Sàn đấu giá Sotheby's gỡ tác phẩm nghi giả tranh Nguyễn Văn Tỵ

Trên trang web, nhà đấu giá Sotheby's Hongkong đã quyết định gỡ bức tranh nhái của cố họa Nguyễn Văn Tỵ khỏi phiên đấu giá vào ngày 10/10 tới để xác minh nghi vấn tranh giả.

Theo đó, nhà đấu giá thông báo trên website hôm 5/10: "Sotheby’s nhận thức được những lo ngại về tính xác thực của tác phẩm L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Chúng tôi sẽ rút tác phẩm này khỏi phiên đấu giá và điều tra thêm".

Sotheby's Hongkong vẫn đăng tải bức bình phong được cho là giả tác phẩm "Nhà tranh gốc mít" của Nguyễn Văn Tỵ trên website của mình, nhưng có kèm thông báo lô hàng đã được rút khỏi phiên đấu giá. Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình.

Trong hạng mục Ngày giảm giá nghệ thuật hiện đại 10/10, Sotheby’s vẫn đăng hình ảnh, chú thích về tác phẩm nhưng bỏ thông tin về giá kèm ghi chú: "Lô này đã rút khỏi phiên đấu giá".

Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói rất vui khi tranh không phải của cha chị được gỡ xuống. "Nhờ ý kiến của giới chuyên môn và truyền thông, nhà đấu giá đã có phản hồi đúng đắn. Tôi hy vọng trường hợp này không tái diễn", chị nói.

Trước đó, Sotheby’s đăng bán bức bình phong sơn mài gỗ đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ với mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 HKD (2-2,9 tỷ đồng). Ở phần ghi chú, họ viết: "Tác phẩm này tương đương bức "Nhà tranh gốc mít" (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội".

Chị Bình Minh khẳng định tác phẩm do Sotheby’s đấu giá là giả. Bố chị chỉ sáng tác "Nhà tranh gốc mít", kích thước 67x105 cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên, những tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam, đặc biệt là dòng tranh Đông Dương thời gian gần đây đang được ưa chuộng bị làm giả, nhái và được bán đấu giá trên các sàn đấu giá quốc tế. Những phản ánh kịp thời khi phát hiện ra những sự việc như thế này sẽ góp đảm bảo một môi trường mỹ thuật lành mạnh và nâng cao giá trị của tranh Việt trên trường quốc tế.

Ngoài Sotheby’s rút bức bình phong "giả", cuối tháng 9, nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) đã rút 3 bức tranh "giả" Bùi Xuân Phái dự định đấu giá ngày 16/10 khỏi trang web của họ, sau những "đánh tiếng" của họa sĩ Lê Huy Tiếp và bạn bè ông ở Pháp.

Bức tranh được các họa sĩ Việt cho là giả tranh Lê Phổ vẫn được giữ lại trên trang web, nhưng cũng giống như bình phong Nhà tranh gốc mít "giả", nó sẽ không được đấu giá trong phiên 16/10.

Xa hơn, giữa tháng 7/2020, sau khi nhận được phản hồi về các nghi vấn tranh giả gắn tên một số danh họa Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, nhà đấu giá Tajan (Pháp) đã gỡ bỏ 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá ngày 21/7 năm đó.

Tháng 9/2019, sau dư luận từ giới hội họa Việt Nam, Sotheby's gỡ khỏi trang web của họ 2 bức tranh được cho là tác phẩm Lá thư của Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của Trần Văn Cẩn mà họ định đưa ra đấu giá.

BV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-dau-gia-sothebys-go-tac-pham-nghi-gia-tranh-nguyen-van-ty-post160021.html