Săn chuột đồng

Trời chưa sụp tối, những cao thủ săn chuột đồng mùa nước nổi ở vùng biên giới huyện Châu Thành tất bật chuẩn bị đi săn.

Chuột dính bẫy.

Chuột dính bẫy.

Săn chuột đồng là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm. Trước đây, người ta đi đánh bẫy chuột đồng bằng mồi bẫy. Thời điểm đó, người săn chuột phải chuẩn bị các món khoái khẩu của chuột như lúa, bắp, khoai mì, mít…

Thậm chí phải trộn thêm chút gia vị để gia tăng mùi thơm nhằm dẫn dụ chuột vào bẫy. Nhưng cái cực của bẫy mồi là phải chuẩn bị các bài mồi mất rất nhiều thời gian và công sức. Còn với những cao thủ đi đánh bẫy chuyên nghiệp, bẫy số lượng lớn đã chuyển hướng sang đánh lối mà không cần mồi.

Đồng hồ chưa điểm sang 16 giờ, cao thủ săn chuột đồng ở vùng biên giới- anh Lưu Văn Tuấn (34 tuổi) chất gần 200 chiếc bẫy lụp lên chiếc xe Wave. Số bẫy lồng khá lỉnh kỉnh, anh Tuấn phóng thẳng xe về hướng cánh đồng sát biên giới, bắt đầu hành trình đi đánh bẫy chuột đồng.

Ở ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, hơn 4 năm nay, người nông dân vẫn ám ảnh với nạn chuột đồng hại mùa màng. Có năm, chỉ qua một đêm nhiều gia đình trắng tay vì chuột.

200 chiếc bẫy lụp được anh Tuấn đặt xung quanh khu vực các bờ ruộng, bờ đê sau cánh đồng ngập nước chỉ chưa đầy 2 tiếng. “Do chuột đồng thường đi theo luồng nên chỉ cần đặt bẫy lụp đúng hướng là chuột tự động chui vào và sập bẫy”- anh Tuấn lý giải.

Đặt cái bẫy lụp xuống một đám cỏ ven bờ, anh Tuấn nói: “Có nhiều cách để bắt chuột đồng- tùy từng mùa- như đào hang, chụp lưới… nhưng đi đánh bẫy lụp đơn giản và hiệu quả hơn. Bẫy lụp còn gọi là bẫy lồng và người săn chuột sẽ chọn hướng chuột chạy để đặt. Trong chiếc bẫy được thiết kế một bàn đạp, chuột chạy vào đạp trúng thì nắp lồng bị sập xuống. Có những mẫu bẫy hiện nay được cải tiến thêm 2 khoen chống sảy ở nắp bẫy”.

Muốn bắt chuột đi thì đưa miệng bẫy vào hướng hang, còn muốn bắt chuột về thì đưa bẫy quay về hướng ngược lại. Phải chọn thời gian và hướng đi đúng của chuột, không thì đi đánh bẫy cả đêm cũng trắng tay trở về.

Đặt bẫy chuột.

Đặt bẫy chuột.

Thành quả sau một đêm.

Thành quả sau một đêm.

“Bắt chuột đồng không khó nhưng phải siêng, linh hoạt. Chẳng hạn, chuột lúc mới ra khỏi hang, nó sẽ dừng lại ở miệng hang quan sát rất kỹ. Chỉ cần thấy có chướng ngại vật thì nó sợ không ra khỏi hang hoặc lách ra để đi. Cho nên, đặt bẫy cần phải cách miệng hang 1-2m”- anh Tuấn vừa đặt lụp vừa chỉ dẫn.

Chỉ chiếc bẫy ẩn sâu vào lối mòn trong lớp cỏ, anh Tuấn cho biết, phải ngụy trang để chuột không nhìn thấy nắp bẫy vì chuột rất nhạy. Đặt bẫy phải chú ý khoảng không trên lồng, nếu không đủ khoảng trống, nắp bẫy sập xuống sẽ bị vướng cỏ lại coi như không bẫy được chuột. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý bứt bỏ cỏ hoặc dọn lại đường đi của chuột. Và để dễ dàng tìm thấy bẫy khi thăm vào buổi tối, mỗi chỗ đặt bẫy sẽ được đánh dấu bằng cờ hoặc cột dây lên thân cỏ.

“Hai đường chuột đi gần nhau thì vẫn cứ đặt 2 bẫy vào, bởi vì chúng là 2 con khác nhau”- anh Tuấn nói.

Số bẫy lụp vơi dần trên đôi vai, anh Tuấn vẫn đôi chân trần đi băng băng trên cánh đồng. Thông thường, với những cao thủ như anh Tuấn, trời nhá nhem tối là khoảng 200 chiếc bẫy đã được đặt khắp cánh đồng rộng lớn ở vùng biên. Anh Tuấn lại tất tả trở về nhà cho bữa cơm chiều để chuẩn bị trở lại thăm bẫy.

21 giờ, anh Tuấn rời khỏi nhà cùng với chiếc lồng đựng chuột dài hơn 1m và đèn pin chụp đầu. Ở cánh đồng lúc chiều vừa đặt bẫy, anh Tuấn soi đèn và định hướng để đi theo luồng đặt, không thăm sót bẫy. Sợi dây cột trên những thân cỏ giúp anh nhanh chóng tìm thấy chiếc bẫy. Một con chuột to bằng cổ tay sụp bẫy. Con chuột kêu chít chít vì bị anh Tuấn đổ vào lồng lớn. Chiếc bẫy được giăng trở lại để cho chuyến thăm sáng mai.

Anh Tuấn cười xòa nói về cái nghề săn chuột: “Ở quê mà, tùy theo mùa, không làm cái này thì mình làm cái khác kiếm sống. Cái nghề săn chuột, mình vừa kiếm thêm thu nhập mà vừa diệt bớt chuột đồng hại lúa cho bà con. Đặc biệt, chuột là loài đẻ rất nhanh, mỗi lần chuột mẹ đẻ đến khoảng 10 chuột con. Bắt mãi vẫn chưa hết được chuột là hiểu rồi”.

Theo anh Tuấn, thông thường chuột lớn thì khoảng 10 con vô 1 ký, còn chuột nhỏ tầm 20 con mới được 1 ký. Trung bình mỗi đêm, anh Tuấn bắt được từ 6-8kg, có mùa lên đến 12-15kg/đêm, kiếm thêm 200.000 - 300.000 đồng. Kết thúc buổi săn chuột đêm, anh Tuấn trở về nhà nghỉ ngơi, sáng tranh thủ thu bẫy sớm rồi mang ra chợ sang lại cho mối.

Phan Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/san-chuot-dong-a152738.html