Samsung: Đoàn tàu chệch hướng và câu chuyện bản sắc

Sau nhiều năm 'đứng trên đỉnh vinh quang', công ty điện tử Samsung Electronics đang trải qua giai đoạn 'sóng gió' do những sai lầm trong chiến lược kinh doanh và hệ thống quản lý.

Samsung Electronics tái cơ cấu để phát triển chip băng thông cao. Ảnh minh họa: Samsung

Samsung Electronics tái cơ cấu để phát triển chip băng thông cao. Ảnh minh họa: Samsung

Ngày 28/10 đánh dấu 2 năm kể từ khi ông Lee Jae Yong nắm giữ vị trí Chủ tịch điều hành công ty sản xuất thiết bị điện tử Samsung Electronics vào năm 2022.

Theo tờ nhật báo The JoongAng Ilbo (Hàn Quốc), con đường của Samsung Electronics đã rất gập ghềnh trong khoảng thời gian đó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị và một trong những đợt suy thoái theo chu kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử phân khúc chip. Trong bối cảnh hiện nay, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và những doanh nghiệp tụt hậu so với Samsung Electronics đột nhiên vượt lên dẫn trước trong cuộc đua khốc liệt về trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Lee Jae Yong nhấn mạnh những động thái "táo bạo và đầy thách thức" trong thông điệp tưởng nhớ sự ra đi của cha mình, cố Chủ tịch Lee Kun Hee, gửi đến các nhân viên vào năm 2022. Những cụm từ "tài năng có thể thay đổi thế giới" và "công nghệ chưa từng tồn tại trước đây" được nhấn mạnh là những giá trị quan trọng nhất mà Samsung Electronics nên đầu tư.

Tuy nhiên, 2 năm sau, những giá trị đó lại trở nên khan hiếm ngay trong nội tại gã khổng lồ điện tử này. Người đứng đầu bộ phận chất bán dẫn (chip) của công ty, ông Jun Young Hyun, đã phải đưa ra lời xin lỗi chưa từng có vào đầu tháng 10/2024 sau khi công ty công bố doanh thu quý III/2024 đáng thất vọng. Bộ phận kinh doanh viễn thông của công ty đã vội vàng tung ra phiên bản mỏng của chiếc điện thoại thông minh có thể gập lại, chỉ 3 tháng sau khi phiên bản gốc ra mắt. Đây được xem là một phản ứng rõ ràng trước các đối thủ Trung Quốc đang bám đuổi sát nút.

Cổ phiếu của công ty đã tụt xuống ngưỡng 55.900 won (40,24 USD), mức thấp nhất trong 52 tuần, trong phiên giao dịch ngày 26/10. Trong tháng 10/2024, các nhà đầu tư nước ngoài mất ròng 4.200 tỷ won tiền đầu tư vào cổ phiếu Samsung Electronics. Một cuộc cải tổ lãnh đạo lớn được dự đoán sẽ diễn ra sớm nhất là vào giữa tháng 11/2024, sớm hơn so với cuộc cải tổ thường niên vào tháng 12 hàng năm. Nó cho thấy tính cấp bách của vấn đề. Các chuyên gia nhận định công ty phải nhanh chóng tái lập một trung tâm chỉ huy giám sát và điều phối các quyết định kinh doanh trên nhiều bộ phận của mình.

Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong, Hwang Yong Sik, cho biết cuộc cải tổ lãnh đạo năm nay, dự kiến sẽ diễn ra trên quy mô lớn, có thể được coi là cơ hội cuối cùng để ông Lee Jae Yong chứng minh khả năng lãnh đạo của mình. Giáo sư Hwang Yong Sik nói: "Ban quản lý của ông Lee Jae Yong đã tập trung vào việc trao nhiều quyền hơn cho các nhà quản lý chuyên nghiệp để họ có thể xử lý công việc kinh doanh, trong khi ông tập trung vào các mối quan hệ đối ngoại. Nhưng chính điều đó đã tạo ra một kiểu phong cách quản lý lai ghép kỳ lạ, không phù hợp với môi trường kinh doanh do các tập đoàn tài phiệt độc đáo của Hàn Quốc lãnh đạo".

Thử thách phía trước

Cải tổ nhân sự quản lý cấp cao

Phó chủ tịch Chung Hyun Ho được coi là người chỉ huy thứ hai sau ông Lee Jae Yong tại Samsung. Ông là người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp. Vai trò này bao gồm việc lập kế hoạch chiến lược phối hợp hoạt động của các phòng ban, điều này rất quan trọng trong bộ phận chip của công ty.

Những người trong ngành cho biết dưới thời ông Chung Hyun Ho, người có gốc gác từ quản lý doanh nghiệp thay vì kỹ thuật, Samsung Electronics đã đầu tư ít hơn vào các công nghệ rủi ro cao và lợi nhuận cao trong khi tập trung nhiều hơn vào những dự án an toàn và có lợi nhuận. Giáo sư kỹ thuật bán dẫn hệ thống tại Đại học Sangmyung và là cựu kỹ sư chip tại Samsung Electronics, Lee Jong Hwan, cho biết cách tiếp cận đó là một sự thất vọng đối với các kỹ sư. Vì một công nghệ đột phá cần đầu tư lớn trong dài hạn. Giáo sư Lee Jong Hwan nói: "Cần phải nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới và quy trình mới ngay cả khi nó không hứa hẹn cho bạn một khoản lợi nhuận nhất định, nhưng Samsung Electronics dường như chỉ tập trung vào những gì họ đã làm tốt, đó là chip nhớ. Và triết lý kinh doanh đó đang khiến công ty mất đi lợi thế cạnh tranh 'siêu khoảng cách' trong ngành".

Các chuyên gia cho biết việc thành lập một trung tâm chỉ huy mới tương đương với Văn phòng Chiến lược Tương lai (FSO) hiện đã giải thể có thể là một lựa chọn để sắp xếp lại các chiến lược kinh doanh nằm rải rác trên các bộ phận của công ty. Trong một báo cáo gần đây, Chủ tịch Ủy ban giám sát tuân thủ quy định của Samsung, Lee Chan Hee, cho biết: "Để tập trung vào các quyết định kinh doanh đã chọn, việc tái lập một trung tâm chỉ huy có vẻ là cần thiết".

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/samsung-doan-tau-chech-huong-va-cau-chuyen-ban-sac/351915.html