Sắm Tết cho ngày về
Với những người công nhân xa quê thì dịp cuối năm là lúc họ mong muốn được trở về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Để có được một cái Tết trọn vẹn, đầm ấm, những ngày cuối năm họ phải tất bật tăng ca, cùng niềm hy vọng được nhận lương, thưởng Tết xứng đáng với công sức làm việc miệt mài, vất vả sau một năm. Bên cạnh những niềm hy vọng đó còn là bao nỗi lo của cuộc sống đời thường…
Háo hức khi Tết chưa đến
Đến những khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Hà Nội vào khoảng thời gian cuối năm, dễ dàng thấy được sự tất bật làm việc của các phân xưởng, nhà máy. Trong không khí khẩn trương, công nhân đang hối hả sản xuất những lô hàng để kịp bước vào kỳ nghỉ Tết. Với những người lao động xa quê, Tết là dịp hiếm hoi để mọi người có thể đoàn tụ cùng gia đình sau một năm lao động vất vả. Đó cũng là chủ đề được công nhân chia sẻ với nhau sau mỗi giờ tăng ca để có thêm động lực cố gắng làm việc.
Đa phần do tính chất công việc nên những công nhân lao động ít khi được về quê thường xuyên, những ngày cuối năm họ càng tranh thủ nhận tăng ca hoặc tìm những công việc làm thêm khác như chạy xe ôm, nhận làm đồ trang trí Tết… để kiếm thêm thu nhập chuẩn bị cho hành trình về thăm gia đình.
Chị Nguyễn Thị Sung (công nhân khu công nghiệp Phú Nghĩa) chia sẻ, chị mới vào công ty làm việc được nửa năm, đồng lương không cao mà chi phí sinh hoạt chi tiêu ngày càng nhiều, Tết này về quê chị cũng phải tính toán đủ thứ. Chị nói rằng, đi làm chỉ mong đến Tết để về sum vầy với gia đình đầm ấm, vui tươi chứ ở nơi “đất khách quê người” thì tủi thân lắm. Mới đi làm, nếu có thưởng mới mong có tiền sắm Tết.
Cùng chung tâm trạng, anh Trần Khả Thư (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) hơn 10 năm làm công nhân ở Thủ đô, mỗi năm anh đều dành dụm tiền gửi về biếu bố mẹ ở quê. Năm nay, vào những tháng cuối năm, anh Thư đang tập trung, cố gắng tranh thủ làm thêm để có khoản tiền dư dả hơn gửi về cho bố mẹ sửa sang lại đồ dùng trong gia đình.
Anh Thư cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến 28 Tết là anh bắt xe về quê Thanh Hóa đón Tết cùng gia đình. “Gần đến ngày về, tôi sẽ mua thật nhiều đồ đẹp cho các cháu ở quê, còn bố mẹ tuổi đã cao, tôi sẽ mua áo ấm và thuốc đau xương, khớp để trái gió, trở trời ông bà có thuốc bóp. Tôi làm công nhân đã 12 năm rồi nhưng năm nào cũng về nhà đón Tết cùng gia đình. Nghĩ đến giờ phút đoàn viên lòng tôi thấy ấm hẳn, bao mệt nhọc, vất vả trong năm đều tan biến hết”, anh Thư phấn khởi cho hay.
Nỗi niềm của chị Sung, anh Thư cũng là nỗi niềm chung của hàng trăm, hàng nghìn công nhân lao động khác. Khi Tết càng đến gần những nỗi lo toan của nhiều công nhân lao động lại tăng lên do chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt. Đặc biệt với những gia đình công nhân có nội, ngoại hai bên không gần nhau, là một nỗi trăn trở khó khăn hơn bao giờ hết.
Tranh thủ mua sắm
Trong không khí khẩn trương, công nhân đang hối hả sản xuất những lô hàng để kịp bước vào kỳ nghỉ Tết.
Với những người lao động xa quê, Tết là dịp hiếm hoi để mọi người có thể đoàn tụ cùng gia đình sau một năm lao động vất vả. Đó cũng là chủ đề được công nhân chia sẻ với nhau sau mỗi giờ tăng ca để có thêm động lực cố gắng làm việc.
Do đặc thù công việc, với ca làm việc 8 tiếng tại phân xưởng, chưa kể tăng ca và làm thêm ngoài giờ, công nhân lao động luôn mong đợi đến ngày nghỉ, ngày cuối tuần để có thời gian mua sắm. Những ngày cuối năm, để chuẩn bị hành trình cho chuyến về quê trọn vẹn thì nhu cầu mua sắm của họ tăng lên gấp bội, các mặt hàng được công nhân lao động chọn lựa chủ yếu là hàng may mặc, vật dụng gia đình để phục vụ nhu cầu đón Tết đang đến gần.
Đa số công nhân cho biết, mọi năm lịch nghỉ của công ty thường rơi vào ngày 27-28 tháng Chạp, việc chuẩn bị đồ đạc, sắp xếp chỗ trước khi về quê cũng đã mất rất nhiều thời gian. Đối với những công nhân ở xa, khi trở về đoàn tụ gia đình đã cận kề năm mới nên họ không có cơ hội để sắm sửa, do đó không ít người phải tận dụng những ngày nghỉ để đi chợ sắm sửa quà Tết.
Tại chợ Bùng (xã Phùng Xá, Thạch Thất) từ sớm đã đông đúc, tấp nập người mua - bán. Ngay từ sáng sớm, chị Phạm Thị Oanh (quê Thanh Hóa), công nhân khu công nghiệp Thạch Thất rảo bước với bạn cùng phòng trọ háo hức lựa chọn thực phẩm nấu nướng cho ngày nghỉ và ghé thăm những gian hàng bán đồ dùng phục vụ riêng cho dịp Tết.
Chị Oanh cho biết, sáng Chủ nhật, từ 7 giờ sáng, khu trọ có 5 phòng hầu như là nữ của chị đã rộn ràng tiếng cười nói, tiếng í ới rủ nhau đi “shopping”. Để có được ngày đông đủ thành viên như vậy, các chị đã phải hẹn nhau từ vài ngày trước bởi công việc cuối năm tăng ca bận rộn, chị Oanh dường như “tối mắt tối mũi”, hiếm hoi mới có được một ngày nghỉ trọn vẹn.
Trong không khí dòng người hối hả, các tấm biển giảm giá, khuyến mại lớn, “đồng giá sản phẩm” vài chục nghìn đồng được trưng bày ở nhiều gian hàng. Đó cũng là gian hàng tụ tập đông công nhân nhất, tiếng hỏi, mua hàng rộn ràng vang cả một góc chợ.
Không riêng gì chợ Bùng, nằm cách khu công nghiệp Thăng Long không xa, chợ Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) được nhiều người gọi với cái tên quen thuộc là “chợ công nhân” bởi nơi đây tập trung hàng nghìn công nhân sinh sống. Điểm đặc biệt của phiên chợ nơi đây khác hẳn với các khu chợ khác là đã thành thông lệ “đến giờ lại đông” cứ khoảng từ 17h chiều trở đi, chợ Bầu lại nườm nượp khách hàng là công nhân vừa tan ca làm vào chợ.
Chợ Bầu tuy không lớn nhưng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, từ rau củ quả, thực phẩm sống- chín, cho đến quần áo, giày dép, đồ da dụng,… Không khí trao đổi kẻ mua người bán ở chợ Bầu vốn đã luôn rôm rả, những ngày cuối năm lại càng trở nên náo nhiệt, tấp nập hơn.
Nằm trong khu vực tập trung đông công nhân nên hàng hóa ở đây cũng khá bình dân, từ áo quần đến giày dép, mỹ phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Những quầy bánh kẹo, cửa hàng tạp hóa bày la liệt với đa dạng các mặt hàng, phong phú về chủng loại, giá cả phải chăng luôn là lựa chọn ưu ái của nhiều công nhân.
Tương tự đó, các gian hàng thời trang cũng treo vô vàn kiểu mẫu, hàng hóa đã được các tiểu thương niêm yết giá. Hầu hết các sản phẩm ở các khu chợ này đều có giá bán rất bình dân, thấp hơn nhiều so với giá bán tại các cửa hàng, chợ trung tâm hay siêu thị lớn.
Một tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Bầu cho biết, cách đây mấy tuần họ đã nhập thêm hàng để bán. Thời điểm cuối năm sức mua tăng nên người bán chú trọng vào việc nhập nhiều hàng cả về mẫu mã và số lượng, bán rải rác đến khi công nhân nghỉ thì thôi. Ngày thường thì lượng khách cũng trung bình, nhưng đến cuối năm công nhân lao động cần có quần áo mới để về quê nên họ bán được nhiều hàng hơn.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sam-tet-cho-ngay-ve-101127.html