Săn cá sông Đà

PTĐT - 'Có lần bắt được con cá to cỡ ngoài 25kg, thuyền của tôi và một người nữa phải ép vào nhau, giữ chặt lấy thân cá rồi từ từ lấy vợt to khéo léo đưa lên thuyền, nói không ngoa chứ mắt nó phải to bằng cái chén con, còn cái đuôi phải bằng 2 bàn tay người lớn, những con cá như thế phải có tuổi đời không dưới 5 năm...' đó là lời của ông Sinh - một 'thủ lĩnh' săn cá sông Đà ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy kể cho chúng tôi nghe về chiến tích trên sông.

Giờ đây, cá tôm trên sông ngày càng ít, nhiều người dân chuyển sang nuôi cá lồng và đánh bắt ven bờ.

Giờ đây, cá tôm trên sông ngày càng ít, nhiều người dân chuyển sang nuôi cá lồng và đánh bắt ven bờ.

PTĐT - “Có lần bắt được con cá to cỡ ngoài 25kg, thuyền của tôi và một người nữa phải ép vào nhau, giữ chặt lấy thân cá rồi từ từ lấy vợt to khéo léo đưa lên thuyền, nói không ngoa chứ mắt nó phải to bằng cái chén con, còn cái đuôi phải bằng 2 bàn tay người lớn, những con cá như thế phải có tuổi đời không dưới 5 năm...” đó là lời của ông Sinh - một “thủ lĩnh” săn cá sông Đà ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy kể cho chúng tôi nghe về chiến tích trên sông.

Dưới khoảng trời mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”, trăng những ngày tháng 8 khiến cho bầu trời về đêm sáng và trong chiếu xuống lòng sông những khoảng sáng bàng bạc, ông Sinh và mấy người anh em trong gia đình lại thuyền, lưới lên đường đi đánh bắt cá trên sông và buổi sớm mai khi mặt trời vén màn mây, rạng đông hừng sáng là lúc đoàn thuyền đánh cá trở về trong niềm hân hoan. Tôi thấy lạ vì trên chiếc thuyền chẳng có lấy một con cá, con tôm và trên những gương mặt không giấu được mệt mỏi, phờ phạc cùng đôi mắt thâm quầng sau một đêm thức trắng, ông Sinh bảo: “Hôm nay “lộc” anh em chúng tôi bán luôn tại bến rồi về tay không cho nhẹ...”.
Tôi gọi là săn cá sông Đà bởi không phải như cá trong ao, trong hồ quăng lưới, ghìm chì thông thạo một chút là kéo lên cả mẻ, cá ở sông dù không mênh mông như biển cả nhưng cũng không có giới hạn nào nhất định, nước sông lại thay đổi dòng chảy liên tục và phải nắm bắt được khoảng thời gian nào bắt đầu, ở đâu mới có cá nên nó đúng như một cuộc săn bắt. Khi xưa chưa có thuyền máy, người dân đều sử dụng thuyền cóc nhỏ để di chuyển. Mặc dù mỗi người một thuyền, một lưới, ai được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu nhưng tất cả những người có mặt trên sông không phải mạnh ai người ấy làm mà là cùng chờ nhau đến giờ hô “buông” thì tất cả mới cùng buông, rồi cùng nhau ghép các thuyền lại ngồi nhấp ngụm chè đắng chờ cá vào và bàn tán những câu chuyện trên trời dưới biển đến khi có “hiệu lệnh” gỡ, tất cả mới gỡ lưới.Những người đánh bắt cá có thâm niên ở đây kể lại, những năm 1994 - 2000, ở xã Xuân Lộc có khoảng 20 người sống nhờ nghề đánh bắt cá trên sông Đà. Không giống như những người dân vạn chài đi quanh năm suốt tháng và đi lên các tỉnh xa, những người dân ở đây chỉ đi xa nhất là khoảng dưới 10km rồi về. Săn cá nhiều khi còn phụ thuộc vào cái duyên, đặc biệt là với những người mới lại thường hay được may thế nhưng kinh nghiệm là thứ không thể thiếu. Mùa nào nước đấy, từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch ở trong các đầu hốc, những nơi có lạch nông thoai thoải, cỏ rậm rạp đây cũng là thời điểm cá chép, cá nheo vào tìm đẻ nên bắt được nhiều cá, từ độ cuối tháng 3 đến tháng 7 là vào mùa săn cá măng, cá nhàng. Sông nhiều nước thì nhiều cá, có những đêm thu được 70-80kg cá chép, cứ trung bình độ 8-9kg/con, có những con to khoảng 30kg.

Cá lớn được ông Sinh đánh bắt trên sông.

Cá lớn được ông Sinh đánh bắt trên sông.

Tiếp chúng tôi trong chòi nuôi cá lồng bên bờ sông Đà, anh Dũng với nụ cười tươi rói trên gương mặt đen sạm vì dám nắng đúng với một người thường xê dịch. Năm 12 tuổi biết bơi cũng là lúc anh Dũng biết bắt cá sông Đà. Anh kể: “Ngày trước, đêm nào tôi cũng đi, bắt được nhiều nên ham lắm nhưng cũng phải cứng vía lắm như tôi mới ở được nơi này và đi đêm trên sông nước, vì khi đi từ nhà thì chỉ có một mình lẽo đẽo với chiếc thuyền cóc, đến điểm quen thuộc mới có thêm chục anh em cùng nghề. Đêm hôm giữa đất trời bao la, mênh mông sông nước chẳng có người, chỉ có mình làm bạn với mọi thứ xung quanh, tôi lì lợm lắm mà nhiều lúc cũng phải giật mình vì chẳng biết những âm thanh lạ phát ra từ đâu cứ như bị ai đó trêu vậy và còn nhiều chuyện kinh khủng hơn thế nữa”.Đối với những người săn cá trên sông Đà ngoài yếu tố duy tâm thì còn có hai thứ đáng ngại nhất là việc sương mù làm giảm tầm nhìn và mưa bão. Cũng bởi có kinh nghiệm sông nước nên chỉ cần khi bầu trời thay đổi chuyển sang đen tối, xám xịt là họ biết mình phải làm gì, có thể quay về hay buộc phải đi tiếp. Nếu như bão gần đến nơi thì bắt buộc phải đi theo chiều gió, theo cơn bão mà không được đi ngược lại nếu không sẽ bị lật thuyền, bỏ mạng trên sông, thấy bão là hô nhau khẩn trương táp vào bờ, cho thuyền lên chỗ đất cạn úp xuống, rồi tìm chỗ trú ngay cạnh. Con sông Đà lúc dịu êm, khi lại dữ dội cuồng phong nên cũng làm khó những “thợ săn”. Nhưng cũng chính con sông ấy như lòng mẹ bao đời thủy chung, thêm mỡ màu lên những lớp phù sa và cá tôm nặng đầy cho cuộc sống của họ ngày càng no ấm.

Tùy từng loại cá mà sử dụng những ngư cụ khác nhau.

Tùy từng loại cá mà sử dụng những ngư cụ khác nhau.

Người dân ở đây chia sẻ, có những đêm bắt được cả tạ cá, thu được 3 - 4 triệu một đêm, nhìn cá quẫy tứ tung, người trong nghề gọi là “chúng đàn” đó như thể là một món quà hào phóng từ tự nhiên ban tặng với đủ các loại cá: Chiên, mè, chày, ngạnh, rô phi... Như vào mạch chuyện nên anh Dũng, ông Sinh cứ hồ hởi kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện của những người làm nghề đánh cá trên sông, những lần “trực chiến”. Có lần con cá to cỡ 35kg quẫy lên mặt nước như muốn lật thuyền, anh Dũng vội vàng cầm vợt to ghì chặt lấy thân nó nhưng một mình anh cũng không thể địch lại được nó vì nó khỏe và quẫy mạnh vô cùng, lừa cá vào được đến mép thuyền thì tuột mất, anh chẹp miệng bảo: “Cũng may, chứ nếu hôm đấy mà cứ cố tình bắt nó thì kiểu gì cũng bị đắm thuyền vì nặng quá”. Dù vất vả là thế nhưng đổi lại cũng nhiều kỷ niệm đáng nhớ, có những lúc xuôi về ngã ba sông, đánh bắt ở đây, mấy người còn mang theo đàn thế là các anh em quây thuyền lại với nhau ngồi hát giữa đêm khuya quên đi cả mệt mỏi và quên cả không gian và thời gian. Nghề cá từng có thời gian mang lại cho nhiều người dân xã Xuân Lộc cuộc sống no ấm, xây được nhà cao cửa rộng, nhưng nay chỉ còn lại số ít những người còn giữ lấy nghề. Giờ đây có thêm thuyền máy giúp việc đánh bắt trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên tình trạng nhiều người dân ở nơi khác đánh bắt bằng kích điện cùng nhiều loại rác thải, nước thải cho ra sông khiến lượng cá sông tự nhiên giảm đi, nhiều loại cá ngày càng hiếm. Thế nhưng vẫn còn đó những người dân hàng ngày cần mẫn bơi thuyền buông lưới trên sông, con sông Đà và những người săn cá cùng với những chiến tích của họ như thể một “Bản hùng ca trên sông” làm nên khúc ngân tuyệt đẹp trên dòng sông đổ ra biển lớn...

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201909/san-ca-song-da-166715