Sâm tiến vua vào mâm cơm tặng mẹ
Không chỉ tự tay gieo trồng, thu hoạch, cô gái Long An còn nghiên cứu nhiều công thức nấu món ngon cho mẹ từ cây sâm nhà trồng.
Từ xa xưa, sâm không chỉ là một loại dược liệu quý mà còn là nguyên liệu bổ dưỡng cho các món ăn của giới quý tộc. Ở thời hiện đại, giá trị của các loại sâm vẫn giữ nguyên và tin vui là bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng loại thượng phẩm này.
Trồng sâm trong vườn nhà
Sâm có nhiều giống, nhiều chi và hầu hết đều được xếp vào loài cây quý. Ngày nay, sâm có thể được đưa vào trồng ngay trong vườn nhà. Đó cũng là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm xúc của một cô gái trẻ quê ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Nhận ra cha mẹ ngày càng lớn tuổi, sức khỏe không được như xưa, sẵn lòng đam mê với cây dược liệu, chị Phan Thị Ngọc Bích quyết định bỏ hết công việc ở TP.HCM để về quê sống gần cha mẹ và trồng sâm. Bích ôm hoài bão lớn, muốn biến vùng đất Đức Huệ khô cằn, phèn chua thành nơi có thể sản xuất ra loại sâm có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành phù hợp để ai cũng có thể dùng được.
Sau sáu năm cần mẫn, Bích đã trồng thành công cây sâm Bố Chính, thời nhà Nguyễn gọi là sâm tiến vua, ngay trên mảnh đất quê hương mình. Cầm những củ sâm mập mạp, vàng óng trên tay, Bích khoe chiều nay sẽ nấu một nồi cháo gà thật ngon cho mẹ.
Chỉ cần cha mẹ ăn ngon, mạnh khỏe
Cây sâm Bố Chính sau khi gieo trồng được một năm, hấp thu đủ khoáng chất hình thành nên củ, có kích thước vừa phải, thân chính tròn mẩy, chứa rất nhiều vitamin... Sâm có tác dụng ích huyết, bổ khí, tăng cường sinh lực. Đặc biệt khi đem làm nguyên liệu nấu các món canh, cháo, chè, củ sâm càng phát huy vị thanh mát, giòn ngọt, hòa quyện với gạo thơm, thịt gà, hạt sen… tạo nên món ăn đầy dinh dưỡng và ngon miệng.
Món cháo sâm đã được Bích “bình dân hóa” thành món ăn yêu thích quen thuộc của gia đình. Nguyên liệu chính để nấu món này đều có sẵn ở quê như củ sâm, gà ta, gạo tẻ, đường phèn và một ít táo đỏ. Cách nấu cũng vô cùng đơn giản, sâm rửa sạch cắt miếng vừa ăn, gạo tẻ vo sạch cho vào nồi hầm cùng gà và táo đỏ, giữ lửa riu riu khoảng 1 giờ đồng hồ cho đến khi cháo mềm nhừ. Củ sâm khi được hầm trong thời gian dài sẽ tiết ra nhiều chất dinh dưỡng khiến món ăn thơm ngon hơn. Đặc biệt, Bích chỉ dùng bếp củi để nấu nên hương vị của cháo hòa quyện cùng mùi rơm, củi thoang thoảng cho món ăn đượm nồng vị quê.
Trong thời gian chờ cháo chín, ngồi dưới chái bếp thơm lừng mùi đất, mùi củi khô cháy tanh tách, mùi gạo và cả mùi thơm ngọt ngào, ngai ngái của sâm… lòng người như được lắng lại. Giữa bao bộn bề của cuộc sống, cảm giác khoan khoái, ấm êm của một đứa trẻ trong căn bếp của mẹ chợt ùa về. Ngày trước, mẹ kiếm từng lon gạo, con cá về nấu cơm cho con ăn. Khi lớn lên, được ăn học trưởng thành, con lại nấu cho mẹ những món ăn tốt nhất.
“Thời gian không ngừng trôi, sức khỏe của cha mẹ là điều quý giá nhất. Hãy nấu cho cha mẹ những bữa ăn ngon bằng những thực phẩm tươi tốt, bổ dưỡng nhất, nguyện cầu rằng thời gian ta ở bên cha mẹ sẽ được dài hơn” - Bích vừa nâng chén cháo nóng hổi, màu sắc hài hòa giữa sắc trắng trong của gạo, màu vàng mỡ gà kích thích vị giác của sâm và thịt, cộng thêm nét chấm phá của táo đỏ, vừa vui vẻ nói.
Cây sâm Bố Chính rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đức Huệ, Long An. Nhờ nỗ lực từng ngày, hiện nay vườn sâm của Bích đã mở rộng đến 5.000 m2, mỗi năm đều có thu hoạch rất tốt. Giá sâm Bố Chính khá mềm, loại 1 khoảng 700.000 đồng/kg, loại 2-3 chỉ 400.000-500.000 đồng/kg nên ai cũng có thể dùng được.
Nguồn PLO: https://plo.vn/sam-tien-vua-vao-mam-com-tang-me-post829765.html