Samsung cải cách để giành lại thị trường Trung Quốc, cạnh tranh với Apple
Gần hai tuần sau kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp và bổ nhiệm nhân sự mới, Samsung Electronics đã nhanh chóng thành lập tổ công tác chịu trách nhiệm vực dậy doanh số đang tụt dốc tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất của tập đoàn.
Một cửa hàng Samsung ở Quảng Châu, Trung Quốc. Điện thoại thông minh của hãng từng là thời thượng ở Trung Quốc nhưng sau đó đã nhường chỗ cho các thương hiệu địa phương. Ảnh: Asianikkei. com
Giành lại thị trường Trung Quốc thời hậu dịch
Bộ phận phụ trách thị trường Trung Quốc được thành lập hôm 19-12 gồm hai nhóm: nhóm hỗ trợ quản lý nhân sự và tiếp thị, và nhóm gồm các nhà lãnh đạo của mảng điện thoại di động thông minh, đồ gia dụng, màn hình và chất bán dẫn.
“Bước đi này có thể được diễn giải là vị Phó chủ tịch Han Jong-hee đang tìm cách tạo bước ngoặt trong phát triển ở thị trường Trung Quốc”, một quan chức giấu tên của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nói với Korea Times.
Trung Quốc là thị trường chủ đạo của Samsung trong nhiều thập niên, chiếm thị phần lớn nhất của tập đoàn. Trong quí 3-2021, Trung Quốc chiếm 30% doanh số toàn cầu của Samsung, trong khi Mỹ chỉ chiếm 29%, phần còn lại của châu Á và châu Phi chiếm 16,4% và châu Âu 12,6%.
Samsung cũng đang tìm cách nâng tiếng nói và vị thế của Phó chủ tịch Han trên toàn cầu. Tại Consumer Electronics Show – triển lãm hàng điện tử lớn nhất thế giới, ông Han sẽ là một trong những người phát biểu chính và chia sẻ về chiến lược tăng trưởng trong tương lai của tập đoàn
Samsung đang chật vật tại thị trường Trung Quốc trong nhiều năm qua, đặc biệt ở mảng điện thoại di động thông minh khi thị phần của hãng chỉ còn dưới 1%. Đây là điều thất vọng lớn nhất của tập đoàn bởi Samsung hiện chiếm thị phần lớn nhất thế giới ở mảng điện thoại di động thông minh.
Trong năm 2013-2014, Samsung từng chiếm 20% thị phần Trung Quốc. Nhưng miếng bánh ngon này “teo” lại nhanh chóng, chỉ còn dưới 1% – theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
Các nhà phân tích nói rằng đà tụt này là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo. Mặc dù điện thoại gập của Samsung giành cảm tình và phản ứng tốt của người tiêu dùng toàn cầu, nhưng các dòng máy mới của Samsung không được người tiêu dùng Trung Quốc đoái hoài.
Các hãng điện thoại Trung Quốc đang chuẩn bị tung ra hàng loạt mẫu điện thoại gập mới. Vì thế, Samsung càng sốt ruột khi các sản phẩm dòng Galaxy khó lòng đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường đại lục.
Các vấn đề của chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến sự hình thành bộ phận chuyên trách thị trường Trung Quốc. Samsung đang điều hành nhà máy sản xuất chip ở Tây An và nhà máy đóng gói chip ở Tô Châu. Hiện nhà máy Tây An là cơ sở sản xuất chip duy nhất của Samsung ở nước ngoài.
Chủ tịch Lee Jae-jong đang chuẩn bị chuyến thăm đến Trung Quốc. Kể từ sau khi được tạm tha hồi tháng 8-2021, ông Lee đã sang Canada, Mỹ và Trung Đông để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới thời kỳ hậu đại dịch.
Tích hợp thương hiệu để cạnh tranh với Apple
Samsung đang sẵn sàng tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các thiết bị gia dụng và thiết bị thông minh của mình để cạnh tranh với Apple – vốn giành được sự hâm mộ và trung thành của người dùng khó tính bằng cách cung cấp kết nối liền mạch và tiện lợi giữa các thiết bị.
Mặc dù Samsung bị xếp sau Apple trong mảng thiết bị thông minh cao cấp và đắt tiền, nhưng các sản phẩm thiết bị gia dụng và ti vi của hãng có tính cạnh tranh cao.
Samsung đã dẫn đầu thị trường ti vi toàn cầu về doanh số trong 15 năm. Ngoài ra, hãng cũng thống trị trong lĩnh vực thiết bị gia dụng với thương hiệu Bespoke. Ra mắt vào tháng 6-2019, các thiết bị Bespoke cho phép khách hàng điều chỉnh cấu hình theo ý thích về vật liệu, màu sắc và module. Chẳng hạn, các loại tủ lạnh 3-4 cửa Bespoke có màu cửa khác nhau, theo ý thích của khách có giá từ 3.000-4.000 đô la Mỹ.
Dù có hai thương hiệu sản phẩm đầu cuối cuối mạnh mẽ – Bespoke cho đồ điện tử gia dụng và Galaxy cho điện thoại di động thông minh, Samsung vẫn chưa có được sản phẩm cao cấp, có sức mạnh tổng hợp vì các mảng kinh doanh tương ứng hoạt động độc lập.
Samsung đã thực hiện các bước để hợp nhất hai thương hiệu thông qua phiên bản Bespoke của điện thoại gập Galaxy Z Flip3 tung ra thị trường hồi tháng 10. Samsung cung cấp đến 49 mẫu có màu sắc khác nhau.
Ông Han Jong-hee được giới lãnh đạo Samsung thừa nhận tài năng, là người đã giúp hãng dẫn đầu tuyệt đối trong lĩnh vực kinh doanh ti vi. Samsung sẽ thực hiện từng bước để thu hút hơn nữa tệp khách hàng trẻ tuổi thông qua sự kết hợp giữa hai thương hiệu Bespoke và Galaxy.
Samsung có thể nhắm mục tiêu mua lại một công ty phần mềm, do nhu cầu thiết lập một hệ sinh thái sản phẩm đầu cuối mạnh mẽ như Apple đã làm.
Trong nhiều năm, Samsung có ý định mua lại các công ty công nghệ thông tin có tiềm năng. Gã khổng lồ điện tử chưa nêu rõ mục tiêu mua lại hoặc thời gian cụ thể của một thỏa thuận khả thi, nhưng những người trong ngành tin rằng Samsung quan tâm đến việc mua lại một công ty chip. Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng Samsung sẽ chuyển hướng sang các công ty công nghiệp phần mềm. Bởi cần có phần mềm mạnh mẽ để tích hợp hay kết hợp hai hệ sinh thái Galaxy và Bespoke với nhau.
Nhà phân tích Michael Fritzell thuộc hãng chứng khoán Asian Century Stocks tại Singapore, cho biết lợi thế cạnh tranh của Samsung so với các công ty khác đến từ năng lực phần cứng của hãng. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng gã khổng lồ công nghệ cần cải thiện năng lực về phần mềm để có thể cạnh tranh tốt hơn với Apple.
“Đối thủ Apple đã bảo vệ thị phần của mình bằng cách xây dựng một hệ sinh thái các thiết bị thông qua tích hợp phần mềm thông minh. Và tôi cũng thấy rằng đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản là Sony Corporation ngày nay gần như kiếm được toàn bộ lợi nhuận từ máy chơi game Sony PlayStation. Sản phẩm PlayStation cũng là một hệ sinh thái toàn bộ cung cấp không chỉ phần cứng”, nhà phân tích nói.
Ông cũng nói rằng phần mềm cho phép một hãng công nghệ “giữ chân” khách hàng, giúp các thiết bị hoạt động hài hòa với nhau. Nếu Samsung có thể xây dựng một hệ sinh thái phần mềm xung quanh các thiết bị của mình thay vì dựa vào Google Android, thì hãng sẽ có thể tự bảo vệ mình trước các đối thủ Trung Quốc tốt hơn. “Thật không may, tôi không thấy một hệ sinh thái mạnh mẽ trong các thiết bị của Samsung có thể giúp đảm bảo lòng trung thành của khách hàng”, ông Fritzell nói.
Hôm 7-12, Samsung Electronics đã thay thế ba vị CEO của mảng bán dẫn, điện tử gia dụng và điện thoại di động. Đồng thời, Samsung cũng sáp nhập hai mảng điện tử gia dụng và điện thoại di động thông minh thành DX (Device eXperience). Đây được xem là nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai của tập đoàn dưới thời của nhà lãnh đạo mới Lee Jae-jong.
Han Jong-hee, Chủ tịch phụ trách về màn hình của mảng thiết bị gia dụng, được thăng chức thành Phó chủ tịch tập đoàn và là CEO của DX. “Chúng tôi kỳ vọng ông ấy sẽ lãnh đạo bộ phận mới bằng cách tối đa hóa sức mạnh tổng hợp giữa các đơn vị và tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng trong tương lai như kinh doanh mới và công nghệ mới” – thông cáo của Samsung viết.
Như vậy, Samsung hiện có hai CEO thay vì ba người như trước đây. Đây là lần cải cách nhân sự điều hành mới nhất từ năm 2017 và chỉ bốn tháng sau khi người thừa kế mới của tập đoàn được chính phủ ân xá vì “lợi ích của quốc gia”.
Cuối tháng 8, Samsung tuyên bố sẽ đầu tư 240.000 tỉ won, tương đương 206 tỉ đô la Mỹ, trong vòng ba năm tới để mở rộng hoạt động trong mảng dược sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và tự động hóa. Kế hoạch này được công bố chỉ một tuần sau khi ông Lee Jae-jong được tại ngoại.
Ricky Hồ