Săn cá cóc trên sông Tiền

Là một trong số ít loài cá hiếm hoi còn sót lại trong tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên việc săn bắt cá cóc của ngư dân trên sông Tiền lại không đơn giản. Theo chân ngư dân xuất phát từ khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ ở phía huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đi săn cá cóc, chúng tôi mới thấy cái độc đáo của nghề này.

Ngư dân chạy ghe săn cá cóc.

Ngư dân chạy ghe săn cá cóc.

Loài cá “cực phẩm”

Với người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ, cá cóc là loài cá “cực phẩm”, nghĩa là rất thơm ngon trong nhiều loài thủy sản. Hiện chúng không có nhiều trong tự nhiên và cũng không dễ để đánh bắt. Ông Nguyễn Văn Tân, 67 tuổi ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: Cá cóc là loài cá đặc biệt chỉ sống ở những vùng nước chảy xiết. “Những vùng nước êm thì không bao giờ có cá cóc đâu. Chúng chỉ ở những đoạn nước chảy mạnh thôi, mà còn ở dưới đáy sông nữa. Những ngã ba sông, nơi dòng sông phình ra, ngoặt vào hay đoạn có cù lao… là khu vực có cá cóc sinh sống. Chính vì tập quán đặc biệt ấy mà việc đánh bắt cá cóc cũng khó khăn hơn. Người ta có thể thả lưới được cá cóc nhưng tôi chỉ bắt chúng bằng cách thả câu thôi. Muốn câu được cá cóc thì phải hiểu chúng”, ông Tân chia sẻ.

Vừa đẩy chiếc ghe gỗ cũ dài chừng 6m, vừa nhìn ra dòng sông Tiền đang ngầu đục phù sa mùa nước về, ông Tân vừa dự đoán khu vực này có nhiều cá cóc. “Ngư dân ở mạn bên Sa Đéc, Châu Thành hay tận ở Long Hồ, Cái Nhum cũng kéo về đây lưới cá cóc mùa này. Mà cũng không dễ ăn đâu, nhiều khi đi cả ngày rồi về tay không. Nhưng có hôm may mắn thì kiếm được 5 - 6 kg. Cá cóc giờ đắt lắm, loại tầm hơn 3 kg thì giá gần 1 triệu đồng rồi. Có bao nhiêu mang về chỗ phà Mỹ Thuận cũ này là thương lái họ mua hết. Hồi tháng trước tôi và đứa cháu đi gỡ câu được con cá cóc 4,2kg, còn lại chỉ tầm 1kg/con. Cá dưới 1kg thương lái chỉ thu mua khoảng 140 ngàn đồng nhưng loại bự thì họ mua giá gần gấp đôi giá đó”, ông Tân nói.

Theo lão ngư này, khu vực sông Tiền ở đoạn Cái Bè rất rộng vì sông chuẩn bị tách ra làm hai (gồm sông Tiền và sông Cổ Chiên), có cù lao rộng lớn nhiều nên nước chảy rất xiết. “Cá cóc thì có quanh năm nhưng mình chỉ thả câu theo đợt thôi. Đó là những đợt nước lũ về, đợt triều cường, triều kiệt thì cá cóc trong hang dưới đáy sông ra bắt mồi. Loài cá này lạ lắm, chúng kén ăn, chỉ ăn mồi sống thôi. Thường là tôm còn nguyên con mình móc vào lưỡi câu thả xuống. Mỗi bữa đi thả câu là mất chừng nửa ký tôm nhỏ, nếu về tay trắng là coi như lỗ vốn”, ông Tân cười bảo.

Tâm sự thêm với chúng tôi, ông Tân bảo ông sinh ra và lớn lên ở khu vực ven sông Tiền này, gắn bó với sông nước từ nhỏ. Trước kia ông cũng làm nghề lưới giăng, nghề đáy bên phía sông Lấp Vò, sông Tiền hay phía dưới rạch Đầu Cồn. Gần đây, các con ông làm ăn khấm khá nên không phải mưu sinh nữa, nhưng vì nhớ sông, nhớ ghe lưới nên ngày nào ông cũng giong ghe chạy đi săn bắt. “Vài ngày không lên ghe, không chạy từ đây qua phía Lấp Vò, An Bình là mình không chịu nổi”, ông kể.

Một chú cá cóc nhỏ mắc lưới.

Một chú cá cóc nhỏ mắc lưới.

Tận mắt thấy cá cóc

Đi cùng tôi và người ngư dân già ra khu vực thả lưới, thả câu cá cóc còn có anh Nghĩa, 37 tuổi. Anh Nghĩa quê dưới Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) nhưng lấy vợ về đây. Trước vợ chồng anh làm công nhân lột vỏ tôm bên thành phố Mỹ Tho, từ lúc dịch ít đơn hàng nên về nhà vợ ở Cái Bè làm nghề sông nước. Khác với ông Tân săn cá cóc bằng cách thả câu thì anh Nghĩa lại thả lưới. “Thả lưới có ưu điểm là nếu không bắt được cá cóc thì còn có thể bắt được cá lăng, cá sủ, cá mè vinh… Lưới của mình ở độ sâu thấp nên ít cá nhưng may mắn thì có nhiều cá bự không à”, anh Nghĩa cho biết.

Khi chiếc ghe của ông Tân và anh Nghĩa dời bờ, dòng sông Tiền càng lúc càng rộng mênh mông, nhìn xa xa hai bên bờ chỉ là những dải màu xanh cây cối, thấp thoáng phía bờ bên Vĩnh Long là một vài tòa nhà cao tầng. Xa xa trước mặt là cầu Mỹ Thuận 2 đang xây dựng và cạnh đó là cầu Mỹ Thuận, thấp thoáng vài chiếc ôtô vượt lên đỉnh cầu. Khu vực này dòng sông Tiền rất đặc biệt bởi dõi tầm mắt có thể nhìn thấy địa giới hành chính của 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Ngoài ghe của ông Tân và anh Nghĩa, khu vực này còn hàng chục ghe đang săn bắt nhiều loại hải sản khác nhau của dòng sông Tiền, rất nhộn nhịp. Anh Nghĩa bắt đầu tắt máy, gỡ lưới khi tới những chiếc phao nổi có gắn cờ hai màu xanh đỏ. Anh Nghĩa bảo đợt này mưa nhiều, lũ thượng nguồn cũng về nhiều nên cá có nhiều mồi để ăn, ít dính lưới lắm. Bàn tay anh thoăn thoắt rút lưới lên. Khi thấy lưới động là anh biết có cá, thậm chí biết cá lớn hay bé, là loại cá gì nhờ vào tập quán quẫy đạp của chúng. Ngồi gỡ khoảng 200m lưới nhưng anh Nghĩa chỉ bắt được một con cá cóc nhỏ khoảng hơn nửa ký còn lại phần lớn là cá lăng và mè vinh.

Cá cóc, loài cá đặc sản ở miền Tây Nam bộ.

Cá cóc, loài cá đặc sản ở miền Tây Nam bộ.

Nếu nghề lưới có thể bắt được các loại cá khác thì nghề câu chỉ dành riêng cho cá cóc. Ngư dân thường sử dụng câu theo dây dài (từ 100-400m) có gắn lưỡi. Những lưỡi này gắn mồi và tùy từng loại cá mà lưỡi sẽ được đặt ở những độ sâu nhất định. Nếu câu các loại cá lăng, cá mè thì thả tầng nước mặt còn câu cá cóc sẽ để lưỡi ở tầng nước đáy. Hiện nay, hầu hết những người đi câu cá cóc trên sông Tiền đều là người lớn tuổi, không đặt nặng việc mưu sinh. Bởi việc câu cá thường một ngày có nhưng hai, ba ngày lại không. Trong những ngày tìm hiểu về nghề săn cá cóc của ngư dân ở sông Tiền, chúng tôi thấy một điều rất đặc biệt là khi bắt được cá cóc ngư dân sẽ buộc chúng lại bằng sợi dây nhỏ vào sống lưng của chúng. Khi giao dịch mua bán, người ta chỉ cần cầm sợi dây lên và nhìn con cá cóc là có thể biết và định giá được. Do quý hiếm nên hầu hết những loại cá cóc từ 2-3 kg trở lên đều được các thương lái đưa về các thành phố lớn. Nhiều người dân ở miền Tây Nam bộ hiện nay không còn thấy cá cóc xuất hiện ở các chợ dân sinh.

Sau mấy tiếng lênh đênh trên sông Tiền, chúng tôi quay trở lại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ thì may mắn gặp được một ngư dân thả câu ở phía ngã ba sông Lấp Vò bên mạn Đồng Tháp đã bắt được dăm con cá cóc. Cá có phần bụng màu trắng chuyển màu xám dần lên phía lưng với thân hình thuôn tròn, bụng phình ra. Theo ngư dân này, con cá bự nhất nặng hơn 3 kg còn lại đều chưa tới 1 kg. Mớ cá này đã có người thương lái bên Sa Đéc đã đặt mua rồi, tới đầu giờ chiều sẽ xuống lấy. Dù khi gỡ lên cá đã chết nhưng ngư dân vẫn cẩn thận buộc sợi dây cước nhỏ vào lưng cá xách lên chứ không cho vào bịch hay thùng đựng như các loài cá khác. Theo người dân bởi thịt cá cóc thơm và mềm, nếu đặt trong thùng dễ bị nhão nên ngư dân thường phải buộc và treo chúng lên. Vài phút sau, một chiếc ghe nhỏ khác lại cập bến với hơn chục con cá cóc khác được đưa vào.

Cá cóc được thương lái mua gom rồi gửi lại quán nước ngay tại khu vực bến phà. Ngư dân sau khi cân xong gọi điện thoại và nhận tiền qua tài khoản rồi nổ ghe máy chạy hút về phía sông Tiền.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-ca-coc-tren-song-tien-5741328.html