ rời xa và tha thiết xin được ở lại. Thần tiên chiều theo mong ước, cho họ bên nhau trên quê hương của mình. Thế nhưng, vợ chồng chim phải đánh đổi. Một hôm, cảm giác lạ lùng ập đến, đôi cánh và toàn thân vợ chồng chim phút chốc nặng nề và họ hóa đá. Họ hóa kiếp lần thứ hai thành hòn Trống Mái, trường tồn với thời gian.

Sầm Sơn - thành phố của những câu chuyện huyền thoại và lễ hội, từ thiên tình sử hòn Trống Mái, ngày nay nơi đây diễn ra lễ hội tình yêu thu hút hàng vạn người dân địa phương và hàng ngàn du khách tham dự.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/296466/sam-son-va-huyen-thoai-hon-trong-mai.html