'Săn' cá sửu sông sâu
Cơn bấc nhẹ, đàn chim én chao nghiêng trên mặt sông, báo hiệu mùa xuân đang tới. Đây là thời khắc ngư dân tất bật 'săn' cá sửu (sủ) nơi sông sâu, kiếm thêm thu nhập.
Bận rộn trên sông
Xế trưa, Hai Tài (39 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) nổ máy dầu xịt khói, giong chiếc ghe cào ngược dòng sông Hậu. Mùa này, gió lao xao vuốt qua đầu ngọn lau ven cồn, đẩy dòng nước trôi về vô định, cá, tôm tìm nơi sâu trú ẩn. Hai Tài nói rằng, những khúc sông nào sâu, nước chảy xiết là chỗ ở lý tưởng của loài cá sửu. Có kinh nghiệm trong nghề “hạ bạc” này, Hai Tài biết rành nơi nào có loài cá sửu to hiện hữu.
Vừa tới đầu cồn Mỹ Hòa Hưng, Hai Tài ngoặt tay lái “bẻ” mũi ghe cào xuôi dòng nước, rồi thả túi lưới xuống sông. Sau khi buông sợi dây dài hơn 100m, Hai Tài cho chiếc ghe chạy lừ đừ thu hoạch cá. Lâu nay, Hai Tài sử dụng mắt lưới thưa, chủ yếu khai thác cá to, tuyệt đối không sử dụng xung điện như một số ghe cào khác. Chỉ tay về dòng sông sâu đoạn giáp đôi bờ Long Xuyên và Chợ Mới, Hai Tài quả quyết, nơi đây có những chỗ sâu đến vài chục mét nước nên cá sửu trú ẩn rất nhiều.
“Loài cá sửu và cá hô ở tầng đáy sâu. Sở dĩ khu vực này còn cá trú ẩn nhiều là do dưới đáy sông tồn tại vô số hố sâu. Do đó, loài cá sửu bự sống lòng vòng chỗ nào ấm nhất để tránh lưới rê của ngư dân” - Hai Tài giải thích. Chiếc ghe cào của Hai Tài chạy bì bạch kéo túi lưới vượt qua những chỗ sâu. Nhiều lúc cặp “dép” (dụng cụ căn chiếc lưới chạm đất) vướng vực thẳm, ghì chiếc ghe lại làm chúng tôi một phen “hú vía”.
“Chiếc ghe của tôi loại 10 tấn, nên qua những khúc sông sâu, khá an toàn. Nếu là ghe nhỏ cào những khu vực này dễ bị chìm. Những chỗ sâu như vầy cào mới dính cá sửu to” - Hai Tài thật tình. Qua được vực thẳm, chiếc ghe chạy thông suốt trở lại, nhưng khi qua hết đoạn này thì tới đoạn khác, chiếc ghe cứ bị ghì xuống, nổi lên, rất nguy hiểm. Nhiều bận như vậy, túi lưới chịu không nổi sức vướng đã bị đứt ngang dưới dòng nước.
Có thêm thu nhập
Chiếc ghe cào vừa đến gần đuôi cồn, Hai Tài điều khiển cần trục kéo mành lưới lên. Phải mất hơn 15 phút xoay trở, Hai Tài cùng một thanh niên khác kéo được túi lưới lên khỏi mặt nước. Sau thời gian “vật lộn” trên sông, Hai Tài thu được “chiến lợi phẩm” khá nhiều. Một túi cá lộn xộn xả ra, trông đã mắt. Có đi theo ngư dân mới thấy hết được cái nghề lắm cơ cực này.
Hai Tài nói rằng, hôm nay trời se lạnh, nguồn cá sửu trú ẩn ở tầng đáy sâu nên thu hoạch khá nhiều. Lựa xong mẻ cá đổ vào khoang, Hai Tài tiếp tục nổ máy giong ghe chay lên đầu cồn, rồi thả lưới. Cứ như thế, Hai Tài cào cá lặng lẽ trên sông. Cuộc đời săn cá sửu rày đây, mai đó lầm lũi trên sông cho tới mờ sáng.
Tính đến nay Hai Tài đã hơn 10 năm sống bằng nghề “bà thủy”. Nhờ nghề này, anh có thêm thu nhập lúc nhàn hạ. “Tôi sống bằng nghề nuôi cá bè. Nghề cào cá được xem là nghề “tay trái”, vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa có nguồn cá tạp để nuôi cá bè thương phẩm” - Hai Tài bộc bạch.
Từ lâu, dòng Mekong hùng vĩ, hào phóng ban tặng “đặc ân” cho dân làm nghề “bà cậu”. Như thông lệ, bước sang tháng 9 (âm lịch), lũ trên đồng rút cạn như có ai đưa tay bưng nghiêng mặt đất để nước chảy về sông cái. Thời điểm này, cá sửu xuất hiện nhiều trên sông. Quanh năm, dòng sông mẹ hiền hòa soi bóng biết bao phận đời ngư phủ mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản, kiếm thêm thu nhập.
Anh Lê Minh Sơn (53 tuổi, cồn Bình Thủy, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), một thương lái chuyên thu mua cá sửu) cho biết: “Trời trở lạnh cá sửu dính lưới rất mạnh. Mỗi đêm, tôi chạy vỏ lãi ra sông thu mua khoảng 5 con cá sửu loại lớn. Hiện nay, cá sửu là loài cá ngon, do đó, giá cá nằm ở mức cao, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Anh Sơn là một trong những lái cá kỳ cựu ở dòng sông Hậu nên rất rành về loài đặc sản này. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm cơn bấc xênh xang, anh Sơn thu mua những con cá sửu “khủng” nặng cả chục ký, rồi mang về chợ Long Xuyên bán.
Đêm dài buông trên sông, khung cảnh chìm vào u buồn, tịch mịch. Xa xa, những chiếc đèn của ngư dân thả lưới nhấp nháy, uốn lượn trên mặt sông đầy “mộng mị”. Hỏi ra mới biết đó là loại đèn báo hiệu cho ghe, xuồng lưu thông ngang qua tránh giàn lưới rê. Ông Trần Văn Ý (56 tuổi, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, chuyên giăng lưới cá sửu trên dòng sông Hậu) giải thích, mỗi giàn lưới được ngư dân mắc đến vài chục chiếc đèn phao trôi bồng bềnh trên mặt sông.
“Ngư dân thường gọi là đèn hải đăng thu nhỏ để báo hiệu cho ghe tàu không lướt ngang. Mặc dù, có đèn báo hiệu chớp nhá như vậy, nhưng lưới của ngư dân bị ghe tàu lướt ngang đứt hoài” - ông Ý trầm buồn.
Chiều dài mỗi tay lưới khoảng 1km, độ sâu từ 10 - 20m, bủa giáp dòng sông mới bắt dính loài cá sửu. “Đêm nào trúng mánh, tôi giăng dính từ 4 - 5 con, nặng từ 3 - 4kg/con, tiểu thương thu mua từ 170.000 - 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tôi thu nhập khoảng 1 triệu đồng” - ông Ý khoe.
Ông Nguyễn Văn Lấp (thị trấn Cái Dầu) mưu sinh bằng cái nghề giăng lưới cá sửu ngót nghét 20 năm. Mỗi khi nhìn dòng nước, ông Lấp biết lúc nào có đàn cá sửu di cư. Những người giăng lưới ví von, ông Lấp như “thầy bói cá” trên sông. Giờ đây, từ đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền đến hạ lưu Mekong dường như nơi nào ông Lấp cũng có mặt.
“Khi thì lên sông Vàm Nao, tạt ngang sông Hậu, xuôi về Cần Thơ, rồi qua Vĩnh Long, Trà Vinh. Trong chuyến đi xa, chúng tôi đều ước vọng giăng dính được cá sửu vàng, bán được giá cao” - ông Ý cười khà. Thông thường, khi sang tỉnh khác, nhóm ngư dân rủ nhau đi khoảng vài chục chiếc xuồng lưới, trông như tập đoàn bắt cá rong ruổi trên sông. Màn đêm buông, họ chia nhau từng đoạn sông để thả lưới.
Sau đêm dài vất vả, những chiếc xuồng của ngư phủ thu hoạch được nhiều cá ngon. Tấp vào bến chợ còn sớm, cánh đàn ông tranh thủ ngả lưng thiêm thiếp giấc nồng. Còn các chị lỉnh kỉnh xách cá lên chợ bán. Vài năm trở lại đây, khi nguồn cá sông giảm mạnh chuyện mưu sinh của bà con gặp không ít khó khăn. Có người bỏ nghề lên bờ tìm việc khác mưu sinh. Chỉ ngư dân dạn dày kinh nghiệm còn bám cái nghề cơ cực này.
Mờ sáng, những cái chợ ven sông chộn rộn tiếng cười nói của phận đời ngư phủ. Tiếng tát nước khua xuồng rột rạt làm náo nhiệt bến quê. Cá mắm nhảy lách chách, ngư dân quên đi mệt nhọc sau một đêm “cày” trên sông vắng.
TS Chau Thi Đa (giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, cá sửu nước ngọt tên khoa học pteria multifidapor sống ở tầng nước sâu, phân bố theo dòng Mekong, như: Biển Hồ (Vương quốc Campuchia), sông Tiền, sông Hậu, trọng lượng đạt từ 5 - 10kg cá sửu có 2 loại, gồm: cá sửu trắng và cá sửu vàng.
Từ trước đến nay, trên lưu vực sông Mekong chưa thấy ngư dân bắt dính loài cá sửu vàng quý hiếm nào. Hiện tại, ngành chuyên môn chưa ương nuôi được loài thủy sản này nên giá cá thiên nhiên vẫn còn cao.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-san-ca-suu-song-sau-a386618.html