'Sân chơi dân gian' ở Trường THCS Hưng Đạo
Dưới bóng mát sân trường, các học sinh được chơi đùa, say sưa, sôi nổi với các trò chơi dân gian. Đó là mô hình “Sân chơi dân gian”, sáng kiến của Liên đội Trường THCS Hưng Đạo (Tiên Lữ) nhằm tạo cho học sinh sân chơi lành mạnh, bổ ích; mô hình dễ thực hiện, chi phí thấp.
Thầy, trò Trường THCS Hưng Đạo (Tiên Lữ) kẻ vẽ sân chơi
Chia sẻ về mô hình này, thầy giáo Phạm Ngọc An, giáo viên Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh Trường THCS Hưng Đạo cho biết, sau một thời gian dài học sinh phải học trực tuyến, với mong muốn tạo ra một số hoạt động giúp học sinh vừa rèn luyện thể chất, vừa giải tỏa căng thẳng trong học tập, lại mang đậm ý nghĩa truyền thống, chúng tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng mô hình sân chơi có tên “Sân chơi dân gian” cho thiếu nhi. Được sự ủng hộ, nhất trí, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu nhà trường, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân công đoàn viên đi mua sơn màu, huy động thêm sự tham gia của một số học sinh, lựa chọn những điểm có bóng cây trên sân trường để kẻ vẽ các trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, nhảy ô đa hướng, nhảy lò cò… theo hình thức cách điệu (lớn hơn bình thường để có nhiều học sinh cùng chơi, cổ vũ). Đây là những trò chơi dân gian rất đơn giản, gần gũi, học sinh được trải nghiệm, được hoạt động chung với các bạn nên các em rất hứng khởi, tham gia nhiệt tình. Hiện tại trên sân trường đã kẻ vẽ được 8 điểm chơi với 1 ô nhảy đa hướng, 2 ô nhảy lò cò, 3 ô ăn quan và 2 bàn cờ vua thu hút đông đảo học sinh trong những giờ ra chơi. Gạt mồ hôi sau khi tham gia chơi lò cò, các em Lương Tú Anh và An Doanh Thái, học sinh lớp 7A có chung cảm nhận: “Chúng em rất thích tham gia những trò chơi như thế này, nhất là các trò chơi vận động, vừa giúp rèn luyện sức khỏe, lại giải tỏa căng thẳng để có tinh thần tốt cho giờ học tiếp theo. Bên cạnh đó, có nhiều bạn cùng chơi nên chúng em có điều kiện giao lưu, tương tác để hiểu nhau hơn, dễ dàng chia sẻ, gắn bó nhau hơn… đặc biệt là giúp chúng em cách ly dần với điện thoại, máy tính sau một thời gian dài lệ thuộc vào chúng”.
Đồng chí Vũ Thị Hồng Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét, trong những năm qua, Liên đội nhà trường luôn có những sáng tạo trong tổ chức các hoạt động cho học sinh như: Tổ chức đến với địa chỉ đỏ là các di tích lịch sử trong và ngoài xã; tham gia làm vệ sinh môi trường; chăm sóc, giúp việc nhà cho cựu thanh niên xung phong… Đặc biệt thời gian gần đây, liên đội đã sáng tạo ra mô hình “Sân chơi dân gian” tại sân trường, qua đó giúp học sinh có môi trường tốt để vừa học vừa chơi trong không gian mở, gần gũi thiên nhiên. Từ khi tổ chức được các trò chơi dân gian cho các em học sinh, tình trạng lệ thuộc vào máy tính, điện thoại, ham mê các trò chơi điện tử trực tuyến (game online) trong học sinh đã giảm hẳn, các em có tinh thần tốt hơn, hứng thú hơn trong các giờ học. Hơn nữa, việc tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian không chỉ giúp các em có sân chơi lành mạnh mà còn tạo điều kiện cho các em mở rộng giao lưu; bồi đắp tâm hồn đẹp, giúp các em cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống.
Học sinh Trường THCS Hưng Đạo (Tiên Lữ) hào hứng với các trò chơi dân gian
Giáo viên tổng phụ trách đội Phạm Ngọc An cho biết thêm, đến nay số lượng điểm chơi, trò chơi mới chỉ đạt khoảng 60% theo kế hoạch, hiện tại đang tiếp tục được bổ sung. Mong muốn của liên đội là sân chơi dân gian không chỉ phục vụ các em trong giờ ra chơi mà trong tương lai còn có thể tổ chức thành các cuộc thi vào các dịp kỷ niệm như kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26.3), ngày thành lập Đội (15.5) hay các hoạt động tập thể của nhà trường… Trong thời gian tới, liên đội tiếp tục hoàn thiện mô hình theo kế hoạch, đồng thời phát triển mô hình thông qua việc lắng nghe ý kiến, nhu cầu từ các học sinh; khuyến khích các em sáng tạo thêm các trò chơi phù hợp để các trò chơi được phong phú, đa dạng; thường xuyên tổ chức cho học sinh các lớp tham gia thi các trò chơi để thu hút đông đảo hơn các em đến với mô hình, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, mang đậm văn hóa truyền thống, giúp các em phát triển đúng hướng cả về thể chất và tinh thần.