'Sân chơi lớn thì rủi ro sẽ lớn, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng'
Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khi nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuẩn bị các phương án, biện pháp nhằm phòng tránh và ứng phó khi gặp phải tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế.
Sân chơi lớn thì rủi ro lớn
Xu thế mở cửa đã tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt, nhưng đi kèm với đó là rủi ro lớn, đặc biệt là vấn đề tranh chấp, lừa đảo. Sau vụ việc doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo xuất khẩu 76 container hạt điều, vấn đề tích lũy kinh nghiệm phòng, tránh các vụ việc tranh chấp, lừa đảo trong môi trường quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam trở nên cần thiết.
Ngày 23/8, Cục Xuất nhập khẩu đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế".
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia, mở ra sân chơi lớn với nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng sân chơi lớn thì đi kèm rủi ro sẽ lớn nên các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, thị trường quốc tế tồn tại nhiều nguy cơ tranh chấp về thanh toán, hợp đồng, hàng hóa... Doanh nghiệp Việt dễ gặp phải bất lợi khi chưa quen với việc xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế và thiếu hiểu biết về các thông lệ quốc tế, tập quán kinh doanh của nước đối tác.
Đối với nguy cơ gặp phải lừa đảo trong thương mại, theo báo cáo của PwC năm 2022, khoảng 46 - 49% doanh nghiệp trên thế giới tham gia khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong vòng 2 năm trước khi tham gia khảo sát.
43% trong số họ bị lừa đảo bởi các nhân tố bên ngoài như các hacker, khách hàng, tội phạm có tổ chức… Trong đó, cao nhất là hacker, chiếm 31%, kế đến là khách hàng chiếm 29%.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát này, 52% trong số họ từng bị lừa đảo hoặc gặp phải tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Trong đó, khách hàng, nhà cung cấp và các bên trung gian, đại lý là đối tượng lừa đảo lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PwC, các doanh nghiệp Việt Nam đều rất ít có giải pháp phòng chống lừa đảo, ít khi nhờ bên thứ 3 xác nhận thông tin. Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước khi gặp phải rủi ro do lo ngại tính bảo mật về thông tin vụ việc.
Cần thận trọng hơn trong thương mại quốc tế để phòng, tránh rủi ro
Một ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp Việt thường gặp phải lừa đảo từ khách hàng, đối tác là vụ việc 5 doanh nghiệp bị lừa 76 container hạt điều xuất khẩu sang Italy hồi đầu năm. Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, hiện nay toàn bộ số container này đều đã được trả về tay các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong vụ việc này, ông Nhựt cho rằng nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bị lừa là do quá tin tưởng công ty môi giới, không kiểm tra lại thông tin đối tác qua bên thứ 3, thậm chí chưa từng làm việc trực tiếp với bên mua hàng.
Đồng thời, các đối tượng lừa đảo cũng chọn thời điểm nằm trong dịch Covid, các doanh nghiệp thu được rất ít đơn hàng. Có đơn hàng lớn sẽ khiến doanh nghiệp dễ dàng vội vã, mất cảnh giác. Ngoài ra, phương thức thanh toán cũng chứa nhiều rủi ro.
Vì vậy, ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng trong kinh doanh quốc tế, dù vai trò của môi giới rất quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập.
Là một người đã theo sát và hỗ trợ doanh nghiệp hạt điều từ những ngày đầu tháng 3 tới thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy cho rằng có rất nhiều cách để tra thông tin về đối tác. Từ những biện pháp đơn giản như tra địa chỉ khách hàng bằng Goodle Map 3D, yêu cầu gọi video call cho đối tác tại công ty, nhà xưởng để xác minh tình hình doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt có thể tra thông tin trên các cơ quan thương mại của nước đối tác hay qua các cơ quan thương vụ, hoặc mua báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đánh giá khả năng tài chính của đối tác. Đối với những đơn hàng lớn, các doanh nghiệp cần sang làm việc trực tiếp với khách hàng để tránh gặp phải rủi ro.
Tuy hiện có nhiều phương pháp thanh toán, nhưng không có phương pháp nào được cho là hoàn hảo. Vì vậy, dù sử dụng phương pháp nào, theo ông Thanh doanh nghiệp vẫn cần yêu cầu đối tác đặt cọc ít nhất là 10% giá trị đơn hàng trước khi chuyển hàng. Việc đặt cọc này trước hết là để chứng minh đối tác có nguồn vốn đủ để chi trả cho đơn hàng. Kế đến là để xác minh khách hàng có tài khoản tại ngân hàng đã thống nhất trong hợp đồng.