Săn chuột đồng
Nghề săn chuột đồng giờ không đơn thuần để kiếm thực phẩm cho bữa ăn gia đình, nó thực sự góp phần làm nên những mùa vàng bội thu và trở thành thú vui của thanh niên các xã Sơn Thủy, Hoàng Xá của huyện Thanh Thủy.
Cuối năm, tiết trời se lạnh. Mưa bụi nhè nhẹ đủ tạo nên những mạng nhện nước trên đồng đất Thanh Thủy. Chiều chạng vạng, ông Thắng khoác thêm áo, bỏ bẫy vào bao tải, ra khỏi nhà... Gạt qua đám cỏ xước và đất bãi xập xè dưới chân, chỉ một loáng, mấy chục cái bẫy đã được ông đặt xong.
Mùa này trên đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Gặt xong, rơm rạ được các nhà chất thành đống tại ruộng đốt lấy tro luôn. Trời thỉnh thoảng có đợt mưa nên gốc rạ vẫn ẩm ướt, mặt ruộng nhoen nhoét. Phía chân bờ ruộng, chi chít dấu chân chuột chạy ngược xuôi. Điều ấy hứa hẹn một mùa săn chuột thú vị.
Hang chuột rất dễ phát hiện bởi ngoài cửa hang có đống đất nhỏ do chuột đùn ra nên người ta có thể dùng thuổng đào sâu vào hang để bắt. Tất nhiên, cách này đạt kết quả thấp bởi chuột rất tinh nhanh, có nhiều đường thoát và lại dễ làm hư hỏng đê bao, đường sá. Cách khác, ta có thể dùng rơm rạ đốt và lùa khói để hun, đổ nước vào hang hoặc dùng chó nhà kết hợp với các giải pháp trên. Tuy nhiên, đặt cạm (bẫy) vẫn là cách thông dụng và hiệu quả nhất của những người săn chuột ở Sơn Thủy.
Lang thang trên cánh đồng, vừa còng lưng gỡ bẫy, vừa cầm đuôi xoay mòng mòng những “thằng” chuột “sa cơ lỡ vận”, ông Thắng tâm sự với tôi: Chuột thường lên khỏi hang đi kiếm ăn từ lúc chạng vạng tối cho đến rạng sáng. Ra cánh đồng, chỉ cần thấy cái miệng hang tun hút, cửa hang chi chít dấu chân là trong đó có chuột. Cứ khoảng 6h chiều là đội săn bắt đầu rải bẫy. Rải xong cái bẫy cuối cùng là thể nào cái bẫy đầu tiên cũng đã có một “anh chàng” dẫm vào.
Minh - thành viên trong chuyến săn chuột lần này cho biết: Những con chuột bự sẽ được anh em để lại, nướng trên than hoa, chế biến thành đồ nhắm rượu. Số còn lại bán cho người đi thu mua chuột về nuôi trăn, rắn. Thời điểm vào vụ thu hoạch ngô như bây giờ, đêm trúng “luồng”, tôi đánh được gần chục cân! Nỗi buồn lớn nhất của người săn chuột là bị mất bẫy. Vừa tức, vừa cay cú. Tuy không thể làm giàu từ nghề bẫy chuột đồng nhưng đây lại là cái thú vui, phải dẹp bọn “giặc” này cho bà con yên tâm làm ăn.
Phía bên kia làng là cánh đồng ngô đang kỳ thu hoạch. Lũ trẻ trong làng cũng hăng hái sắn quần rủ nhau ra đồng săn chuột theo cách truyền thống. Chỉ bỏ chút thời gian là chúng đã tìm được nơi chuột trú ngụ. Cả bọn vơ ít rơm, châm mồi lửa rồi thi nhau quạt khói vào hang. Chỗ nào có khói ra thì lấy đất bùn chét lại, chỉ chừa lại một lối, cắm cái “dọng” làm sơ sài bằng tre cật để đón lõng con chuột sặc khói chạy ra. Thường thì hang chuột nào cũng có ba, bốn cửa. Bọn chuột rất tinh khôn. Chúng cũng biết làm nhiều cửa để thoát hiểm. Quạt. Quạt thật mạnh. Hết rơm khô thì nhổ cỏ khô làm thành bùi nhùi. Không chịu nổi khói, chuột cứ thế lao thẳng vào dọng, thật đúng câu “chuột chạy cùng sào”! Lũ trẻ cầm đuôi chuột, quay mấy vòng thế là nó chóng mặt, nằm quay lơ.
Thịt chuột đồng ngon và bổ. Cách chế biến đơn giản nhất là thui qua lửa rơm cho sạch lông rồi nướng trên than hồng. Chuột đồng nướng giòn, mỡ tiết ra vàng ươm. Minh bảo: - Chuột ngon nhất là vào mùa lúa chín. Thịt chuột béo ngậy, nướng trên than hoa thơm lừng. Chuột nướng cả con, rồi chặt ra chấm muối ớt. Mùa Uôn Cúp (Word Cup - PV) này, nướng mấy con chuột làm mồi nhậu, ngồi nhâm nhi xem bóng đá tới sáng được. Thịt chuột ăn với rau răm hoặc lá chanh sẽ tăng thêm hương vị. Chuột đồng xào rau răm, chuột đồng xào xả ớt…, chế biến được nhiều món lắm!
Theo thống kê, chuột là loài gây hại và khó quản lý nhất trong số các loài địch hại đối với sản xuất nông nghiệp. Từ một đôi chuột bố mẹ, qua một năm sinh sản phát triển thành dòng họ cháu chắt lên đến…2000 con! Chuột trưởng thành rất nhanh, kể từ lúc mới sinh đến hai - ba tháng tuổi đã trở thành chuột bố mẹ. Chuột phá hoại tất cả các mùa vụ trong năm, ở tất cả các loại hoa màu và trên khắp mọi cánh đồng.
Vài năm trở lại đây, thịt chuột đồng trở thành món ăn đặc sản, được một số nhà hàng, quán nhậu ưa chuộng. Thú săn chuột đồng cũng vì thế mà phát triển, vừa lợi nhà, vừa để người nông dân có được những cánh đồng nặng hạt, sai bông, góp phần làm nên những mùa vàng no ấm.
Gia Minh
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//mon-ngon/san-chuot-dong/189441.htm